Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hội thảo “Kỹ thuật chăm sóc cây thanh long và chế biến trái thanh long”
(Ngày đăng: 26/09/2013)

Ngày 26-9-2013, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang phối hợp Công ty TNHH sản xuất phân bón Hóa Sinh (RVAC) tổ chức hội thảo với chủ đề “Kỹ thuật chăm sóc cây thanh long và chế biến trái thanh long”. Tham dự hội thảo có trên 60 đại biểu, gồm đại diện các nhà khoa học Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Trường Đại học Tiền Giang; các nhà quản lý thuộc Sở Khoa học & Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; các hộ sản xuất, thu mua, vận chuyển, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tỉnh Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, thành phố Hồ Chí Minh và các Hội thành viên thuộc hệ thống Liên hiệp Hội.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh (PCT Liên hiệp Hội), Ông Trần Hoàng Diệu (CT Liên hiệp Hội), Ông Nguyễn Văn Re (PGĐ Sở KHCN) chủ trì Hội thảo.

Có 6 tham luận phát biểu về sử dụng đèn "LED đỏ" kích thích thanh long ra hoa nghịch vụ tiết kiệm nhiên liệu và tăng năng suất thanh long; đa dạng hóa sản phẩm thanh long ở nông hộ, một biện pháp bền vững cho cây thanh long; hiện trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển thị trường thanh long Việt Nam; xông thanh long bằng đèn Compact; một số nội dung chính về chương trình khoa học công nghệ "Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao sản xuất 100 ha thanh long vùng Chợ Gạo – Tiền Giang"; sâu bệnh hại quan trọng trên cây thanh long và biện pháp quản lý cùng sự tham gia trao đổi ý kiến của nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà quản lý xoay quanh các vấn đề về sâu bệnh, các loại thuốc trừ sâu, thị trường xuất khẩu...

Quang cảnh Hội thảo

Nói về sâu bệnh hại trên cây thanh long và biện pháp quản lý, Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu – Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng hiện nay cây thanh long có khá nhiều loại bệnh tấn công như: bệnh thán thư, đốm trắng, đốm đen bông, xì mủ trái, vàng bẹ, rám cành và các loại côn trùng gây hại như: ngâu, bọ xít, kiến, ruồi đục trái… hiện đã có một số biện pháp và thuốc đặc trị, tuy nhiên bà con nông dân cần theo dõi để có biện pháp phòng trừ và xử lý kịp thời tránh lây lan trên diện rộng.

Kỹ sư Trần Thế Yên – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất phân bón Hóa sinh, để xử lý thanh long ra hoa trái vụ, ngoài việc chông đèn sợi tóc, compact chúng ta có thể sử dụng đèn led đỏ thay thế nhằm tiết kiệm điện, an toàn cho người sử dụng. Để tận dụng những quả thanh long mẫu mã không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu có thể chế biến thành nước ép, rượu vang nhằm đa dạng hóa sản phẩm thanh long cung ứng cho thị trường. 

Theo Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập - Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng hầu hết sản phẩm thanh long Việt Nam được tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi và cung ứng cho thị trường xuất khẩu (chiếm 75% tổng sản lượng). Hiện nay, hệ thống thu mua, cung ứng - tiêu thụ thanh long Việt Nam phần lớn là do các tư thương đảm nhận theo phương thức mua đứt bán đoạn theo giá tự do trên thị trường. Thanh long từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng trực tiếp phải qua nhiều khâu trung gian, làm tăng giá thành sản phẩm, kém khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 Kỹ sư Nguyễn Văn Re – Phó giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho biết, Tiền Giang hiện đang triển khai “Chương trình Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao sản xuất 100 ha thanh long vùng Chợ Gạo” với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nói chung và riêng cho vùng sản xuất thanh long Chợ Gạo, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Trong thời gian sắp tới, thanh long Việt Nam sẽ được xây dựng nhãn hiệu thị trường.

Cùng tham gia phát biểu, Thạc sĩ Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam cho rằng, đã có 4 công ty thuốc bảo vệ thực vật tham gia thực hiện 80 thí nghiệm về bệnh đốm trắng. Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ Thực vật, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị đối với loại bệnh này.

Tham gia phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hùng Vĩ, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, trái thanh long có giá trị dinh dưỡng rất cao, có tác dụng làm giảm béo, giảm đường, đẹp da và cung cấp rất nhiều vitamin cho cơ thể. Thiết nghĩ, cần đa dạng hóa trái thanh long bằng nhiều sản phẩm khác nhau có tác dụng bồi bổ cơ thể nhằm thay thế các loại thuốc, thực phẩm chức năng ngoại nhập đắt tiền.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Trần Hoàng Diệu – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang cho rằng đây là buổi hội thảo rất thiết thực chạm vào vấn đề nóng bỏng cho việc phát triển vùng trồng cây thanh long và thị trường thanh long. Cần thắt chặt hơn nữa sự liên kết giữa bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) nhằm phát huy tối đa tiềm lực đưa cây thanh long thành cây chủ lực mang lại giá trị kinh tế không những cho Tiền Giang mà còn đem lại kim ngạch xuất khẩu cao cả nước.

Tuyết Lan
Tin liên quan