Với quyết tâm chuyển đổi mô hình sản xuất từ kinh tế vườn sang chăn nuôi, sau mấy phen thất bại nhưng không nản chí và chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, giờ đây chú Phan Văn Có, chủ Trại ếch giống Bảy Tấn (ấp 2, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) đã thành công và trở nên khấm khá hơn từ mô hình nuôi ếch theo hướng trang trại. | |
Chú Phan Văn Có bên cạnh bể ếch thịt sắp thu hoạch. |
Nhận thấy hiệu quả từ kinh tế vườn không cao, điệp khúc “trúng mùa, rớt giá,…” cứ tái diễn, chú Phan Văn Có nảy sinh ý tưởng và quyết định chuyển sang mô hình nuôi thủy sản nước ngọt.
Chú Phan Văn Có kiểm tra tình trạng ếch thịt sắp thu hoạch.
Năm 2012, qua sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Đạo Thạnh, chú được tham quan thực tế các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt tại thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh tổ chức. Từ chuyến tham quan thực tế trở về, chú bắt tay vào thực hiện ngay. Tuy nhiên, do không nắm vững kỹ thuật, các mô hình nuôi thử nghiệm của chú Có gồm: lươn, ba ba, cá rô đầu vuông,…đều lần lượt thất bại. Không nản chí, sau nhiều đêm trăn trở, chú quyết định chuyển sang mô hình nuôi ếch trong ao nhân tạo. Khởi đầu, chú mua 20 cặp ếch bố mẹ và 2.000 ếch con với tổng số tiền 3 triệu đồng để nuôi thử trong ao nhân tạo. Do không nắm vững đặc điểm sinh lý và cách phòng trị bệnh nên số ếch mới mua về bị hao hụt khá nhiều; ếch bị mắc các chứng bệnh như: đỏ đùi, lồi hậu môn, sình bụng, gan và thận có mũ, mù mắt,…Trong lúc tưởng chừng như bế tắc, được cán bộ kỹ thuật, kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đến hỗ trợ kiểm tra bệnh trạng của ếch, hướng dẫn cách điều trị và biện pháp phòng, chống những bệnh thông thường, đàn ếch của chú đã dần hồi phục và sinh trưởng tốt. Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, để phòng bệnh cho ếch: đối với thức ăn, chú trộn thêm men tiêu hóa, vitamin C, vi lượng; mỗi ngày thay nước ao 2 lần (sáng và chiều); đối với ao nuôi (hay bể bạc), chú xây bằng gạch ống, lót bạc ny lon hoặc láng gạch men để ếch không bị trầy da. Bên cạnh đó, chú còn sử dụng những tấm vạc tre làm sạp để ếch con có chỗ trú ngụ, tránh mưa lớn làm mực nước trong ao dân lên làm ếch con bị hụt chân. Khi xây ao, chú thiết kế các đường rãnh sát thành ao để thuận lợi cho việc thay nước cũng như vệ sinh ao; mực nước trong ao luôn được duy trì ở mức 2/3 chiều cao thân ếch so với mặt đáy ao - nơi ếch trú ngụ thay vì phải đóng sạp trước đây, vừa tiết kiệm chi phí, vừa khắc phục tình trạng lây lan dịch bệnh do mầm bệnh tiềm ẩn trên các sạp không được sát trùng kỹ.
Chú Có phấn khởi cho biết, qua quá trình nuôi, chú đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc xác định nguyên nhân và cách phòng trị bệnh cho ếch như: bệnh đỏ đùi thường do thời tiết thay đổi làm ếch bị sốc; bệnh lồi lậu môn, mù mắt, quẹo cổ thường do nước trong ao bị bẩn,…Sau mỗi đợt nuôi, chú phơi đáy ao, dùng vôi để sát trùng. Ngoài ra, việc sử dụng lá dừa làm nơi trú ngụ cho ếch con (thay cho vạc tre) ngoài việc khắc phục tình trạng lây lan dịch bệnh, chú phát hiện ra chất chát tiết ra từ lá dừa có tác dụng phòng trị bệnh tiêu chảy cho ếch rất hiệu quả.
Hiện tại, trại ếch của chú Có có tổng cộng 16 bể (diện tích 12 m2/bể, cao 0,9 mét) với tổng cộng 150 cặp ếch bố mẹ và 5.000 ếch thịt. Ếch cái mỗi năm đẻ 3 lần, mỗi lần đẻ khoảng 2.000 trứng, tỷ lệ nở đạt 25% (500 con). Ếch con được nuôi dưỡng khoảng 35 ngày tuổi (kích cở bằng ngón tay), chú xuất bán với giá 1 ngàn đồng/con. Ếch con nuôi trong vòng 3 tháng là có thể xuất bán (trọng lượng 0,2 - 0,25 kg/con); tùy thời điểm, thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, các quán ăn trong, ngoài tỉnh thu ếch thịt với mức giá dao động từ 35-70 ngàn đồng/kg.
Với đức tính cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, việc chuyển đổi mô hình sản xuất của chú Phan Văn Có đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mỗi năm, Trại ếch đã mang lại cho chú thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Giờ đây, nhà cửa của chú đã được xây dựng khang trang hơn, các con của chú cũng đã được ăn học đến nơi, đến chốn và tất cả đều có việc làm ổn định.