Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Đưa VietGAP đến với người nuôi tôm nước lợ
(Ngày đăng: 08/11/2013)

Ngày 06/11, tại Hội trường UBND xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông tổ chức lớp tập huấn Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) trong nuôi trồng thủy sản cho bà con nuôi tôm trên địa bàn xã Kiểng Phước. Đây cũng là lớp tập huấn VietGAP đầu tiên cho bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện Gò Công Đông.
VietGAP là quy trình sản xuất nền tảng giúp quản lý hiệu quả hoạt động nuôi tôm (ảnh chụp xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, TG)

Đến tham dự lớp tập huấn có 65 đại biểu là cán bộ quản lý thủy sản cấp huyện, xã và bà con nuôi tôm trên địa bàn xã Kiểng Phước. Tại lớp tập huấn, bà con nuôi tôm được cán bộ Chi cục Thủy sản hướng dẫn chi tiết các hoạt động phải thực hiện trong quá trình nuôi tôm theo 68 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn VietGAP để giúp bà con nuôi tôm bước đầu tiếp cận với tiêu chuẩn VietGAP cũng như nâng cao ý thức của người nuôi tôm trong việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và có trách nhiệm với xã hội.

Hiện nay, hầu hết người nuôi tôm sản xuất theo kiểu truyền thống, họ tận dụng hết mọi diện tích mặt nước để nuôi tôm mà không có ao lắng, ao chứa bùn, kênh cấp kênh xả không riêng biệt, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ…, nhất là vấn đề ghi chép, lưu trữ hồ sơ trong hoạt động nuôi tôm gần như chưa thực hiện. Do đó, khi tiếp cận với VietGAP, người nuôi tôm tỏ ra bối rối, bất ngờ bởi mọi yêu cầu của VietGAP dường như là quá cao so với khả năng, trình độ còn giới hạn của nông dân.

Mặt khác, đến thời điểm này, các sản phẩm thủy sản đạt các chứng nhận nuôi trồng thủy sản tốt như: GlobalGAP, ASC, SQF, VietGAP… vẫn chưa có dấu hiệu phân biệt và có giá bán cao hơn so với các sản phẩm sản xuất theo kiểu truyền thống, trong khi việc nuôi tôm theo VietGAP đòi hỏi phải đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng nuôi tôm hoàn chỉnh, việc quản lý các hoạt động nuôi tôm chặt chẽ hơn, nhất là phải tốn một khoản phí hàng chục triệu đồng cho việc thuê tư vấn và chứng nhận VietGAP cho một trại nuôi tôm 4-5 ha.

Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản, trước mắt chưa thể đòi hỏi tôm nuôi theo VietGAP có giá bán cao hơn so với tôm nuôi thông thường mà cần xem áp dụng VietGAP là quy trình sản xuất nền tảng giúp quản lý hiệu quả hoạt động nuôi tôm, từ đó làm giảm chi phí và dịch bệnh, tăng hiệu quả, giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững.        Qua thực tế sử dụng cùng với nhận thức về các vấn đề chất lượng, dịch bệnh, môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng cao, người tiêu dùng sẽ dần dần nhận thấy được sự khác biệt giữa sản phẩm VietGAP với sản phẩm thông thường, khi đó sản phẩm VietGAP sẽ có ưu thế trong tiêu thụ và thị trường sẽ tự động điều chỉnh theo hướng các sản phẩm thủy sản đạt VietGAP có giá trị cao hơn.

Thành Công
Tin liên quan