Quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng nhờ sự phát triển của tự do hóa thương mại và công nghệ thông tin đã thúc đẩy quá trình thay đổi nền kinh tế thế giới từ nền kinh tế tiêu thụ nhiều tài nguyên sang nền kinh tế tri thức. Dòng luân chuyển tư bản, lao động, giao lưu văn hóa, khoa học, công nghệ và tri thức đã thúc đẩy loài người gẫn gũi nhau hơn trong ngôi nhà chung trái đất. Rõ ràng tiềm năng chất xám là vô hạn trong khi nguồn tài nguyên là hữu hạn. Tri thức thật sự là sức mạnh của con người và đang là nền tảng gắn kết nhân loại cùng đồng hành tới sự thịnh vượng. Lao động sáng tạo mới chính là nền tảng của phát triển. Lao động sáng tạo cũng chính là cốt lõi của nền kinh tế tri thức. Nhưng để có được nền kinh tế tri thức thì vai trò của trí thức là quan trọng nhất. | |
Lịch sử của dân tộc ta cho thấy, triều đại nào, thời đại nào sự hưng vong của dân tộc cũng đều gắn liền với đội ngũ trí thức của mình. Năm 1484 (Hồng Ðức năm thứ 15), danh sĩ Thân Nhân Trung đã dâng sớ "chiêu nạp hiền tài" lên vua Lê Thánh Tông và lưu lại danh ngôn trên bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì nước mạnh và vươn cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu và xuống thấp. Bởi vậy các bậc thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc đầu tiên".
Trong xã hội Việt Nam, thời phong kiến không có khái niệm “trí thức”, mà chỉ có nói tới tầng lớp sĩ phu; đến thời Pháp thuộc mới có khái niệm “trí thức”, được dịch từ chữ Intellectuel (tiếng Pháp), Intellectual (tiếng Anh).
Có thể hiểu, trí thức là những người lao động trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, sử dụng trí tuệ và tài năng của mình trong lao động, sáng tạo, đưa ra những ý tưởng có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội. Trí thức không nhất thiết phải là những người có bằng cấp, học vị.
Đảng và Nhà nước luôn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định ý nghĩa chiến lược của khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức, coi đây là nền tảng của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong chính sách của Đảng, Nhà nước đối với trí thức hiện nay vẫn còn có điều bất cập: Chính sách sử dụng, đãi ngộ của Nhà nước đối với đội ngũ trí thức chưa thực sự thoả đáng, chưa tương xứng với những đóng góp của họ. Cách thức đánh giá chung chung, bình bầu tập thể chưa phải là cơ sở để nhận diện đúng trí thức thực tài nhưng nó lại giúp cho những người có bằng cấp nhưng năng lực “yêu yếu” bảo vệ lẫn nhau, cách phân công công việc chung chung khiến những người “yêu yếu” dựa dẫm vào một số ít người giỏi để tồn tại ăn theo và cộng sinh. Vì vậy, chưa khuyến khích, thu hút được nhân tài cũng như phát huy hết khả năng vốn có của họ; đội ngũ các nhà khoa học thực sự còn quá ít ỏi; các cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, triển khai công nghệ còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống.
Bên cạnh đó, trí thức Việt Nam còn có nhược điểm là thiếu cái nhìn cho đại cuộc cộng với điều kiện làm việc còn thiếu thốn, đời sống còn khó khăn nên chưa toàn tâm, toàn ý cho công việc nghiên cứu. Vấn đề phối hợp, hợp tác trong đội ngũ trí thức còn yếu, chưa phát huy và tạo được sức mạnh tổng hợp trong hoạt động khoa học. Hầu hết các công trình nghiên cứu chưa mang tầm chiến lược vĩ mô, chưa thể hiện tính sáng tạo, đột phá. Một số trí thức chưa thực sự coi trọng việc tự đào tạo. Tư tưởng độc lập và khả năng phản biện xã hội với tinh thần xây dựng còn thấp.
Nhìn chung, đội ngũ trí thức của Việt Nam còn có khoảng cách với đội ngũ trí thức của thế giới và ngay với một số nước trong khu vực. Trí thức Tiền Giang cũng nằm trong những hạn chế chung đó.
Bước sang thế kỷ XXI, từ thực tế sinh động cho thấy khả năng sở hữu trí tuệ và tạo ra những sản phẩm kết tinh giá trị "chất xám" cao, đòi hỏi trí thức Việt Nam càng phải thể hiện vai trò quan trọng đặc biệt của mình. Họ không chỉ là một lực lượng tiêu biểu cho nguồn trí tuệ của dân tộc, mà còn là nhân tố quyết định đến sự phát triển nhanh chóng và bền vững của nước ta trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, một động lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, phát triển con người và tạo nguồn nhân lực có kiến thức.
Vậy làm thế nào để xây dựng được đội ngũ trí thức ngang tầm với yêu cầu, đòi hỏi của thời cuộc góp phần đưa đất nước ta hưng thịnh, quốc thái dân an? Trước hết chúng ta cần đặt trọng tâm vào các vấn đề sau:
- Nhanh chóng đào tạo đội ngũ trí thức của các ngành, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn, đồng thời yêu cầu mỗi một trí thức phải có khả năng thực tế; tự trải nghiệm, khẳng định mình bằng việc thể hiện đầy đủ trách nhiệm công dân và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Trong giai đoạn phát triển mới đòi hỏi phát huy khả năng tự học và tự nghiên cứu để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn và đặt sáng tạo trong công việc lên hàng đầu. Bên cạnh đó, đòi hỏi có những điều kiện để trí thức được tiếp cận với những thông tin mới, có điều kiện nhất định để phục vụ nghiên cứu, tranh luận những vấn đề khoa học trong giới của mình và có điều kiện trực tiếp tham gia vào các công việc trong xã hội mà khả năng của mình có...
- Nhà nước cần đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ thỏa đáng. Đãi ngộ thỏa đáng không có nghĩa là phải trả mức lương cao nhất vượt ra khỏi mặt bằng chung của xã hội. Bởi vì, đồng lương không phải là yếu tố duy nhất quyết định cho sự sáng tạo và cống hiến của trí thức mà vấn đề quan trọng hơn là việc sử dụng, tạo những điều kiện cần thiết, tốt nhất để họ nghiên cứu, triển khai công nghệ, phát huy tối đa trí tuệ và năng lực của mỗi cá nhân, tập thể và của đội ngũ trí thức.
- Một trong những vấn đề cấp thiết là hệ thống quản lý và tổ chức nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ phải theo hướng tiếp cận với trình độ của thế giới, tìm ra cách đi có hiệu quả bảo đảm đúng quy luật phát triển, phù hợp với Việt Nam nhằm rút ngắn được thời gian và khoảng cách với các nước trong khu vực.
Những vấn đề nêu trên, các nước tiên tiến trên thế giới đã làm từ lâu và đã mang lại những kết quả vượt bậc cho sự phát triển của đất nước họ.Tôi lấy thí dụ:
+ Vào những năm 50 của thế kỷ trước, thu nhập bình quân/đầu người của Hàn Quốc và Ghana là tương đương, nhưng đến những năm 90, Hàn Quốc đã phát triển vượt gấp 6 lần. Nguyên nhân là do nước này đã thành công trong việc nâng cao dân trí, coi trọng trí thức, nâng cao năng suất và chất lượng lao động bằng tri thức.
+ Nhờ vào tri thức và giới trí thức hùng hậu, sau gần 50 năm phát triển, Phần Lan được xem là một trong những nước phát triển nhất châu Âu. Kể từ năm 2001, Phần Lan vượt Mỹ trở thành nước cạnh tranh nhất về kinh tế, được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá là nước có “văn hóa sáng tạo”. Theo thống kê của Phần Lan, 27% dân số Phần Lan có bằng đại học trở lên. 99,3% học sinh cấp ba thành thạo ít nhất 3 thứ tiếng: Phần Lan, Thụy Điển và tiếng Anh].Nếu tính số bằng phát minh sáng chế theo đầu người, Phần Lan luôn đứng trong tốp đầu thế giới.
Phần Lan hiện đang trở thành hình mẫu để các quốc gia trên thế giới học tập. Tính tới cuối năm 2006, dân số Phần Lan có gần 5 triệu người; 64% dân số Phần Lan trên 15 tuổi, tức khoảng 2.806.000 người dân có bằng trung học trở lên, trong số đó, có 21.280 tiến sĩ, chiếm 0.5% ( Việt Nam có 84 triệu dân nhưng chỉ có 18 ngàn thạc sĩ, 16 ngàn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hơn 6 ngàn phó giáo sư, giáo sư).
+ Trong khoảng 10 năm, từ 1990 đến 2000, một số nước trong khối APEC có mức tăng trưởng bình quân 6,8%, trong đó sự đóng góp của vốn là 2,2%, các nhân tố KH&CN là 3%; còn ở Việt Nam đóng góp của vốn là 4,7%, của KH&CN chỉ có 1,19%.
Từ những vấn đề đó nói lên tầm quan trọng, tính tất yếu và yêu cầu bức thiết phải xây dựng, phải vun trồng, trọng dụng, phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, phấn đấu tăng tỷ lệ đóng góp của KH&CN (tri thức) nhiều hơn nữa thì đất nước mới phát triển nhanh được.
Một số đề xuất
- Để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức tỉnh nhà ngang tầm với yêu cầu phát triển của địa phương, chúng ta cần mạnh dạn đổi mới cách đầu tư: Từ đầu tư chú trọng về kinh tế chuyển sang tăng mạnh đầu tư cho con người, cho văn hoá, xã hội (chuyển từ đầu tư hữu hình sang đầu tư vô hình), đây là sự đầu tư cho hiệu quả cao nhất.
- Trong KH&CN, tỉnh ta cũng phải theo nguyên tắc đi tắt đón đầu, đi thẳng vào công nghệ mới, hiện đại, nắm bắt kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để phát triển. Coi trọng chất lượng đào tạo và đào tạo liên tục công chức, viên chức cho dù đã đạt được học vị nhất định; xây dựng một xã hội học tập. Thi tuyển, sát hạch, một cách nghiêm túc; bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo thực tài và tính chuyên nghiệp.
- Việc đầu tư phát triển mạnh nguồn nhân lực sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tri thức. Muốn tỉnh phát triển nhanh, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công không thể dựa vào người khác, mà phải dựa vào thực lực, sức mạnh của người Việt Nam, của trí thức tỉnh nhà.
- Xây dựng và phát triển mạnh những Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ của tỉnh; động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức làm việc, cống hiến, có giải pháp cụ thể, có tiêu chí và chế độ rõ ràng; thu hút đầu tư của trí thức trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài cho xây dựng và phát triển tỉnh nhà; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo.
- Tôn trọng và lắng nghe những ý kiến đóng góp của trí thức, tạo môi trường lành mạnh để trí thức tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội độc lập theo chuyên ngành đối với các chủ trương, chính sách, các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhưng đồng thời, trí thức Tiền Giang hôm nay cũng cần tự khẳng định mình, sáng tạo và cống hiến góp phần tạo nên sự bức phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, việc đào tạo, bồi dưỡng, phân công, sử dụng trí thức sẽ hợp lý hơn như trong Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh đã nêu, tạo điều kiện tốt cho trí thức các ngành tham gia nhiều hơn, phát huy, nâng cao năng lực và cống hiến của mình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đó cũng là mong muốn, nguyện vọng của đội ngũ trí thức Tiền Giang hiện nay./.