Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Ngành xây dựng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu
(Ngày đăng: 29/05/2012)

Mưa, bão (bão gió, bão cát, bão tuyết), lũ lụt, hạn hán, nóng - lạnh bất thường, động đất, sóng thần... là “những thảm họa” cho nhiều quốc gia khắp các châu lục đã được các nhà khoa học cảnh báo trước từ nhiều năm trước đây. Ngành xây dựng phải làm gì để ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu? ThS. Phan Phùng Sanh, phó chủ tịch thường trực Hội xây dựng TP.HCM đã đề xuất một số giải pháp như sau...

Theo chúng tôi, cần phải tập trung nghiên cứu, thực hiện một số vấn đề như sau:

1. Ở vùng đồng bằng, dọc ven biển, nơi đã có cư dân, khu công nghiệp, bến cảng… cùng với các nhà khoa học, tính toán dự báo mực nước biển đến cuối thế kỷ này sẽ tăng lên tối đa là bao nhiêu? Từ đó mà có kế hoạch làm đê bao, sử dụng ván bê tông tiền áp dạng sóng (công nghệ của Nhật Bản). Có thể thiết kế lại: độ dày mỏng hơn, bớt chiều cao của sóng, làm kè hai bên, giữa đổ cát, đất... phủ bên trên bằng bê tông xi măng cốt thép, đê bao này sẽ trở thành đường đi vững chắc. Ở nơi thiếu đất, đê không cần quá rộng. Khi đã có đê bao vững chắc, cần trang bị các trạm bơm dự phòng để khi cần thiết có thể vận hành cho thoát nước cưỡng bức lúc mưa to.

2. Đối với các khu công nghiệp, các đô thị mới cần quy hoạch ở những vùng đất cao: ở phía bắc, nên đưa về vùng trung du, Việt Bắc - Tây Bắc, ở miền Trung dọc dãy Trường Sơn, theo đường Hồ Chí Minh, ở miền Nam là vùng Đông Nam bộ... đó là những vùng không bao giờ ngập nước, đầu tư ban đầu rất tốn kém. Đường ra biển, không quá xa, bởi nước ta có bờ biển dài, song bề ngang hẹp, chỉ có mạnh bạo chuyển hướng như vậy thì mới đảm bảo phát triển bền vững.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về ngành xây dựng phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu mô hình xây dựng “những ngôi nhà xanh”, để giảm tối đa tiêu thụ năng lượng điện, năng lượng từ các nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch, tận dụng tối đa năng lượng gió, năng lượng mặt trời, góp phần giảm khí thải CO2, nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính.

4. Kết nối giữa các khu dân cư, khu công nghiệp ở những vùng thấp, nên xây dựng “đường trên cao” dù đầu tư tốn kém song bù lại ta không mất đất, giảm giải tỏa và không bao giờ lo ngập nước. Công nghệ và kỹ thuật làm đường trên cao đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật của chúng ta đã thành thạo; thép, xi măng... không thiếu.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về ngành xây dựng cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm định hướng mọi người “sử dụng gạch nhẹ không nung” để tiết kiệm đất sét, nhiên liệu, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường. Bởi ngày nay xây nhà gần như dùng khung chịu lực, gạch chỉ làm “chức năng bao che”. Đối với các nhà thấp tầng cần gạch làm chức năng chịu lực thì có thể dùng gạch sản xuất từ phế liệu, đất đồi được polymer hóa ép thành gạch, qua công đoạn hấp hoặc không hấp, cũng sẽ giảm nhiều đất sét, nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường...

Để thay đổi thói quen dùng gạch đất nung sang gạch không nung đòi hỏi phải có cuộc vận động sâu rộng để mọi người hiểu rõ lợi ích của nó; đồng thời, nhà nước cần có chính sách đánh thuế tài nguyên khi sử dụng gạch đất nung, chính sách ưu đãi cho người sản xuất và sử dụng gạch không nung. Giá thành của gạch không nung rẻ hơn sẽ thuyết phục được mọi người!

6. Để chống lại “động đất và sóng thần” cũng như chống lại gió bão, lũ lụt… cần khuyến khích sử dụng công nghệ mới, đó là công nghệ EVG-3D Panel của Áo, đã được chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Công nghệ này làm công trình có thể chịu được động đất đến 7,5 độ Richter, chịu được nhiệt độ cao, cách âm, cách nhiệt rất tốt, giảm trọng lượng công trình đến 40%, giảm giá thành phần thô không dưới 20%.

Nguyên liệu để sản xuất Panel 3D trong tương lai của nước ta không thiếu. Ngay ở nước ta cũng đã có cơ sở sản xuất thiết bị Panel 3D, rất cần được sự hỗ trợ của nhà nước.

7. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có kế hoạch nhanh chóng phục hồi rừng đầu nguồn bằng cách trồng các loại cây có thể phát triển tốt ở các vùng đất khô hạn, nghèo dinh dưỡng... Các loại cây này có nguồn gốc bản địa hoặc nhập ngoại, như: cây jatropha có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thân cây mọng nước làm “băng chống cháy rừng” rất hiệu quả, thu hoạch trái để chiết xuất dầu dùng để pha chế diesel sinh học, là loại cây có thể cố định CO2 khoảng 48 tấn CO2/ha/năm; cây xoan chịu hạn (neem) phát triển tốt ở vùng sa mạc hóa, lá làm nguyên liệu chế biến thuốc trừ sâu sinh học; cây phong dương, cây được mệnh danh là cây rừng siêu ngắn ngày, sau 5 năm có thể thu hoạch gỗ xấp xỉ 470 m3/ha, rất dễ trồng, có thể trồng bằng hạt hoặc bằng hom...

8. Ở dọc hai bờ sông cần trồng các loại tre, bần, gừa, cỏ vetiver... để hạn chế sạt lở, kháng gió, bão. Ở những vùng thường bị lũ lụt, mỗi gia đình cần có một bè tre, trên có khung che nắng, mưa… khi có lũ lụt sẽ trở thành nhà nổi, đảm bảo an toàn cho mọi gia đình. Tre còn là nguyên liệu để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; tre được xử lý làm vật liệu xây dựng. Tre cho măng là loại rau sạch dùng trong nước và cả xuất khẩu. Người xưa dùng tre để bào chế ra nhiều thứ thuốc chữa bệnh.

9. Với bờ biển nước ta dài 3.260 km cùng với 2.360 con sông lớn, nhỏ được phân bổ từ Bắc chí Nam, với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao hiện nay thì rõ ràng là phải có hệ thống đê vững chắc bằng bê tông cốt thép, vô cùng tốn kém, phải mất nhiều thế hệ.

Khả thi và ít tốn kém hơn cả là xây dựng “đê mềm”, bằng cách trồng và bảo vệ nghiêm ngặt “rừng ngập mặn”. Nhanh chóng trồng dọc bờ biển các loại cây: mắm, đước, bần, sú, vẹt… Những loại cây này dễ trồng, ít tốn kém… được ông cha ta trồng từ nhiều trăm năm trước đây! Rừng đước dọc bờ biển sẽ là đê mềm chống bão, sóng thần rất hữu hiệu.

Vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao bảo vệ được rừng phòng hộ. Khả thi nhất là khoán cho dân quản lý, tạo việc làm cho họ để họ có thể sống khá giả nhờ rừng, thì rừng sẽ phát triển tốt.

10. Thường xuyên nạo vét các cửa sông, tạo sự thông thoáng cho thoát nước, hạn chế ngập úng ở các khu dân cư… cát nạo vét thuộc “cát nhiễm mặn” dùng để tôn cao nền cho hàng ngàn cụm dân cư ven biển, đảm bảo cho mọi người dân sống an toàn khi mực nước biển dâng cao hoặc làm chất độn làm đường, làm đê ven biển, không nên vì lợi ích cục bộ mà đem đi xuất khẩu, bởi trong tương lai ta cần hàng trăm triệu m3 cát dùng vào các mục đích trên.

11. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng “cát nhân tạo”, bởi đá để nghiền ra cát ở nước ta là vô tận. Quản lý thật chặt việc khai thác cát xây dựng ở tất cả các con sông trên cả nước, tiến tới chấm dứt việc khai thác cát sông, bởi nó làm sạt lở hàng ngàn hecta đất màu mỡ trôi ra biển, không có cách nào chống đỡ nổi.

12. Xây dựng nhiều ao, hồ chắc chắn dùng để dự trữ nước ngọt ở những nơi thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Có giải pháp thu giữ nước mưa, xây dựng những trạm bơm lấy nước ngọt từ sông khi thủy triều xuống, được truyền dẫn bằng ống nhựa PVC dễ thi công và giá thành không quá cao. Nghiên cứu hoặc tiếp thu công nghệ nước ngoài, sản xuất ra nhiều thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt dùng năng lượng mặt trời để trang bị cho những vùng sâu, vùng xa bị thiếu nước ngọt.


ThS. PHAN PHÙNG SANH (Phó chủ tịch thường trực Hội xây dựng TP.HCM)
khoahocphothong
Tin liên quan