Thời gian qua, ở tỉnh Tiền Giang cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, rủi ro trong chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng cao. Có rất nhiều nguyên nhân: chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức của người chăn nuôi chưa cao, sử dụng con giống chất lượng thấp; chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và khẩu phần thức ăn chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; chích ngừa chưa triệt để, vaccine hiệu lực thấp; bảo quản sử dụng vaccine chưa đúng hướng dẫn; việc quản lý, thu mua, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ; khí hậu, thời tiết ngày càng bất lợi; dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường... | |
Nguyên nhân quan trọng nhất là tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ và theo tập quán cũ như chăn nuôi gia súc ăn cỏ thả rong, chăn nuôi vịt đàn chạy đồng làm lây lan mầm bệnh; chăn nuôi heo, gà quy mô nhỏ lẻ khó quản lý. Đặc biệt ý thức của một số hộ chăn nuôi chưa cao, chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về chăn nuôi thú y, như việc quăng gia súc, gia cầm bị bệnh dịch chết xuống kênh rạch làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh...
Về con giống, đa phần người nuôi vẫn tự nhân con giống, việc quản lý đực giống chưa chặt chẽ dẫn đến hiện tượng đồng huyết gây thoái hóa giống xảy ra phổ biến, trong khi các trại giống có quy mô vừa và lớn có đủ điều kiện nhân giống còn quá ít, mới chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cung ứng con giống cho người chăn nuôi.
Về chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, tuy đã được nhiều hộ chăn nuôi quan tâm hơn trước, song đa số chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; số hộ có xử lý phân bằng hầm ủ Biogas chưa nhiều, một phần cho cá ăn và một số ít ủ theo phương pháp truyền thống làm phân bón cho cây trồng.
Do thức ăn liên tục tăng giá, vì phần lớn nguyên liệu chính như bắp, đậu, khô dầu, bột xương đều phải nhập từ nước ngoài. Kể từ đầu tháng 7/2010, ở tỉnh Tiền Giang dịch heo tai xanh xảy ra trên diện rộng, giá heo hơi giảm chỉ còn 23.000 – 25.000đ/kg, nhưng giá thức ăn hổn hợp vẫn ở mức trên 15.000đ/kg và chi phí thức ăn chiếm từ 60 – 70% giá thành chăn nuôi. Như vậy sơ bộ tính cũng biết là người chăn nuôi bị lỗ nặng. Chính vì vậy người chăn nuôi chỉ cho heo ăn cầm chừng, thậm chí còn cho ăn độn với rau xanh, thức ăn kém chất lượng. Heo suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém và dịch bệnh lại càng xảy ra nhiều hơn. Theo số liệu điều tra đến thời điểm giữa năm 2010, số hộ sử dụng hoàn toàn thức ăn hổn hợp chỉ mới chiếm 69,67%, còn lại sử dụng tấm, cám, một phần thức ăn đậm đặc và sử dụng phế phẩm nông nghiệp và thủy, hải sản ở địa phương. Đặc biệt còn có một số hộ nuôi heo sử dụng thức ăn dư thừa của người, nhưng không nấu chín lại, nên đây là nguồn thức ăn dễ lây truyền dịch bệnh, vì có lẫn những loại thức ăn sống. Đối với đại gia súc rất ít hộ chăn nuôi có trồng cỏ để bổ sung thức ăn cho trâu, bò. Kể từ tháng 10/2010 đến nay, dịch heo tai xanh đã được dập tắt, giá heo hơi ở mức cao, nhưng giá thức ăn lại tăng cao thêm làm cho người chăn nuôi thu lợi không là bao nhiêu, nếu gặp dịch bệnh thì coi như mất trắng.
Từ tháng 02/2011, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên heo lại hoành hành và UBND tỉnh Tiền Giang đã công bố dịch trên phạm vi toàn tỉnh vào ngày 15/02/2011. Từ đó đến ngày 03/ 03/2011 số xã trong tỉnh Tiền Giang có heo phát bệnh LMLM lên 82 xã, 599 hộ và heo bệnh đã lên đến 7.557 con. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi tỉnh đã có nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh nầy trên đàn gia súc của tỉnh và đến cuối tháng 03/2011 tình hình dịch bệnh LMLM đã giảm đi rất nhiều.
Tình hình dịch bệnh như trên có thể là do việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm chưa triệt để. Theo số liệu năm 2010, tỷ lệ tiêm phòng cho gia cầm chưa đạt tỷ lệ bảo hộ cao, như tiêm phòng bệnh Newcatle đạt 78,15% và cúm gia cầm chỉ đạt 63,68%. Còn tỷ lệ tiêm phòng trên gia súc chỉ đạt cao đối với một số bệnh như dịch tả heo đạt 87,42%, tụ huyết trùng đạt 85,33%, Lở mồm long móng chỉ đạt 16,67% và đối với heo tai xanh tỷ lệ còn thấp hơn. Với tỷ lệ tiêm phòng trên các bệnh nguy hiểm đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là đối với gia súc, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh dịch heo tai xanh vừa qua xảy ra rất nghiêm trọng và tỉnh đã phải tiêu hủy hơn 60.000 con heo với trọng lượng hơn 3 triệu kg; năm 2011 dịch bệnh LMLM đang xảy ra trên diện rộng với thiệt hại bước đầu như đã nêu ở trên.
Việc bảo quản, sử dụng vaccine đối với một số hộ chăn nuôi cũng chưa đúng kỹ thuật; có khi sử dụng không đúng cách, không đúng liều; nhất là vaccine cho gia cầm uống; không tăng thêm máng nước; cho nên có con uống được vaccine, có con không. Đối với vaccine nhược độc dùng nước pha không đảm bảo chất lượng, có khi đem vào pha và tiêm ngay trong chuồng gia cầm, làm vaccine rơi vải trên nền chuồng, không sát trùng, mầm bệnh phát triển ngay trong lớp lót chuồng và tấn công lại đàn gia cầm trong khi con vật chưa tạo ra được kháng thể mạnh để chống lại mầm bệnh.
Việc kiểm dịch, giám sát việc mua, bán, vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm cũng chưa thật chặt chẽ. Do hệ thống giao thông đường thủy phát triển nên việc kiểm dịch, kiểm tra giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm bằng đường thủy rất phức tạp và không thể kiểm soát triệt để. Còn nhiều hộ giết mổ heo không đưa vào lò giết mổ theo quy định nên tỷ lệ heo giết mổ không qua kiểm dịch còn cao. Việc bán thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch cũng còn diễn ra ở một số nơi, nhất là trên địa bàn nông thôn. Nhiều hộ mua, bán gia cầm sống không đúng nơi quy định.
Diễn biến thời tiết khí hậu ngày càng phức tạp, khó dự đoán chính xác cũng làm cho dịch bệnh phát sinh, lan rộng. Nhiều khi còn bị cúp điện kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, kể cả ấp nở gia cầm, úm cho gia cầm non và hệ thống quạt thông gió cho chuồng nuôi, nhất là nuôi gà công nghiệp không phát huy hiệu quả các thiết bị, làm tăng tỷ lệ hao hụt và tăng giá thành, giảm hiệu quả chăn nuôi.
Từ những hạn chế trên, xin đề xuất một số giải pháp khắc phục trong chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh Tiền giang như sau:
1. Về giống vật nuôi: Nhà nước cần có chính sách tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở nhân giống gia súc, gia cầm và nhập một số giống ông, bà có chất lượng cao về nhân giống và cải tạo đàn giống ở địa phương. Đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu tuyển chọn, nhân giống, lai tạo giống gia súc, gia cầm. Chỉ đạo thực hiện việc quản lý giống gia súc, gia cầm một cách chặt chẽ hơn.
2. Về tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi, thú y: Qui hoạch vùng nuôi và giành một phần đất trống để trồng cây thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu...gắn với công nghiệp chế biến thức ăn để góp phần giảm giá thành thức ăn chăn nuôi. Tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi và xây dựng khẩu phần ăn cho vật nuôi một cách khoa học và hiệu quả để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm nuôi đảm bảo tốt các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo các qui định của Nhà nước.
3. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi: Củng cố Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi từ tỉnh xuống tận cơ sở, nhất là ở cơ sở. Giành một phần kinh phí thỏa đáng cho công tác phòng, chống dịch như mua và dự trữ hóa chất sát trùng, vaccine có hiệu lực cao, kinh phí hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm chết do dịch bệnh gây ra. Có biện pháp tăng cường tỷ lệ tiêm phòng, phấn đấu tiêm phòng đạt tỷ lệ bảo hộ theo quy định của Nhà nước. Làm tốt hơn nữa công tác quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm, nhất là những khi có dịch. Xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại. Sắp xếp các chợ mua, bán sản phẩm gia súc, gia cầm và quản lý việc mua, bán, giết mổ chặt chẽ hơn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
4. Về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu: Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi thích hợp với sự biến đổi khí hậu, chẳng hạn như mô hình chuồng sàn để tránh ngập úng, nhân rộng mô hình nuôi trâu thương phẩm do trâu thích nghi với vùng ngập nước hơn bò; phát triển chăn nuôi thủy cầm theo hướng an toàn dịch bệnh. Nghiên cứu phát triển các cây thức ăn thích ứng với điều kiện ngập úng hay khô hạn. Chuyển giao một số cây thức ăn chăn nuôi biến đổi gen có năng suất cao và khả năng kháng sâu bệnh cao như bắp, đậu nành...
Ngoài ra, nhằm làm tăng khả thi cho các giải pháp quản lý trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, chúng ta cần đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Quyết định số: 17/2010/QĐ-UBND ngày 15/10/2010 do UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quy định về quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, ấp trứng gia cầm và sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang./.