Mô hình cá - lúa là mô hình canh tác kết hợp đầy triển vọng đã hình thành từ gần 10 năm trước để gia tăng hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích. Do mô hình này chưa được quan tâm đúng mức nên đến nay vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng. Tuy nhiên, qua thực tiễn sản xuất có thể thấy, đây là mô hình bền vững, góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân trồng lúa. | |
Do mô hình cá - lúa chưa được quan tâm đúng mức nên đến nay vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng (ảnh chụp xã Mỹ Trung, huyện Cái bè, tỉnh Tiền Giang) |
Mô hình sản xuất bền vững
Từ rất lâu đời, việc bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long câu hay bắt các loại cá đồng sống trong ruộng lúa là điều rất quen thuộc. Thông thường, khi vào vụ lúa từ khi lúa đứng cái, làm đòng, trổ bông đến chín thì cũng là lúc nguồn cá đồng tự nhiên (cá lóc, rô, sặc…) vào ruộng sinh sống và phát triển. Ở nhiều địa phương, lượng cá nhiều đến nỗi khi thu hoạch lúa cũng là lúc thu hoạch được vài chục, thậm chí vài trăm kí cá đồng các loại.
Ngày nay, khi hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng đẩy mạnh thâm canh, lúa được trồng 3- 4 vụ trong năm, đê bao khép kín, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, cộng với khai thác thủy sản quá mức, thậm chí sử dụng cả hóa chất độc hại và xung điện để khai thác thủy sản đã làm nguồn lợi cá đồng tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm phá thế độc canh cây lúa, nhất là ở những vùng trũng, vùng thường xuyên ngập nước… là điều rất cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh tế nông hộ và cải thiện môi trường sinh thái.
Mô hình canh tác cá - lúa với hoạt động thả cá giống vào ruộng với cơ cấu thích hợp và chăm sóc quản lý tốt là một trong những hệ thống sản xuất đáp ứng được yêu cầu này với ưu điểm là sử dụng hiệu quả mặt nước và ruộng lúa vùng lũ. Khi thực hiện mô hình này, cá và lúa hỗ trợ lẫn nhau tạo thành một hệ sinh thái khép kín, hạn chế được việc sử dụng hóa chất, phân bón nên an toàn cho con người và cho môi trường. Bên cạnh đó, mô hình này còn góp phần tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Phát huy hiệu quả thực tế
Nhằm nhân rộng mô hình sản xuất bền vững này, năm 2012, Tiền Giang đã triển khai thực hiện dự án cá - lúa ở xã Mỹ Trung (Cái Bè) cho 7 hộ nông dân với quy mô 1ha. Trong mô hình này, cá được thả nuôi với mật độ bình quân 10 con/m2, cơ cấu gồm 80% sặc rằn, 15% rô đồng và 5% mè vinh. Trong dự án này, tỉnh hỗ trợ nông dân 100% cá giống và 30% thức ăn, phần còn lại do hộ thực hiện mô hình đảm trách. Ngoài ra, nông dân tham gia dự án được tham gia các buổi tập huấn, hội thảo nhằm nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc và thực hiện ghi chép nhật ký thực hiện mô hình.
Trong mô hình này, khâu đầu tư cải tạo đồng ruộng cũng như kỹ thuật canh tác khá đơn giản. Yêu cầu đầu tiên là ruộng lúa cần phải có mương bao xung quanh và có ao chứa để ương cá giống, chứa cá khi chuyển vụ hay khi sử dụng thuốc trừ sâu. Sau đó, bờ cao phải được gia cố chắc chắn và đắp cao hơn so với các ruộng lúa sản xuất độc canh để giữ nước không bị rò rỉ, tràn bờ. Khi bước vào thực hiện mô hình, cá giống được thả xuống mương ngay từ đầu vụ lúa. Đến khi lúa đẻ nhánh xong thì bắt đầu dâng nước lên cho đến khi ngập nền ruộng 0,2 m để cá lên ruộng tìm thức ăn tự nhiên trên ruộng, từ đó giảm lượng thức ăn cần cung cấp cho cá. Mặt khác, việc cá lên ruộng tìm thức ăn cũng giúp hạn chế côn trùng hại lúa, cỏ dại, ốc và các bệnh về cây lúa.
Sau 8 tháng thực hiện mô hình cho thấy lúa vẫn có thể canh tác liên tục như khi độc canh nhưng hiệu quả sản xuất từ cây lúa cao hơn 30% nhờ tiết kiệm chi phí giống, phân, thuốc trừ sâu và năng suất tăng hơn trước 8-10%. Ngoài ra, mô hình này còn thu được 6 tấn cá các loại với giá trị trên 70 triệu đồng. Với hiệu quả đạt được, năm 2013, tỉnh tiếp tục triển khai mô hình cá - lúa ở xã Tân Phú (Cai Lậy) và xã Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) cho 12 hộ với quy mô 2 ha.
Theo ông Mai Thành Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, để phát triển mô hình sản xuất cá - lúa đầy tiềm năng này ở tỉnh Tiền Giang nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Nhà nước cần quy hoạch vùng sản xuất theo mô hình cá - lúa tại các địa phương có tiềm năng. Đồng thời, cần tuyên truyền vận động nông dân thực hiện mô hình cá - lúa thành lập các tổ/nhóm sản xuất để qua đó việc chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân thuận lợi hơn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của mô hình này.