Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Nên có “Ngày trí thức Việt Nam”?
(Ngày đăng: 29/05/2012)

GS Chu Hảo, Ủy viên đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN – nói rằng ông phân vân trước đề nghị nên có Ngày trí thức VN. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh vấn đề trí thức với nhu cầu về một nền giáo dục và thể chế.

Mới  đây, tại buổi làm việc với Thường trực Ban Bí  thư Trương Tấn Sang, Liên hiệp các hội khoa học và  kỹ thuật VN (VUSTA) đề xuất nên có  “Ngày trí thức VN”, là một ủy viên của VUSTA, ông cảm nhận thế nào về đề xuất này?

Thật sự là đến ngày ông Trương Tấn Sang xuống làm việc với VUSTA, tôi mới được biết về đề xuất này. Nếu đây là ý kiến của tập thể đoàn chủ tịch Hội đồng trung ương VUSTA thì tôi phải chấp nhận theo nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số”, nhưng cá nhân thì có những phân vân. Tôi thấy ở VN hiện nay mình làm cái gì cũng với xu thế kiểu phong trào, chúng ta sinh ra rất nhiều ngày này, ngày nọ, và chắc là một số người cho rằng đã có ngày dành cho phụ nữ, cho doanh nhân, cho nông dân…, tại sao lại không có ngày dành cho trí thức?

Theo tôi, hiện nay định nghĩa về trí thức của VN là chưa rõ ràng, vì nhiều người đang quan niệm rằng trí thức gồm những người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên theo như phát biểu của Cụ Hồ trong cuốn “sửa đổi lề lối làm việc” viết năm 1947.

Tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó, Cụ Hồ chỉ đơn giản hóa một khái niệm mới để mọi người dễ hiểu, chứ nhìn vào cách Cụ ứng xử với nhân sỹ, trí thức và cách cụ mời họ tham gia Chính phủ, tham gia việc nước như thế nào thì sẽ hiểu được quan niệm về trí thức của Cụ.

Hơn nữa, cần hiểu rằng trí thức không phải là một đoàn thể. Trong xã hội, trí thức tập hợp, tụ họp với nhau xung quanh các diễn đàn về các chủ đề chính trị, xã hội, khoa học…, mỗi người có một ý kiến riêng của mình, đa chiều, đa dạng, nhưng không đối kháng nhau; họ tập hợp lại thành một tầng lớp chứ không phải ai đứng ra tập hợp, xây dựng nó trở thành một đoàn thể. Chính vì vậy tôi e rằng việc tìm ra tiêu chí, cơ sở, nội dung cho một ngày gọi là “ngày trí thức” thì hơi bị khó đấy! 

Thưa, ba năm trước, khi một nghị quyết riêng dành cho giới trí thức được Ban chấp hành trung ương ban hành, ông từng tâm sự rằng nội dung của nghị quyết là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là nghị quyết ấy có thực sự đi vào cuộc sống hay không. Xin hỏi là đến thời điểm này, cảm nhận của ông như thế nào về sức sống của nghị quyết?


Thời điểm đó, tôi rất quan tâm đến ba bản nghị  quyết chuyên đề dành cho công nhân, thanh niên và  trí thức. Có lẽ sau một thời gian các nghị quyết đó ra đời, trung ương sẽ có những đánh giá kết quả của nó. Đến nay thời gian chưa đủ dài, nhưng với cảm nhận của cá nhân tôi thì cả ba nghị quyết đó chưa thật sự đi vào cuộc sống. 

Chẳng hạn, nếu mục đích của nghị quyết về trí thức là xây dựng được đội ngũ trí thức lớn mạnh thì Đảng, Chính phủ phải tạo điều kiện cho đội ngũ ấy hình thành, phát triển mà một trong những điều kiện ấy không gì khác ngoài xây dựng được một nền giáo dục lành mạnh, tiên tiến. Nhưng mà xem ra từ khi có nghị quyết đến giờ, nền giáo dục của chúng ta chưa tiến bộ thêm được gì, có khi còn lún sâu vào những vấn đề mà xã hội đang bức xúc.

 

Tình trạng của giáo dục bây giờ cần có một cuộc cải cách toàn diện và triệt để, nhưng nhiều người có trách nhiệm dám dùng từ “cải cách”. Gần đây, duy có hai lần hai nhà lãnh đạo nhắc tới vấn đề này, một là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi tôn vinh GS Ngô Bảo Châu đã nói rằng chúng ta phải tiến hành cải cách giáo dục, và sau Đại hội XI thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trước MTTQ VN rằng chúng ta phải “đổi mới toàn diện, triệt để nền giáo dục, tức là cải cách giáo dục”. Thế nhưng, rất tiếc là trong văn kiện Đại hội không nói tới từ “cải cách”. Cho đến nay, nền giáo dục nước nhà chưa trở thành nền tảng cho tầng lớp trí thức phát triển. 

Yếu tố  thứ hai cần thiết để cho tầng lớp trí thức phát triển đó là sự tự do tư tưởng trong học thuật được tôn trọng. Yếu tố này cho đến nay chúng ta chưa cảm nhận được rõ ràng. 

Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, cải tạo thực tế thì nó phải được chuyển hóa vào thể chế, thành những đạo luật của Quốc hội, chương trình hành động, kế hoạch của Chính phủ…


Đúng vậy. Một nghị quyết xuất phát từ quyết tâm chính trị có thể rất cao, nhưng những điều kiện cơ bản để thực hiện nó thì không đầy đủ như quyết tâm, thành ra nó sẽ khó đi vào cuộc sống. Nhưng điều quan trọng hơn là bản thân nghị quyết đáp ứng được những gì cho những tầng lớp mà nó hướng tới. Chẳng hạn như nghị quyết về giai cấp công nhân có mục đích là củng cố vai trò lãnh đạo của giai cấp này, nhưng thử hỏi thực tế hiện nay phần lớn công nhân đang phải vật lộn với miếng cơm, manh áo hàng ngày thì thật khó đáp ứng được mục tiêu đó. 

Thưa, trong khi trí thức đòi hỏi và  chờ đợi vai trò của Nhà nước và thể chế, thì đất nước cũng đang đòi hỏi tinh thần năng động, chủ động và bản lĩnh của trí thức trong việc tạo ra những diễn đàn, những không gian cho tự do và sáng tạo?

Đúng là  như vậy, nhưng phải có thiết chế dân chủ  đảm bảo cho tự do tư tưởng, tự do học thuật. Thiết chế ấy phải được đảm bảo bằng những quy định rất cụ thể trong việc tìm đề tài, tổ chức các hội thảo, tự do công bố kết quả nghiên cứu… mà không bị thành kiến, quy kết, chụp mũ.

Xin được trở lại với vai trò của giáo dục, năm 2010, qua sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Field, có thể cảm nhận được sự khao khát được phát triển, khao khát được bùng nổ, được khẳng định mình trong giới khoa học, trí thức, giới trẻ VN; nhưng rồi, không ít người đã tâm tư và nhận định rằng nếu cứ học tập và nghiên cứu ở VN thì không thể có Ngô Bảo Châu và giải thưởng Field.

Chắc chắn là như vậy. Nếu Ngô Bảo Châu không có được môi trường làm việc ở Pháp, ở Mỹ để nghiên cứu khoa học một cách thực thụ thì không thể nhận được giải thưởng Field danh giá. Và đương nhiên là những điều kiện ấy ở VN chưa có. Trước hết là không có nền khoa học nào có thể phát triển mạnh mẽ được trên nền giáo dục bất cập như của chúng ta, bất cập từ cấp tiểu học, phổ thông cho đến đại học. Bạn thấy đấy, ở VN chúng ta không nhìn thấy các nhóm nghiên cứu mạnh có tiếng tăm trên thế giới, cũng chưa thấy một trường đại học nào của VN được gọi là đại học nghiên cứu làm cái nôi cho các nhà khoa học phát triển… 


Không có được những thành quả  không phải vì chúng ta thiếu  khát vọng, bởi nếu nhìn vào số lượng và sự đa dạng của các loại mục tiêu thì có lẽ VN thuộc vào những quốc gia hàng đầu?


Không đạt được bởi phần lớn đó là những mục tiêu duy ý chí, thiếu tầm nhìn dựa trên những chuẩn mực quốc tế. Ví dụ như việc xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế ở VN, gần đây người ta nêu lên bốn trường đại học là đại học Đức, đại học Pháp, đại học Nhật và đại học Mỹ, chủ trương rất rõ ràng, cộng với hàng trăm triệu USD mà Chính phủ sẵn sàng bỏ vào để xây dựng. Nhưng kết quả thế nào? Tôi được biết là trường đại học Đức có điểm tuyển sinh đầu vào thuộc loại rất thấp, còn đại học Pháp thì vội vàng chiêu sinh…, kết quả là cả hai trường này bế tắc. Chúng ta không thể cấy vào hệ thống đại học VN một vài cơ sở hợp tác với nước ngoài để lập tức nó có chất lượng, điều đó là thiếu cơ sở khoa học và cơ sở xã hội.

Trong khi đó, những năm gần đây, số lượng các bạn trẻ VN ra nước ngoài học ngày càng nhiều, ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Có người đã dùng chữ “di cư giáo dục” hoặc  “tỵ nạn giáo dục” để định danh hiện tượng này. Tôi nghĩ rằng đó là hiện tượng đáng buồn, không chỉ là ở cấp đại học mà ở cấp trung học thì những gia đình có điều kiện đều muốn cho con em mình ra nước ngoài học, đặc biệt là con em của những người phụ trách ngành giáo dục và con em cán bộ cao cấp ra nước ngoài học lại càng nhiều. 

Theo lẽ  thường, hiện tượng sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, giao lưu là rất tốt, nhưng để nó trở thành một phong trào ồ ạt thì quả là đáng suy nghĩ. Vì chỉ khi người ta không có niềm tin vào nền giáo dục nước nhà thì người ta phải ra ngoài học như vậy. Và, khi sang nước ngoài học, các bạn trẻ sẽ có trình độ chuyên môn rất tốt, nhưng điều đáng lo là nếu các em đi từ trẻ quá thì không có điều kiện để hấp thụ văn hóa dân tộc, và rõ ràng là khiếm khuyết này rất khó có thể bù đắp được.

Xin cảm ơn ông!

 

Lê Kiên - Thu Hà (thực hiện) - bee.net.vn
VUSTA
Tin liên quan