Thị trường vật liệu xây dựng hiện nay có rất nhiều loại vật liệu nhân tạo thay thế vật liệu truyền thống với nhiều ưu điểm là giá rẻ, nhiều mẫu mã đẹp và tiện dụng, được người tiêu dùng ưa chuộng. | |
Cửa nhựa là loại sản phẩm được nhiều người chọn mua do có nhiều ưu điểm so với các loại cửa gỗ, sắt, nhôm. Nhựa dùng làm cửa nhà ở thường là loại nhựa uPVC có tính năng tốt hơn hẳn so với nhựa PVC. Nhựa uPVC có thêm chất độn tạo màu, chống lão hóa cũng như kéo dài độ bền màu của nhựa, chịu được sự va đập mạnh, chịu được tác động của nhiệt độ cao và tia tử ngoại. Cửa nhựa thích ứng tương đối tốt với điều kiện nhiệt đới như thông gió để lấy sáng, cách sử dụng và bảo dưỡng cũng đơn giản hơn rất nhiều. Ưu điểm lớn nhất của cửa nhựa là không bị cong vênh, co giãn nên không xảy ra tình trạng sệ cánh hay kẹt các phụ kiện. Theo các kiến trúc sư, sử dụng cửa nhựa với nguyên lý vừa đẩy vừa mở có thể quay lật ra ngoài hay vào trong, cửa lùa, cửa sổ mở vòm kiểu xoay, gập, chớp đứng ngang dọc khác nhau... nhằm tạo khoảng thoáng đãng nhiều hay ít tùy theo người sử dụng, đạt hiệu quả đúng như mong muốn.
Sàn gỗ công nghiệp là loại vật liệu lắp ráp mới phổ biến ở nước ta thời gian gần đây. Do nguồn cung cấp về gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm hơn nên gỗ công nghiệp ngày càng trở thành vật liệu thay thế hoàn hảo cho gỗ tự nhiên không chỉ trong lĩnh vực làm sàn mà còn cả trong các lĩnh vực khác như cửa, đồ gỗ nội thất. Về bản chất, sàn gỗ công nghiệp cũng được làm từ gỗ, bao gồm bột gỗ (chiếm khoảng 85%) và các chất phụ gia khác làm tăng độ cứng cho gỗ. Tất cả nguyên liệu được hòa trộn và ép dưới áp suất rất lớn (trên 1.000 kg/cm2) tạo nên những ván mỏng nhưng có độ cứng cao, chịu lực tốt, chịu được các tác động của thời tiết, không bị mối mọt, co ngót cong vênh theo thời tiết. Thêm vào đó, các tấm ván gỗ lại được xử lý bề mặt bằng các chất liệu đặc biệt để mặt dưới có thể chống thấm và ẩm mốc, mặt trên được tạo vân gỗ tự nhiên với các màu sắc khác nhau và được phủ lớp chống xước.
Nhiều người mua sàn gỗ công nghiệp đều đối mặt với việc phải lựa chọn trong số rất nhiều loại sàn khác nhau. Với kết cấu mộng đơn (phải dùng keo) hoặc mộng kép (không phải dùng keo), với các loại lõi HDF, MDF, hoặc một loại đặc biệt nào đó, với các loại màu sắc và vân gỗ khác nhau, với các phân loại cho từng mục đích sử dụng và các mức độ chống xước khác nhau. Mức giá cũng khác nhau, dao động từ 195.000 - 600.000 đồng/ m2.
Theo kinh nghiệm của các nhà chuyên môn và những người đã từng sử dụng thì cần lưu ý những điểm sau: rất dễ nhận thấy biểu tượng phân loại trên bao bì sản phẩm, đó là dấu hiệu rõ nhất cho biết sản phẩm có phù hợp với nhu cầu sử dụng hay không, bởi vì có sự khác nhau giữa loại sàn dùng cho phòng khách, phòng ngủ và cầu thang. Sàn ở phòng khách được sử dụng thường xuyên hơn ở phòng ngủ, cầu thang được sử dụng nhiều hơn ở phòng khách. Để đánh giá và phân loại sản phẩm, ngoài mức độ chống xước (abrasion resistance), người ta còn kiểm tra các tiêu chí sau: mức độ chịu lực (impact resistance), độ bền màu (resistance to staining), độ bền với thuốc lá cháy (resistance to cigarette burns), ảnh hưởng của chân ghế, khả năng phồng lên của sàn và chất lượng của lõi sàn. Xét trong thời gian dài, chỉ số chống xước chính là tiêu chí để đánh giá chất lượng của sản phẩm, độ chống xước càng cao thì chất lượng của sản phẩm càng cao. Ngoài ra còn chú ý độ dày của sàn gỗ, sàn gỗ công nghiệp thường có độ dày từ 6 - 12 mm, nhưng phổ biến là loại 8 mm và 12 mm. Sàn 8 mm là loại phổ biến nhất sử dụng cho các công trình dân dụng, chất lượng tốt, đảm bảo yêu cầu cho mục đích sử dụng như phòng khách, phòng ngủ, bếp. Sàn 12 mm có giá cao hơn, dùng cho các công trình công cộng như hội trường, nhà thi đấu, văn phòng làm việc lớn.