Ngày 28/8/2013, Tiểu Ban chuyên ngành Văn hóa Xã hội tỉnh tổ chức nghiệm thu đề tài cấp cơ sở “Quy tụ, phát huy vai trò đội ngũ trí thức có trình độ đại học và sau đại học trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 – 2020”. Đề tài do Th.s Nguyễn Ngọc Ánh – Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh và Th.s Trần Thanh Liêm – Phó phòng Cán bộ Viên chức - Sở Nội vụ đồng chủ nhiệm. Cơ quan chủ trì: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Tiền Giang. | |
Đề tài có 4 chương với bố cục hợp lý và có các bảng, biểu đồ, phụ lục, tài liệu minh họa. Chương 1: Khái quát về trí thức – đội ngũ trí thức, khẳng định vai trò quan trọng của trí thức trong mỗi thời đại của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam và địa phương Tiền Giang, nhất là vai trò của trí thức trong mối quan hệ công nhân - nông dân và trí thức. Chương 2: Thực trạng đội ngũ trí thức Tiền Giang, theo số liệu điều tra, thống kê ở 278 đơn vị trong tỉnh tính đến tháng 12 năm 2011, Tiền Giang có 10.600 trí thức. Trong đó, 920 trí thức sau đại học, bao gồm: 26 tiến sĩ, 543 thạc sĩ, 301 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I và 50 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II được đào tạo từ nhiều nguồn. Đội ngũ cán bộ khoa học này có mặt ở tất cả các ngành kinh tế và các lĩnh vực chính trị, xã hội tại địa phương. Đây là một tín hiệu đáng mừng về sự trưởng thành về số lượng của đội ngũ trí thức có trình độ cao ở tỉnh Tiền Giang. Phần lớn, trí thức sau khi đào tạo đã được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, phát huy được trí tuệ, đã tạo được phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo có hiệu quả. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để tập hợp, phát huy vai trò của trí thức trong nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo và cống hiến. Chương 3: Quan đểm, phương hướng phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 – 2020, xác định, trí thức là vốn quí của dân tộc, là nhân tố quan trọng trong khối liên minh “công – nông – trí” nhằm có giải pháp đào tạo, quy tụ, phát huy vai trò của đội ngũ này ở địa phương phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội Tiền Giang trong giai đoạn từ nay đến 2020. Chương 4: Giải pháp “Quy tụ và phát huy vai trò đội ngũ trí thức. Từ thực trạng của đội ngũ trí thức của tỉnh, đề tài đưa ra 5 giải pháp nhằm quy tụ, phát huy vai trò đội ngũ này, đó là: Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đội ngũ trí thức trong công cuộc đổi mới đất nước, địa phương; Bố trí, sử dụng hợp lý và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức;Tạo dựng môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát huy vai trò, khả năng sáng tạo, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp CNH, HĐH địa phương;Nâng cao sức thu hút trí thức ở ngoài tỉnh, ngoài nước về địa phương công tác; Đổi mới cơ chế chính sách và phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với đội ngũ trí thức.
Sau khi nghe tác giả trình bày tóm tắt nội dung của đề tài, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu; kết quả đề tài đã làm rõ mục tiêu đề ra, đây là để tài chuyển tiếp của đề tài: Điều tra hiện trạng đội ngũ trì thức tỉnh Tiền Giang tính đến 31/12/2006. Đề tài đưa ra những giải pháp nhằm quy tụ và phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Kết quả nghiên cứu đã bám sát mục đích, yêu cầu và giải quyết tốt những nội dung đề tài đặt ra.
Đề tài đã được Tiểu ban đánh giá xếp loại B và thống nhất nghiệm thu.