Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước
(Ngày đăng: 29/05/2012)

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng với đòi hỏi của đất nước là trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước, của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cả nước có vai trò rất quan trọng.

Ông Trương Tấn Sang phát biểu tại Đại hội VI Liên hiệp hội Việt Nam. Ảnh: Đức Thịnh

   

      Trải qua các thời đại, lịch sử trên thế giới đều chứng tỏ, trí thức đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và của nhân loại. Cha ông chúng ta đã từng khẳng định "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Ngày nay, khi khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, loài người đang bước vào thời đại kinh tế tri thức; trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người trở thành nguồn lực quan trọng nhất quyết định hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước thì vai trò của đội ngũ trí thức lại càng lớn và quan trọng hơn. Việc giải quyết những vấn đề cực kỳ quan trọng đang đặt ra cho mỗi quốc gia cũng như toàn nhân loại, như vấn đề biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả, tiết kiệm vì tài nguyên đã tới độ cạn kiệt, bài toán thiếu hụt năng lượng, tìm nguồn năng lượng mới; ngăn ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, tài chính; đấu tranh với những cái xấu, cái ác, bảo vệ cái đúng, lẽ phải; tìm ra con đường phát triển của mỗi quốc gia, cũng như của loài người đi tới độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, con người được phát triển toàn diện, hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các nước, các dân tộc trên thế giới, không chỉ là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo mà còn là trách nhiệm của các nhà khoa học, của đội ngũ trí thức. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó của trí thức trong thời đại mới, Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008 về công tác trí thức, Ðảng ta đã nêu tư tưởng, quan điểm chỉ đạo: "Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức tức là đầu tư cho phát triển bền vững".

Ðào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng với đòi hỏi của đất nước là trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước, của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cả nước có vai trò rất quan trọng.

Trong năm năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho các tầng lớp nhân dân; góp phần xã hội hóa công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ; động viên phong trào nhân dân tham gia hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ; tôn vinh trí thức; chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật và các hội thành viên đã góp phần củng cố các luận cứ khoa học trong công tác tham mưu cho Ðảng và Nhà nước về chủ trương, đường lối, luật pháp, cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án lớn của đất nước. Vai trò, vị trí, uy tín trong xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ngày càng được nâng cao. Do kết quả đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã được Ðảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác. Tại diễn đàn này, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những thành tích đóng góp đối với đất nước của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém; những kết quả hoạt động của Liên hiệp hội còn chưa tương xứng với tiềm năng của Liên hiệp hội và yêu cầu của đất nước. Liên hiệp hội còn chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chưa tập hợp được đông đảo trí thức khoa học và công nghệ, trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; chưa quan tâm làm tốt việc nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên của các tổ chức thành viên, nhất là hội viên trẻ; chưa chủ động, sáng tạo trong hoạt động, nhất là trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào đời sống và tham gia giải quyết những vấn đề lớn của đất nước; việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thành viên và hội viên các hội thành viên chưa được quan tâm đúng mức.

Những yếu kém đó có nguyên nhân chủ quan từ việc tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, như cơ chế phối hợp điều hành còn yếu; nội dung, phương thức hoạt động chưa phong phú, hành chính hóa, kém hiệu quả...; nhưng cũng có nguyên nhân từ phía các tổ chức đảng và chính quyền các cấp; có lúc, có nơi một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng; chưa quán triệt sâu sắc nội dung các chỉ thị của Ðảng về Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; chậm thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của Ðảng thành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam hoạt động.

Sau gần 25 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu đó đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn Ðảng, toàn dân, trong đó có trách nhiệm của đội ngũ trí thức và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của trí thức đối với sự phát triển của đất nước. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW khẳng định Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng; có chức năng tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thành viên và hội viên của các hội thành viên, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhà nước bảo đảm kinh phí và các điều kiện cho Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như các đoàn thể chính trị - xã hội khác, để Liên hiệp hội hoạt động hiệu quả. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị là cơ sở, điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp hội hoạt động, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tôi đề nghị tại Ðại hội này, các đại biểu cần thảo luận, quán triệt sâu sắc các quan điểm, nội dung trong Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động của Liên hiệp hội trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, tôi nhấn mạnh và lưu ý về một số điểm sau:

Thứ nhất, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cần tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các hội chuyên ngành; thu hút các tổ chức thành viên tham gia Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày càng đông đảo. Củng cố tổ chức các hội thành viên theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu thành lập các loại hình tổ chức phù hợp theo quy định của pháp luật để thu hút trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trí thức có trình độ chuyên môn cao tham gia xây dựng đất nước. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; xây dựng Ðiều lệ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tính đặc thù trong tổ chức, hoạt động của hội và nguyện vọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Thiết lập cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp hội ở Trung ương với các hội thành viên; tăng cường mối liên kết liên ngành, liên vùng, phối hợp giữa Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các hội thành viên. Bên cạnh việc nghiên cứu lựa chọn những mô hình tổ chức linh hoạt, tinh gọn, hiệu quả phù hợp với điều kiện hoạt động hội, cần chú trọng lựa chọn những cán bộ hoạt động hội, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo có phẩm chất chính trị tốt, tận tụy với công tác hội, am hiểu công tác vận động trí thức.

Thứ hai, Liên hiệp hội cần đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Liên hiệp hội và các hội thành viên phải nâng cao tính năng động, sáng tạo; đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền vận động để thuyết phục, thu hút được nhiều trí thức khoa học công nghệ làm việc trên mọi lĩnh vực, ở mọi miền của Tổ quốc và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hội; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng giúp trí thức khoa học và công nghệ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước, phát huy tính sáng tạo, tinh thần hợp tác trong hoạt động khoa học và công nghệ; quan tâm tới việc bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ. Liên hiệp hội cần làm tốt vai trò điều hòa, phối hợp giữa các hội thành viên, tạo môi trường hoạt động dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo trong nghiên cứu, trao đổi học thuật để người trí thức tự giác tham gia các hoạt động của hội, đóng góp thiết thực vào việc giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh, những nhiệm vụ quan trọng của đất nước; đồng thời làm tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; làm tốt vai trò đại diện cho tiếng nói của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ với Ðảng, Nhà nước.

Thứ ba, bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, Liên hiệp hội cần tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, phổ biến, truyền bá kiến thức khoa học và công nghệ; tạo ra phong trào nhân dân rộng khắp sáng tạo và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống để nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời tham gia tích cực vào việc xã hội hóa các hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xóa đói, giảm nghèo...; quan tâm làm tốt việc phát hiện, tôn vinh những trí thức tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ, có nhiều đóng góp cho đất nước, nâng cao chất lượng các giải thưởng, các hội thi sáng tạo khoa học và công nghệ, nâng cao uy tín của các giải thưởng của hội.

Thứ tư, Liên hiệp hội cần chủ động đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, tổ chức tập hợp trí tuệ của đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước; tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước những vấn đề lớn trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước; phản biện, giám định các chương trình, dự án, đề án lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo... để cung cấp các luận cứ khoa học, nâng cao chất lượng các đề án trước khi cấp có thẩm quyền quyết định. Ðồng thời, Liên hiệp Hội cần tổ chức, động viên các hội thành viên và đội ngũ trí thức tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, các địa phương, phát huy vai trò của khoa học công nghệ thật sự là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Ðể Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình, cùng với nỗ lực phấn đấu cao của bản thân Liên hiệp hội, của các hội thành viên và đội ngũ trí thức đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ðảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức và Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của Liên hiệp hội; có chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, về kinh phí đối với hoạt động của Liên hiệp hội, để Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trên tinh thần sáu chữ vàng "Ðoàn kết - Trí tuệ - Phát triển" mà Ban Bí thư Trung ương Ðảng trao tặng, tôi xin chúc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong nhiệm kỳ mới phát triển mạnh mẽ, hoạt động hiệu quả, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp vẻ vang của toàn Ðảng, toàn dân ta là xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Chúc các đồng chí, các vị đại biểu và các vị khách quý sức khỏe, hạnh phúc, tiến bộ và thành công mới.

 

Trương Tấn Sang (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TW Đảng)
vusta
Tin liên quan