Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Giới thiệu công nghệ ghép dưa leo
(Ngày đăng: 29/11/2013)

Cây dưa leo mẫn cảm với bệnh héo rũ, các biện pháp phòng trị bệnh như luân canh với cây trồng khác họ, vệ sinh đồng ruộng, nấm đối kháng, trị bằng thuốc hóa học và kể cả dùng Methyl bromide xử lý đất canh tác cũng không mang lại hiệu quả cao.
Tập huấn chuyển giao công nghệ ghép dưa leo tại Long An

Triệu chứng đầu tiên xuất hiện ở những lá bên dưới, sau đó lan dần lên lá non với triệu chúng lá hơi vàng từ rìa dẫn đến khô và chết héo cả cây sau 3-5 ngày. Từ lâu, người dân Nhật Bản và Hàn Quốc đã sử dụng phương pháp ghép để tránh bệnh héo Fusarium. Đến năm 2000 Nhật Bản và Hàn Quốc có diện tích trồng dưa hấu ghép ngoài đồng chiếm 90% và trong nhà lưới 98%, đã sử dụng phương pháp ghép tiên tiến là dùng Robot. Nấm Fusarium oxysporum lưu tồn trong đất rất lâu và gia tăng mật số qua mỗi mùa dưa, bệnh thường xảy ra ở giai đoạn cây có trái non trở về sau, vị trí gốc thân nơi vết bệnh màu nâu hoặc xám nhạt bao quanh gốc, gây hiện tượng thối khô tóp lại. Cây bị nhiễm nấm F. oxysporum bộ rễ phát triển kém, rễ bị thối dần.

Trồng dưa leo ghép ngoài đồng

 

Ghép dưa là biện pháp hữu hiệu và kinh tế nhất để có thể trồng dưa liên tục nhiều vụ trong năm mà không lo bị bệnh héo do nấm Fusarium oxyporum, ngoài đặc tính kháng bệnh thì cây ghép còn có khả năng chịu úng, chịu hạn và chịu phèn tốt do bộ rễ của cây làm gốc ghép được tuyển chọn từ những loại cây hoang dại. Từ năm 2008, Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu thành công gốc ghép bầu (nhập nội từ Nhật) kháng bệnh héo rũ trên dưa hấu tại Hậu Giang và Bạc Liêu. Năm 2011, tiếp tục thành công trên dưa leo tại Kiên Giang, cây dưa leo ghép có tỉ lệ bệnh héo rũ dưới 10%.

Tháng 8/2012, Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao công nghệ ghép dưa leo cho cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp và 30 nông dân sản xuất dưa leo của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và thực hiện 04 điểm trình diễn mô hình trồng dưa leo ghép tại ấp Đức Hạnh I, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa. Kết quả cho thấy năng suất dưa leo ghép trung bình 112,49-140,51% cao hơn dưa leo không ghép. Mặc dù chi phí dưa leo ghép cao hơn trồng dưa leo không ghép 500.000 đồng/1.000 m2 (chi phí tăng hơn là do tiền hạt giống bầu và công ghép dưa leo) nhưng trung bình lợi nhuận dưa leo ghép so với dưa leo không ghép tăng từ 133,24-171,66% do năng suất tăng và giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

* Ưu điểm: Cây ghép giữ được những đặc tính của giống muốn nhân, tăng sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng, chống lại những bất thuận của môi trường. Cây ghép làm giảm sử dụng thuốc trừ bệnh, cho năng suất và chất lượng trái cao hơn cây không ghép.

* Hạn chế: Đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, khéo léo, chính xác, dao ghép phải thật bén, nhát cắt phải phẳng, gọn và luôn giữ vệ sinh (tránh bệnh truyền nhiễm lây lan do nấm, vi khuẩn,… vì khi ghép có sự cắt nối dễ tạo cơ hội cho vi sinh vật xâm nhiễm). Giá thành cây ghép cao hơn so với cây không ghép và thời gian sinh trưởng của cây ghép lâu hơn cây trồng trực tiếp 1 -2 tuần.

TS Hồng Thủy
Tin liên quan