Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Giới thiệu giải pháp đoạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ X (2012 - 2013)
(Ngày đăng: 28/09/2013)

GIẢI NHẤT: MÁY DẬP LỖ MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP GIẢI NHÌ: TỰ ĐỘNG HÓA PHÁT THANH
Máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp.

GIẢI NHẤT: MÁY DẬP LỖ MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP

Tác giả: Lê Phước Lộc

Năm sinh: 1957

Nghề nghiệp: Nông dân

Điện thoại di động: 0903 302 238

Địa chỉ: Tổ 2, Ấp 5, Xã An Hữu, Huyện Cái Bè, Tỉnh Tiền Giang

Hiện nay, nông dân trồng dưa hấu và các lọai cây trồng khác (cà, ớt, dưa leo, cải…) sử dụng màng phủ (bằng nhựa) trải lên liếp nhằm giữ ẩm đất và hạn chế được sâu bệnh cho cây trồng; hạn chế của màng phủ này là không có khoét lỗ, nên mỗi khi trồng nông dân phải trải màng nhựa lên liếp và khoét lỗ bằng thủ công (dùng hộp lon sửa bò có Ø76mm tra cán vào để cầm, bỏ than đỏ vào lon cho nóng rồi ịn đáy lon vào màng phủ cho thủng lỗ; lỗ lớn nhỏ và khoảng cách lỗ tùy thuộc vào loại cây trồng), công việc này mất nhiều thời gian và khi mưa thì không thực hiện được việc khoét lỗ trên màng phủ (phải chờ đến bữa sau cho ráo nước và lau khô màng phủ mới đột lỗ được). Do đó cần có giải pháp khoét lỗ trước trên màng phủ bằng máy để đáp ứng nhu cầu trồng trọt của nông dân.

Mục đích của giải pháp là khoét lỗ trước trên màng phủ nông nghiệp với kích thước lỗ và khoảng cách, vị trí các lỗ theo yêu cầu kỹ thuật của cây trồng; chi phí thấp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng trong mùa vụ.    

Máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp được thiết kế trên khung sắt chữ V, có bộ phận gá cuộn màng phủ; trục lăn, trục cuốn màng phủ; mô tơ điện, dây xích và curoa truyền động; thiết bị khoét lỗ nung bằng điện trở (cố định); bệ để dập lỗ được truyền động lệch tâm; bộ phận trượt (embrayage); CB đóng ngắt điện.

Để khoét lỗ được đứt dứt khoát, không bị biến dạng lỗ tác giả đã nghiên cứu tính toán khi bệ đưa lên để dập lỗ (do thiết bị nung khoét lỗ cố định), đúng thời điểm dập lỗ thì truyền động bệ bị trượt 1 chút cho đủ thời gian nóng chảy nhựa và dập lỗ thủng màng nhựa được dứt khoát hơn.

Sử dụng: Đặt cuồn màng phủ (có chiều dài màng phủ 400m) chưa dập lỗ lên trục xả bên trái, kéo màng nhựa qua bộ phận dập lỗ, qua trục lăn và bắt vào trục cuốn bên phải; điều chỉnh khoảng cách, vị trí lỗ theo yêu cầu. Bật CB cho nóng thiết bị khoét lỗ, bật CB cho mô tơ truyền động toàn bộ hệ thống hoạt động. Thời gian dập lỗ cho 01 cuồn màng phủ 400 mét là 10 phút.               

Giải pháp có tính mới là khoét lỗ trên màng phủ nông nghiệp tự động bằng máy (trước đây khoét lỗ màng phủ nông nghiệp bằng thủ công); kích thước lỗ, vị trí và khoảng cách lỗ điều chỉnh được theo yêu cầu. Khách hàng mua màng phủ về trải lên liếp là trồng được ngay.

Máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp đã được sản xuất và áp dụng có hiệu quả tại huyện Cái Bè và Cai Lậy. Máy được thiết kế và sản xuất bằng những vật tư, nguyên liệu rẻ tiền trong nước; dễ sử dụng, sửa chữa, thay thế phụ tùng. Máy có thể thay thế 08 lao động thủ công. Khả năng thu hồi vốn khoảng 40 ngày.

Ngoài ra, giải pháp còn mang hiệu quả về mặt xã hội là nông dân không tốn công ra ruộng để đột lỗ màng phủ; không sợ trời mưa vì màng phủ đã được đột lỗ trước; thuận lợi cho việc vận động nông dân sản xuất theo kỹ thuật mới.

Tác giả Lê Phước Lộc trình bày giải pháp sáng tạo kỹ thuật cho Ban Tổ chức Hội thi.

-------------------------------------------------------------------------------------

       GIẢI NHÌ:  TỰ ĐỘNG HÓA PHÁT THANH

Tác giả: Lý Thanh Cảnh

Năm sinh: 1974

Nghề nghiệp: Công nhân viên Đài Truyền thanh – Truyền hình thị xã Gò Công.

Điện thoại di động: 0918 387 323

Địa chỉ: Trần Hưng Đạo, KP. 2, Phường 1, TX. Gò Công, Tỉnh Tiền Giang

Tính mới của giải pháp là thiết bị kết nối với hệ thống phát thanh để điều khiển từ xa qua điện thoại, Internet và hẹn giờ tắt/mở hệ thống phát thanh đã được cài đặt trước, thay thế cho việc thao tác trực tiếp trên hệ thống máy bằng thủ công trước đây.

Mục đích là giúp giảm bớt gánh nặng công việc, giảm thao tác trên hệ thống máy cho cán bộ kỹ thuật phòng phát thanh; giúp hạn chế sai sót lúc làm việc và những sai sót đôi lúc xảy ra (lệch giờ phát, hỏng hóc do lỗi vận hành).

Chương trình phát thanh hàng ngày được biên tập hoàn chỉnh là file có định dạng .mp3 chứa trong ổ đĩa USB ghim sẵn vào đầu đọc được đặt chế độ “Auto play”, đường dây tín hiệu đã kết nối với máy phát sóng FM. Nhiệm vụ của giải pháp là tắt/mở nguồn cho hệ thống phát thanh này bằng thao tác từ xa hoặc cài đặt định giờ trước đó. Nếu hệ thống phát dùng máy tính, ta có thể điều khiển máy tính thông qua mạng bằng một máy tính khác hay điện thoại di động có wifi hoặc 3G thông qua phần mềm TeamViewer. Giải pháp gồm có: Mạch đồng hồ có hẹn giờ mở (ON), hẹn giờ tắt (OFF); Mạch điện điều khiển các thiết bị bằng phím số của điện thoại.

Tổng chi phí cho giải pháp khoảng 2 triệu đồng, ứng dụng tự động trong công tác phát thanh giúp tiết kiệm được nhân lực, thời gian, chi phí trên 30% giờ công lao động chi trả cho trực phát thanh; sử dụng giải pháp này trong 3 tháng sẽ hoàn vốn.

Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học – kỹ thuật, việc tự động hóa phát thanh sẽ được ứng dụng rộng rãi vì nó không mang tính khó mà rất thân thiện với mọi người, rất đơn giản, dễ sử dụng, giá thành rẻ, không những ứng dụng trong phát thanh mà còn có thể ứng dụng vào điều khiển các thiết bị điện như: bơm nước tưới tiêu trong nông nghiệp, dây chuyền sản xuất tại địa phương.

Việt Hồng
Tin liên quan