Ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên chương trình thủy sản của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam trong chuyến làm việc, khảo sát các cơ sở nuôi cá tra và chế biến thức ăn thủy sản tại các tỉnh ĐBSCL trong khuôn khổ dự án “Xây dựng chuỗi cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” cho biết, hiện nay cả nước đã có 30 vùng nuôi cá tra của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đạt chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council) nhưng chưa có hộ nuôi cá tra riêng lẻ nào đạt được chứng nhận này. | |
Chi phí cao là nguyên nhân quan trọng nhất khiến người nuôi cá tra nhỏ lẻ khó đạt chứng nhận ASC (ảnh chụp xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc sản xuất và đạt chứng nhận ASC đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn. Cụ thể, đối với trại nuôi cá tra diện tích khoảng 4 ha, chỉ phần chi phí thuê tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật đã tốn 10.000 – 15.000 USD tùy theo điều kiện thực tế. Tiếp theo đó, người nuôi cá phải tốn thêm phần chi phí từ 3.500-4.500 USD để thực hiện khâu chứng nhận. Hơn nữa, người nuôi cá phải đầu tư một phần chi phí đáng kể để cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng ao nuôi theo tiêu chuẩn ASC. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có sự khác biệt lớn giữa cá tra đạt chứng nhận ASC với những sản phẩm khác.
ASC là tên viết tắt của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản - một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được thành lập năm 2009 bởi WWF và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH). Bộ tiêu chuẩn ASC cá tra/basa có tất cả 103 tiêu chuẩn trong 7 nguyên tắc của tiêu chuẩn ASC gồm: tính hợp pháp của vùng nuôi; sử dựng đất và nước; ô nhiễm nguồn nước và kiểm soát chất thải; di truyền và đa dạng sinh học, kiểm soát thức ăn, kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất; trách nhiệm xã hội và xung đột giữa những người sử dụng |
Vừa qua, WWF cùng với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) triển khai thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)”. Mục tiêu của dự án này là đến năm 2020 ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam trở thành ngành bền vững với môi trường, kinh tế và xã hội và đây là những tiêu chí cơ bản nằm trong bộ tiêu chuẩn ASC.
Cụ thể, khi dự án kết thúc sẽ có ít nhất 70% công ty nuôi trồng có quy mô lớn và vừa, 30% nhà máy sản xuất thức ăn độc lập chủ động cam kết thực hiện theo ASC và có ít nhất 50% các nhà sản xuất cung cấp các sản phẩm bền vững tuân thủ tiêu chuẩn ASC vào thị trường Châu Âu và những thị trường khác. Riêng đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ, dự án SUPA không đề cập đến nhưng việc áp dụng tiêu chuẩn ASC là tự nguyện.