Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Ông Lê Phước Lộc - Nhà sáng tạo miệt vườn
(Ngày đăng: 16/01/2014)

Ông Lê Phước Lộc, sinh năm 1957 ở ấp 5, xã An Hữu, huyện Cái Bè được nhiều người biết đến bởi đã phát minh ra hàng loạt nông cụ đáp ứng được sự mong mỏi của nhà vườn trồng cây ăn quả trong khắp cả nước. Nhắc đến ông, mọi người yêu mến gọi là "Nhà sáng tạo miệt vườn" hay "Kỹ sư miệt vườn".

Ông Lộc bên chiếc máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp.

Đến thăm cơ sở cơ khí của ông nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ vào những ngày cuối năm, chúng tôi chứng kiến nhiều người đang miệt mài lao động để kịp sản xuất các sản phẩm độc đáo do ông sáng tạo ra, phục vụ cho nhà vườn trồng cây ăn trái trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, thu nhập từ 2.000 m2 vườn cây ăn trái của gia đình có thể đảm bảo cuộc sống khá đầy đủ. Tuy nhiên, nhờ cần kiệm trong quá trình sản xuất, ông Lộc mua thêm được hơn 5.700m2 đất để mở rộng sản xuất. Trên diện tích hơn 7.700m2 đất, ông đầu tư trồng mít, xoài cát cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ông Lê Phước Lộc cho biết, năm 2000 ông bắt đầu trồng thêm cây cam sành. Trong quá trình canh tác cam, ông nhận thấy việc thu hoạch và cắt tỉa bỏ những cành, trái kém phát triển và tạo tán cho cây rất khó khăn. Với những trái có cành vươn xa ra ngoài mương, muốn thu hoạch phải bắc thang, mất nhiều thời gian và không an toàn lao động. Xuất phát từ những khó khăn trên, 2 năm sau ông nảy sinh ra ý tưởng chế tạo chiếc kéo cắt tỉa đa năng, dùng để cắt trái, tỉa cành trên cao và xa ngoài tầm tay với.

Chiếc kéo cắt tỉa đa năng do ông Lộc sáng tạo ra được làm bằng nhôm, dài từ 1,5 -3,5m với nhiều ưu điểm như đường cắt sắc bén, không để lại dị tật cho cành, thao tác đơn giản, di chuyển gọn nhẹ, năng suất tỉa cành cao, cắt tỉa những cành thừa có đường kính 10 mm trở xuống. Ngoài ra, kéo còn cắt bỏ những trái da cám, kém phát triển, để tập trung dinh dưỡng nuôi những quả còn lại đạt chất lượng cung cấp cho thị trường. Chiếc kéo đa năng có thể thu hoạch trái khi được gắn thêm vợt hứng quả kẹp bên dưới lưỡi kéo. Khi thu hoạch, đưa kéo lên cuống trái, dùng tay phải bóp cần kéo, lưỡi kéo cắt cuốn, đồng thời kẹp cuống trái đem xuống bỏ vào giỏ rất êm ái, không gây trầy xước trái. Chiếc kéo rất phù hợp với nghề làm vườn, đem lại tiện ích cao cho nông dân bởi có thể thu hoạch rất nhiều loại như na, cam, quít, bưởi, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, hồng, bơ và cắt cành cho cây cao su. Chiếc kéo đa năng của ông Lộc có thể sử dụng được nhiều động tác trên cây ăn trái và được thị trường cả nước công nhận. Hiện trung bình mỗi năm ông bán được khoảng 15.000 chiếc kéo đa năng cho nhà vườn khắp cả nước.

Trước đây, nông dân trồng dưa hấu và các loại hoa màu khác như cà, ớt, dưa leo, cải,... sử dụng màng phủ nông nghiệp (bằng nhựa) trải lên liếp nhằm giữ ẩm đất và hạn chế sâu bệnh cho cây trồng. Tuy nhiên, hạn chế của màng phủ này là không có khoét lỗ nên mỗi khi trồng nông dân phải trải màng nhựa lên liếp và khoét lỗ bằng thao tác thủ công, mất nhiều thời gian và khi có mưa thì không thực hiện được việc khoét lỗ trên màng phủ. Do đó, chiếc máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp mà ông Lộc sáng chế đã mau chóng mang đến niềm vui cho rất nhiều nông dân trồng rau màu trong khắp cả nước.

Ông Lộc bộc bạch: Máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp được thiết kế trên khung sắt chữ V, có bộ phận gá cuộn màng phủ; trục lăn, trục cuốn màng phủ; môtơ điện, dây xích và curoa truyền động; thiết bị khoét lỗ nung bằng điện trở; bệ để dập lỗ được chuyển động lệch tâm; bộ phận trượt. Ưu điểm của máy là khoét lỗ trên màng phủ nông nghiệp bằng máy, kích thước, vị trí và khoảng cách lỗ điều chỉnh được theo yêu cầu. Theo ông Lộc, máy có thể thay thế 8 lao động thủ công trong khi chi phí đầu tư chỉ vào khoảng 10 triệu đồng/máy. Nếu như trung bình mỗi ngày, một nông dân dập lỗ màng phủ nông nghiệp bằng phương pháp thủ công được 4 cuộn (400m/cuộn) thì dập lỗ bằng máy chỉ trong vòng 40 phút là hoàn thành. Máy dập lỗ màng phủ của ông Lộc đã đạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang năm 2013. 

Ông Lộc tâm sự: Máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp là giải pháp sáng tạo mà ông tâm đắc nhất và dành nhiều thời gian, công sức đầu tư nhiều nhất. Đây là chiếc máy mang tính "công nghệ" nhiều hơn các giải pháp khác mà ông sáng tạo ra, đồng thời lại khó chế tạo hơn. Hiện nay, máy đã được sản xuất đại trà và áp dụng trong thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh hai giải pháp sáng tạo nổi bật trên, "nhà sáng tạo miệt vườn" Lê Phước Lộc còn sáng tạo ra dụng cụ bao trái và vòi phun nước. Dụng cụ bao trái góp phần phục vụ cho các nhà vườn trồng cây ăn trái trong việc chống sâu rầy, côn trùng, nấm bệnh tấn công vào trái và giữ màu sắc tươi đẹp cho đến khi thu hoạch. Dụng cụ gồm 2 đoạn nhôm dài 1,4 m, khi sử dụng nối lại dài 2,8m; phần dưới có ống (phi 16) dài 70cm, được buộc dây gân lòn vào phần lồng của ống từ dưới lên trên phần trên. Hiện nay, để đối phó với dịch sâu đục trái đang hoành hành trên vườn bưởi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ có giải pháp là bao trái để hạn chế sâu đục trái. Nhiều nông dân đã sử dụng dụng cụ bao trái này trong việc bao trái, phát huy hiệu quả cao trong việc khống chế sâu đục trái bưởi.

Nói về quá trình sáng tạo ra sản phẩm vòi phun nước, ông Lộc tâm đắc: Trước đây, ông trồng cam với kỹ thuật kéo cành xòe 4 bên để tạo tán rộng nên việc di chuyển máy tưới rất khó khăn. Ông đã đặt đường ống ngầm dưới đất làm vòi phun tự động. Tuy nhiên, vòi phun này công suất chậm, thời gian tưới lâu, phun không đều và mau hỏng. Để khắc phục nhược điểm này, ông Lộc lại nghiên cứu và chế tạo thành công loại vòi phun nước có 3 cánh. Khi vận hành, áp lực nước phun ra từ trong 3 cánh có chiều cong, lực nước đẩy xuôi chiều kim đồng hồ, vòi tự động quay và rải nước đều từ trong ra ngoài có đường kính từ 12 - 15 m. Do toàn bộ làm bằng thau nên vòi phun nước này có độ bền rất cao, 10 bộ vòi có thể tưới 1.000m2 vườn cây ăn trái.

Từ năm 2002-2012, ông Lộc cho ra đời 4 giải pháp sáng tạo gồm: Kéo cắt tỉa cành đa năng, dụng cụ bao quả, vòi phun nước và máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp. Tất cả các sản phẩm này đều được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và đạt giải cao tại các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật trong tỉnh và toàn quốc. Ông bày tỏ: Tất cả các nông cụ mà ông sáng tạo đều xuất phát từ yêu cầu sản xuất và nhu cầu của nông dân, đòi hỏi tính năng thao tác đơn giản, nâng cao chất lượng trái trước khi thu hoạch trong khi giá thành lại thấp nên nhiều năm qua đã được sản xuất, sử dụng rộng rãi trong cả nước.

Hàng năm, cơ sở sản xuất của ông Lộc tiêu thụ 15.000 cây kéo cắt tỉa đa năng, 3.000 cần bao trái, 4.200 vòi phun nước. Tổng lợi nhuận hàng năm từ việc tiêu thụ các sản phẩm nông cụ do ông chế tạo gần 800 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở của ông còn giải quyết việc làm cho 20 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Ông Lộc đã vươn lên làm giàu chính đáng từ đôi bàn tay và khối óc của mình. Tấm gương vượt khó thoát nghèo và tinh thần sáng tạo của ông Lộc xứng đáng để mọi người học tập. Nhiều năm liền, ông được công nhận là "Nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi" cấp tỉnh, được nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ,  UBND tỉnh, Trung ương Hội Nông dân... Cuối năm 2013, ông vinh dự là nông dân duy nhất của tỉnh Tiền Giang được cử tham dự Hội nghị nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc và được vinh danh tại Hội nghị nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tỉnh Tiền Giang vào đầu tháng 1/2014.

Công Trí - Cổng TTĐT Tiền Giang
Tin liên quan