Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Lobby để chính sách gần thực tiễn
(Ngày đăng: 29/11/2013)

Cần phải có hành lang pháp lý đảm bảo có sự bình đẳng để mọi nhóm được quyền phát biểu ý kiến của mình về một quyết sách nào đó trước khi được ban hành.

Cuối tuần trước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoạt động vận động chính sách” tại TP.Hồ Chí Minh. Tại hội thảo này, PGS.TS Phạm Bích San (ảnh), Phó Tổng Thư ký VUSTA, đã trao đổi về vấn đề được xem là khá mới mẻ ở Việt Nam hiện nay.

Vận động chính sách là cần thiết

. Phóng viên: Thưa ông, hiểu một cách cụ thể, hoạt động vận động chính sách là gì?

+ PGS-TS Phạm Bích San (ảnh): Vận động chính sách là hoạt động cơ bản nhất để đưa thông tin đến nhà lập chính sách; làm sao để cung cấp đầy đủ thông tin hơn nữa cũng như kiến nghị những giải pháp phù hợp với thực tiễn để khi chính sách ra đời sẽ phù hợp và đúng đắn hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động vận động chính sách là cần thiết. Vì thực tế phát triển rất sôi động và đa dạng; tốc độ biến đổi của tình hình cũng rất nhanh nên nhiều khi chính sách đưa ra không bao quát và ứng phó kịp. Điều đó đòi hỏi thông tin từ người dân, từ các nhà khoa học cũng như báo chí cần đến với nhà lập chính sách nhiều hơn, đúng hơn để họ cân nhắc một cách kỹ lưỡng nhất trước khi cho ra đời một chính sách nào đó.

. Hoạt động vận động chính sách có thể hiểu là lobby chính sách? Lâu nay ở nước ta khi nói tới chuyện lobby chính sách, người ta hay nghĩ tới chuyện tác động bằng lối “đi cửa sau”để cho ra đời một chính sách nào đó có lợi cho nhóm lobby, tức hơi mang tính tiêu cực. Ông có thể làm rõ thêm vấn đề này?

+ Lobby theo đúng nghĩa là hoạt động gặp gỡ và đưa thông tin một cách đầy đủ cho nhà làm chính sách. Xuất phát của thuật ngữ này là khi các nghị sĩ Mỹ giải lao ở hành lang nghị trường thì những người cần trình bày tiếp cận, đưa thông tin hoặc các kiến giải của mình về một vấn đề cụ thể cho những người có trách nhiệm trong việc ra chính sách liên quan.

Thực tế cũng có những hoạt động lobby kiểu như hối lộ để ra chính sách có lợi cho một lực lượng nào đó nên mới có sự hiểu nhầm lobby là hoạt động có tính mờ ám. Để phân định rành mạch ranh giới giữa lobby hối lộ và chiến dịch vận động đưa thông tin kịp thời đến nhà lập chính sách, ở các nước thừa nhận hoạt động lobby, họ có hành lang pháp lý để phân định cụ thể vấn đề này, trong đó quy định rất rõ những gì được phép làm và không được phép làm trong hoạt động lobby.

Đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần lợi ích

. Hoạt động vận động chính sách nếu được thừa nhận sẽ bổ khuyết gì cho chất lượng chính sách, thưa ông?

+ Thực tế cho thấy có không ít chính sách đưa ra và một sớm một chiều lại phải thay đổi ngay. Rõ ràng là chất lượng của những chính sách đó không ổn. Một trong những nguyên do cơ bản dẫn đến tình trạng này là vì trong quá trình lập chính sách, nhà lập chính sách chưa thu thập đủ thông tin thực tiễn từ người dân và nhất là thông tin từ các nhà khoa học (mang tính thẳng thắn và độc lập).

Nhưng cũng phải lưu ý là không có một chính sách nào phù hợp tuyệt đối với tất cả mọi người trong xã hội, vì trong xã hội ta hiện nay có nhiều thành phần lợi ích khác nhau.

. Vậy làm sao để chính sách ra đời phục vụ hài hòa lợi ích của xã hội chứ không phải vì một nhóm lợi ích nào đó mà làm tổn thương đến các thành phần lợi ích khác?

+ Trong tương lai, cần phải có hành lang pháp lý để quy định cụ thể vấn đề này, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng có những nhóm lợi ích có điều kiện vận động cho lợi ích của nhóm họ, còn những nhóm khác không có điều kiện thì không thể nào vận động để bảo vệ lợi ích của mình. Như qua vụ thủy điện xả lũ gây ngập ở miền Trung mới đây, không phải ngẫu nhiên mà ngần ấy thủy điện được duyệt cho xây dựng như thế. Trong khi đó để thông qua một dự án có rất nhiều hoạt động: từ chấp thuận chủ trương, đánh giá tác động của dự án, rồi mới đến xây dựng,… Trong quá trình đó ta không thấy vai trò của nhóm vận động cho môi trường, tác động cho người nghèo, cho dân tộc thiểu số sống ở khu vực đó…

Vì thế, cần phải có hành lang pháp lý đảm bảo có sự bình đẳng để mọi nhóm được quyền phát biểu ý kiến của mình về một quyết sách nào đó trước khi được ban hành. Nếu không việc vận động chỉ phục vụ lợi ích cho nhóm đang vận động thì không ổn.

. Theo quan sát của ông, liệu có sự lũng đoạn chính sách ở đây không?

+ Lũng đoạn thì tôi không dám chắc nhưng chắc chắn có ảnh hưởng của các nhóm lợi ích liên quan trong việc ra một số chính sách. Các chính sách liên quan đến đất đai, chắc chắn có sự tác động, ảnh hưởng vận động lớn của những ông chủ bất động sản. Và theo tôi hiểu đây là một nhóm mạnh nên các chính sách liên quan thường được ban hành khá nhanh. Trong khi đó, các nhóm khác như nhóm bảo vệ giá lúa của người nông dân lại triển khai khá chậm, dù đã nhiều chủ trương đúng đắn.

. Theo ông, vấn đề nào được xem là căn cơ để hoạt vận động chính sách phát huy mặt tích cực của nó?

+ Vấn đề quan trọng nhất là thông tin. Thông tin càng minh bạch để người dân tiếp cận nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Minh bạch thông tin cũng sẽ giúp các nhà khoa học và các tổ chức xã hội có dữ liệu để phân tích một cách độc lập và xác đáng. Và càng có nhiều thông tin độc lập khác nhau thì cơ quan ra quyết định càng có điều kiện ra một quyết định tốt được.

. Xin cảm ơn ông.

Theo Vusta (Minh Cường - Pháp luật TP.HCM 25/11/2013)
Tin liên quan