Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tăng cường đào tạo nhân lực KHCN theo nhu cầu thị trường
(Ngày đăng: 26/12/2013)

Cần đổi mới cách thức giáo dục đào tạo, thay đổi tư tưởng “học để biết” sang “học để làm việc”, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng khả năng tự cung ứng nhân lực KHCN.
Ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đó là những giải pháp được đề ra tại hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện dân số vàng Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 24/12.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, cơ cấu dân số nước ta bắt đầu chuyển từ “cơ cấu dân số trẻ” bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Sự chuyển đổi nhân khẩu này đưa đến nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sự phát triển KTXH. Đó là các vấn đề trong việc tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục…

Trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, Việt Nam sẽ có một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Nếu lực lượng này là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, làm tăng thu nhập bình quân đầu người và tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn “dân số già”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, công tác đào tạo nhân lực nói chung và nhân lực KHCN nói riêng cũng đang bộc lộ một số điểm bất hợp lý như: Dự báo cung cầu nhân lực chưa có thông tin chính xác về nhu cầu thiếu, thừa. Việc đào tạo nhân lực cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, chất lượng chưa đồng nhất giữa các vùng miền, công tác phân luồng, hướng nghiệp cũng chưa hiệu quả, còn độ vênh lớn trong cơ cấu ngành nghề và bậc đào tạo.

Bà Loan cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên, đó là do các trường đại học chưa xác định được vai trò là trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ, các nhà khoa học trong nhà trường chưa chủ động trong việc giảng dạy gắn với nghiên cứu khoa học, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, các chế độ lương bổng, đãi ngộ với đội ngũ nhân lực KHCN cũng còn nhiều bất cập.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để tăng cường đào tạo nhân lực KHCN theo nhu cầu thị trường lao động.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Đặng Ngọc Dinh, quan trọng nhất là làm cho xã hội thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo, sử dụng nhân lực KHCN, vận động các cơ sở sử dụng lao động, doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nhân lực KHCN.

Đặc biệt, cần đổi mới cách thức giáo dục đào tạo, thay đổi tư tưởng “học để biết” sang “học để làm việc”, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư  mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng khả năng tự cung ứng nhân lực KHCN.

Còn GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), cho rằng cần từng bước mở rộng mô hình đào tạo theo cơ chế chia sẻ kinh phí đào tạo giữa Nhà nước và doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề với các tổ chức KHCN. Đồng thời, phối hợp các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo, dạy nghề tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên, người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp ngay từ khi vào trường và có nhiều thông tin cần thiết khi sắp tốt nghiệp.

Thu Cúc. Nguồn:Chinhphu.vn
Tin liên quan