Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Kiện tướng chăn nuôi gà ri
(Ngày đăng: 20/09/2013)

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gia cầm theo qui mô trang trại đang phát triển khá nhanh tại Tiền Giang, nhất là các địa phương nằm trong khu vực ngọt hóa Gò Công và ngọt hóa Bảo Định: Chợ Gạo, Châu Thành, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công. Ưu điểm của chăn nuôi gia cầm trang trại là có điều kiện ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi khoa học, mang lại sản lượng nông sản hàng hóa lớn, giải quyết bài toán lao động việc làm nông thôn.
Chị Quyên thu hoạch trứng gà ri

Qua thực tiễn sản xuất, nông dân đã đúc kết được những cách làm hay, sáng tạo, giúp ngành chăn nuôi gia cầm phát triển. Tiêu biểu cho những nông dân đầy sáng tạo trong giai đoạn mới hiện nay có chị Đoàn Thị Kim Quyên, sinh năm 1970, chủ một trang trại chăn nuôi gà ri tại ấp Phú Lợi B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo.

Trang trại của chị Kim Quyên nằm trong một ngõ nhỏ cách không xa lộ Lương Hòa Lạc – Phú Kiết. Trại có diện tích khoảng 4.000 m2 (0,4 ha) được thiết kế thành một hệ thống liên hoàn gồm nhiều dãy chuồng nuôi gà ri: gà đẻ, gà hậu bị, gà giống vừa cao ráo, thoáng đãng, sạch sẽ. Chị Kim Quyên cho biết, qui mô trại nuôi khoảng 5.500 con gà ri. Những năm trước, tại trang trại này, chị nuôi lợn thịt, lợn giống, nuôi cút...Đã gặt hái thành công nhưng cũng qua nhiều thất bại bởi những đợt dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh...những năm trước, trong quá trình chăn nuôi chị cũng tích lũy thêm nhiều kiến thức chăn nuôi mới, khoa học. Quan trọng hơn hết là kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi kết hợp thực tế sản xuất, từ cách thiết kế chuồng trại, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh ...Gần đây,  nhận thấy tiềm năng chăn nuôi gà ri – đối tượng chăn nuôi đang được thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế cao, chị Kim Quyên chuyển hẳn sang mô hình nuôi gà ri giống.

Trang trại chị Đoàn Thị Kim Quyên áp dụng qui trình sản xuất khép kín: gà ri đẻ, ấp nở và bán gà giống. Gà giống cung ứng cho thị trường cũng có hai loại: gà giống cung ứng để nuôi thành gà đẻ có giá cao hơn gà giống dành cho các trại nuôi gà thịt. Cụ thể, gà giống để nuôi thành gà đẻ sau 4 tuần tuổi có giá 16.000 đ/ con, còn gà giống để nuôi thành gà thịt sau 4 tuần tuổi có giá chỉ 13.000 đ – 14.000 đ/ con tùy theo thời điểm. Do nhu cầu sản xuất khép kín như trên, chị Quyên trang bị cả tủ ấp trứng gà ri ngay tại trang trại của mình.

Nói về phương pháp nuôi gà ri trang trại đạt hiệu quả kinh tế, chi Kim Quyên cho biết, gia đình chị đã đầu tư vào đây không dưới nửa tỉ đồng xây dựng chuồng trại, đường nội bộ, cấp thoát nước, mua con giống và các thiết bị phụ trợ khác.

Gà ri nuôi theo mô hình chuyên về cung ứng con giống phải đảm bảo các tiêu chí: vệ sinh chuồng trại, tỉ lệ ghép đôi trống – mái, chế độ chăm sóc, phòng chống dịch bệnh...Cụ thể, cứ 1 con trống ghép với 5 đến 6 con mái là vừa. Gà ri thường không mắn đẻ như một số giống gà siêu trứng khác. Gà sau 4 tháng tuổi đã bắt đầu đẻ và có thể khai thác trong vòng 8 tháng phải thải loại. Tỉ lệ gà đẻ trong đàn thường đạt 50%. Bù lại, các sản phẩm gà ri là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường kể cả gà thịt, gà giống lẫn trứng gà. Hiệu quả kinh tế mang lại cho nông hộ cao hơn. chị Đoàn Thị Kim Quyên cho biết, với 5.500 con gà ri, trại chị trung bình mỗi ngày thu lợi nhuận ròng từ 300.000 đ đến 500.000 đ. Nghĩa là mỗi năm thu lợi nhuận từ 100 đến 180 triệu đồng tùy theo giá cả nông sản.

Mới đây, chị Đoàn Thị Kim Quyên còn áp dụng kỹ thuật đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà ri nhằm khắc phục các mặt hạn chế của chăn nuôi trang trại như tình trạng ô nhiễm môi trường sống chẳng hạn. Đệm lót sinh học là kỹ thuật mới được áp dụng trong chăn nuôi nói chung mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, người ta dùng chế phẩm Balasa N01 trộn với mùn cưa, trấu, các bã hữu cơ và một số nguyên liệu khác trải dưới nền chuồng một lớp dày khoảng 1,5 tấc (15 cm) đối với hộ chăn nuôi gia cầm. Đệm lót sinh học này giúp giải quyết ô nhiễm, khắc phục mùi hôi, phân hủy nhanh phân gia cầm, giảm được chi phí chăn nuôi nói chung. Thăm trang trại của chị, ai cũng nhận thấy khác rất xa với những trại chăn nuôi gia cầm không dùng đệm lót sinh học. Đó là không có mùi hôi, thoáng đãng, sạch sẽ, gia cầm qua theo dõi của chị mạnh khỏe, mắn đẻ và giảm tiêu tốn thức ăn...Ông Trần Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo đánh giá trang trại của chị Đoàn Thi Kim Quyên đi đầu trong áp dụng kỹ thuật đệm lót sinh học để khắc phục ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Ông Trần Văn Hòa cũng cho biết, sắp tới, Chợ Gạo sẽ phổ biến kinh nghiệm từ trang trại của chị Kim Quyên để nhân rộng mô hình sử dụng đệm lót sinh học tại các cơ sở chăn nuôi trang trại địa phương nhằm giúp phong trào chăn nuôi trang trại phát triển vững chắc và hiệu quả ngày càng cao./.

Minh Trí
Tin liên quan