Giải nhì: NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ SỰ KHÁNG THUỐC CỦA RẦY NÂU NILAPARVATA LUGEN STAL. Ở CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG. Giải nhì: GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG | |
Tác giả: Lâm Thị Mỹ Nương
Năm sinh: 1968
Nghề nghiệp: Công nhân viên Trung tâm Bảo vệ thực vật phía
Địa chỉ: Ấp Mới, Xã Long Định, Huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang
Điện thoại: 0733 834 476
Và đồng tác giả: Hồ Văn Chiến, Huỳnh Thị Ngọc Diễm .
Việc đánh giá và nghiên cứu tính kháng thuốc của côn trùng có thể thực hiện bằng nhiều cách thức như: (1) So sánh các mẫu côn trùng sưu tập trên các cánh đồng. (2) So sánh các mẫu côn trùng nuôi trong phòng thí nghiệm. (3) So sánh các mẫu côn trùng bằng các kỹ thuật xét nghiệm sinh học.
Với các dữ liệu thu thập được từ các cách thức nêu trên thì các dữ liệu từ kết quả các xét nghiệm sinh học (3) luôn luôn được xác nhận là chính xác, khoa học và được chấp nhận để sử dụng trong so sánh tính kháng thuốc qua một thời gian dài sử dụng thuốc ở một vùng/địa phương, hay giữa các vùng/địa phương của một quốc gia hoặc giữa các quốc gia với nhau. Để tránh những biến động sai số trong quá trình so sánh nhất thiết phải được tiêu chuẩn hóa các phương pháp và quy trình phân tích, nhằm tránh làm sai lệch các kết quả. Sự tiêu chuẩn hóa “Phương pháp nghiên cứu đánh giá sự kháng thuốc của Rầy nâu Nilaparvata lugens Stal.” được bao gồm:
- Các phương pháp luận về độc lý học đối với côn trùng/cơ chế của sự kháng thuốc.
- Những thủ tục phân tích: quy trình thu thập, nhân nuôi rầy Nilaparvata lugens Stal. cho các xét nghiệm sinh học về tính kháng; quy trình nhân nuôi và bảo quản quần thể dòng Nilaparvata lugens Stal. mẫn cảm chuẩn, các dụng cụ và phương pháp đo lường để thu thập các dữ liệu cần thiết cho việc đánh giá,…
- Phương pháp phân tích, quản lý và trình bày các dữ liệu.
Giải pháp có tính mới là tạo ra được một quần thể của “dòng mẫn cảm chuẩn với thuốc hóa học” tức là dòng rầy nâu hoàn toàn không tiếp xúc với thuốc hóa học từ năm 1966 để tính toán giá trị LD50 của dòng mẫn cảm chuẩn. Nguồn rầy nâu này tuy đã được nhận từ Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Kyushu, Nhật Bản nhưng để duy trì được dòng rầy nâu mẫn cảm chuẩn này, Trung tâm BVTV phía Nam đã có nhiều sáng tạo, cải tiến trong cách nhận nuôi trong lồng mica linh động kích thước nhỏ (30x25x30cm) và thức ăn là những thảm lúa non; sau đó tạo sự thích nghi dần với điều kiện nhân nuôi ở điều kiện nhà lưới để gia tăng mật số cần thiết cho việc nghiên cứu tính kháng (do điều kiện khí hậu khác nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản) mà nhiều đơn vị trong nước như Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam không thể giữ nguồn được.
Giải pháp tạo ra một phương pháp chuẩn về việc nghiên cứu đánh giá tính kháng thuốc của rầy nâu; sự hiểu biết về “cách tác động của thuốc”, “cơ chế kháng thuốc”, “mức độ kháng” đối với các gốc thuốc hiện tại của rầy nâu để kiến nghị các biện pháp quản lý tính kháng thuốc trong phòng trừ sâu hại nói chung và rầy nâu nói riêng; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, người sử dụng thuốc nhận biết và áp dụng đúng loại thuốc, liều lượng sử dụng, vừa nâng cao hiệu quả phòng trừ dịch bệnh vừa góp phần quản lý tính kháng thuốc của rầy nâu.
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm BVTV phía Nam đã tiếp tục triển khai việc nghiên cứu tính kháng thuốc của rầy nâu tại nhiều tỉnh trong vùng như Long An, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang; nhiều Công ty thuốc bảo vệ thực vật trong và ngoài nước tại Việt Nam đã đặt hàng nghiên cứu tính kháng thuốc của rầy nâu đối với các sản phẩm của công ty họ; phối hợp với Trung tâm Kiểm định thuốc BVTV phía Nam triển khai trên nhiều gốc thuốc hóa học khác và các nghiên cứu khác như: “Ảnh hưởng của các mức bón phân đạm trên ruộng lúa đến tính kháng thuốc của rầy nâu”.
----------------------------------------------------------------------------------
GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG
Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai
Năm sinh: 1969
Nghề nghiệp: Giáo viên Trường Mầm non Tuổi Xanh
Địa chỉ: số 113, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 4, TP. Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang
Điện thoại: 0733 880 555
Và đồng tác giả: Trần Thị Thanh Trúc, Đỗ Quốc Liêm, Nguyễn Kim Chúc, Nguyễn Thị Diễm Châu, Nguyễn Thị Kim Loan .
Hoạt động học tập trong chương trình giáo dục mầm non là hoạt động được tổ chức kết hợp yếu tố chơi với luyện tập, hoạt động được tổ chức một cách nhẹ nhàng, tạo ra mọi cơ hội phát triển, kích thích trẻ sáng tạo nhằm phát triển nhận thức, ngôn ngữ, thể chất, tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ.
Mô hình là đồ chơi để trẻ khám phá, trải nghiệm góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện; tạo điều kiện kích thích cho trẻ và giáo viên mầm non hứng thú trong công tác giáo dục đạt hiệu quả hơn.
Mô hình gà đẻ trứng vàng được thiết kế bằng lò xo cho đầu gà cử động, nhiều lớp cánh gà đóng mở được từ bản lề, áo gà bọc bằng thảm bông. Bên trong mình gà là bảng chữ cái có các nút thể hiện tắt, nút yêu cầu thực hiện và nút chữ cái, các dấu thanh…Phía trên mình gà là bộ loa sử dụng USB có 4 Track: Track 1 Lời giới thiệu của gà hoa mơ; Track 2 Kết quả đúng được thưởng; Track 3 Kết quả sai không được thưởng; Track 4 Nhạc. Phía sau gà là cửa mở, bên trong có bộ phận đựng ống trứng; khi trả lời đúng trẻ sẽ kéo lò xo từ ống trứng buông ra cho trứng rơi xuống rổ.
Cách sử dụng: sử dụng bộ điều khiển ấn vào Track 1 trẻ nghe lời giới thiệu của gà hoa mơ. Giáo viên mở nút ON/OFF trên bảng chữ cái; nút số 1 gà hoa mơ hướng dẫn các bạn đọc chữ cái trước, trẻ đọc theo nhận biết chữ cái; ấn nút số 2 thực hiện theo yêu cầu tìm chữ cái của gà, sau đó ấn trên bộ điều khiển Track 2 nghe gà nhận xét, nếu đúng thì được thưởng bằng cách kéo lò xo cho trứng rơi xuống, nhặt quả trứng vàng từ rỗ, tách quả trứng ra bên trong sẽ là những chấm tròn và bong bóng kết hợp, ấn Track 4 nghe nhạc để xếp chữ cái vừa chọn đúng bằng những chấm tròn lên cánh và áo của gà, các quả trứng có ghi số hay quả trứng có bong bóng sẽ thổi bóng to, đọc chữ cái hay chữ số in trên bong bóng. Nếu thực hiện sai, ấn vào Track 3 nghe gà nhận xét. Hoặc chơi theo hướng dẫn của giáo viên yêu cầu chọn thẻ chữ cái hay băng từ hoặc hình ảnh tương ứng có chứa chữ cái gắn lên bông bảng để ấn Track 1 khen thưởng, chơi hình thức tương tự như trên.
Mô hình giúp trẻ khám phá, trải nghiệm qua các lĩnh vực một cách hiệu quả:
+ Phát triển nhận thức: Trẻ nhận biết các chữ cái, chữ số, số lượng, nhận biết đặc điểm con vật, hoa quả… qua hình ảnh.
+ Phát triển ngôn ngữ: Rèn phát triển tai nghe qua âm thanh, phát âm rõ chữ cái, chữ số…
+ Phát triển thẩm mỹ: Xếp được các chữ cái, chữ số đẹp, khéo léo từ các chấm tròn trong quả trứng.
+ Phát triển thể chất: Dùng sức kéo lò xo cho gà đẻ trứng, phát triển cơ ngón tay khi xếp chữ và số, thổi bong bóng phát triển hô hấp.
+ Phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội: Biết quan tâm, đoàn kết, chia sẻ không tranh giành với bạn trong quá trình chơi. Giữ gìn đồ chơi nhẹ nhàng, cẩn thận.
Mô hình gọn gàng, màu sắc đẹp mắt, thuận tiện di dời mọi nơi từ trong lớp đến ngoài sân; sử dụng nguyên vật liệu phế thải trong cuộc sống ít tốn kém nhưng hiệu quả cao, trẻ tích cực tự chơi, được nghe âm thanh, được khám phá trải nghiệm trực tiếp. Áp dụng cho tất cả các trường mầm non.
Giáo viên không mất nhiều thời gian hướng dẫn mà chủ yếu trẻ tự chơi với bạn, giảm thời gian làm đồ dùng dạy học cho trẻ vì được sử dụng xuyên suốt qua các chủ đề, dành thời gian chăm sóc trẻ tốt hơn.