Anh Phạm Hồng Thơm (SN 1984, ấp Tân Phú, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) là một trí thức trẻ rất đam nghiên cứu khoa học; trong đó, anh có nhiều ý tưởng sáng tạo có giá trị thiết thực, đặc biệt là trong lĩnh vực tự động hóa các thiết bị, máy móc ngành cơ khí. | |
Anh Phạm Hồng Thơm bên cạnh sản phẩm máy mài lưỡi cưa tự động do anh sáng chế. |
Tốt nghiệp đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh năm 2007 ngành Cơ – Điện tử, Phạm Hồng Thơm được trường giữ lại công tác. Với kết quả học tập khá cao ở chương trình đại học, một năm sau, anh được trường Đại học Quốc gia Pukyong Hàn Quốc (Pukyong National University) xét tuyển và trao học bổng du học toàn phần (bao gồm học phí, chi phí ăn ở, học tập, đi lại,…) chương trình thạc sỹ ngành thiết kế cơ khí. Sau khi tốt nghiệp chương trình thạc sĩ với kết quả tuyệt đối (100/100) cùng với các bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí nổi tiếng trong nước và nước ngoài bằng tiếng Anh (như: Sciencedirect.com - Mỹ, IEEE Transations on Reliability - Hiệp hội các nhà nghiên cứu thế giới đặt tại Mỹ,…), đầu năm 2012, anh tiếp tục được đại học Quốc gia Pukyong Hàn Quốc xét cấp học bổng toàn phần chương trình tiến sĩ ngành thiết kế cơ khí, dự kiến đến tháng 2-2014, anh sẽ hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh và chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp.
Anh Phạm Hồng Thơm bên cạnh sản phẩm máy cưa tự động do anh sáng chế
Qua nghiên cứu, tiếp cận với thực tế, anh nhận thấy ngành cơ khí cần phải gắn với ngành điện tử mới tạo ra bước đột phá trong việc tự động hóa các thiết bị, máy móc và dây chuyền sản xuất nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất nói chung. Để ứng dụng những kiến thức đã học được ở Hàn Quốc vào điều kiện thực tế của Việt Nam, tháng 8-2012, Phạm Hồng Thơm đứng ra thành lập Công ty TNHH Một thành viên cơ khí và tự động Tân Phước Đông (do anh làm Giám đốc). Doanh nghiệp của anh chuyên sản xuất các sản phẩm, thiết bị, máy móc phục vụ ngành nông, lâm, ngư nghiệp như: máy cưa tự động, máy mài lưỡi cưa tự động, máy cân bằng động, thiết bị hẹn giờ cho quạt ôxy (sử dụng cho nghề nuôi tôm)…Trong đó, máy cưa tự động do anh thiết kế có năng suất cao và được lắp thiết bị có thể điều khiển lưỡi cưa tự động di chuyển lên xuống để cưa xẻ gỗ đạt kích thước theo ý muốn với độ chính xác cao, trong khi sử dụng ít nhân công hơn so với máy cơ. Anh Thơm phấn khởi cho biết: doanh nghiệp vừa giao một máy cưa tự động cho một cơ sở đóng tàu tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) với giá 80 triệu đồng. Đây cũng là sản phẩm máy cưa tự động đầu tay do anh nghiên cứu, chế tạo. Hiện tại, một số cơ sở cưa xẻ gỗ khác ở tỉnh Bến Tre cũng đã ngỏ ý đặt hàng anh sản xuất máy cưa tự động để xẻ gỗ nguyên liệu xuất khẩu sang Hàn Quốc do nhận thấy những ưu thế về chi phí sản xuất của loại máy cưa này.
Theo anh Thơm, để thiết kế ra một sản phẩm mới, anh phải mất từ một đến vài tuần để thiết kế và lập trình mô phỏng trên máy tính. Các phần mềm kỹ thuật như: AutoCad, Solidworks, MatLab 7.10.0, Visual Studio 2008…được anh sử dụng để thiết kế và mô phỏng về cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của sản phẩm. Sau khi hoàn chỉnh mô hình, anh tiến hành kết nối và gia công theo lập trình trên máy tính. Mong muốn hiện nay của anh Thơm là tiếp tục sáng chế ra nhiều sản phẩm mới nhằm từng bước tự động hóa tiến tới hiện đại hóa các thiết bị, máy móc ngành cơ khí gắn với nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất.