Trong hoạt động nuôi tôm nói riêng cũng như nuôi thủy sản nói chung, chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng cao nhất (80-85%) trong tổng chi phí đầu tư. Mặt khác, việc cho tôm ăn thức ăn dư thừa cũng sẽ làm cho môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, các yếu tố thủy lý hóa biến động mạnh, mầm bệnh có cơ hội phát triển thành bệnh khiến rủi ro nuôi tôm tăng cao. Do đó, việc cho ăn đúng cách và quản lý lượng thức ăn tốt sẽ góp phần quan trọng vào thắng lợi của vụ nuôi. | |
Cho tôm ăn đúng cách để mang lại hiệu quả cao nhất trong nuôi tôm (ảnh chụp xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) |
Theo quy định hiện nay, trên bao bì các sản phẩm thức ăn tôm đều phải có hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm để người nuôi tôm áp dụng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Do đó, trước hết người nuôi tôm cần cho tôm ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thông thường cho tôm ăn mỗi ngày 3 lần. Tuy nhiên, người nuôi tôm không thể áp dụng y khuôn như vậy mà tùy theo tình hình thực tế như: sức khỏe của tôm, chu kỳ lột xác, thời tiết,… và theo dõi sàng ăn/chài khi tôm từ 20 ngày tuổi trở lên để điều chỉnh, quản lý thức ăn phù hợp. Tránh tình trạng cho ăn thiếu hoặc thừa thức ăn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sức khỏe tôm.
Tháng nuôi thứ nhất, sử dụng thức ăn cỡ nhỏ cho giai đoạn mới thả. Ngày thứ 10 sau khi thả giống, cho ít thức ăn vào sàng/nhá/vó để tôm làm quen, dễ kiểm tra lượng thức ăn dư sau này. Sàng ăn đặt nơi bằng phẳng, cách bờ ao 1,5-2m, sau cánh quạt nước 12-15 cm, không đặt ở các gốc ao, khoảng 1.600-2.000 m2 đặt 1 sàng. Sau 15 ngày có thể sử dụng các chất bổ sung cung cấp Vitamin, khoáng chất theo chỉ dẫn của nhà sản xuất để giúp tôm tăng cường sức khỏe.
Đối với tôm sú, ngày đầu tiên cho 1,2 - 1,5 kg/100.000 giống, cứ 2 ngày tăng 0,2 - 0,3 kg/100.000 giống. Đối với tôm chân trắng, ngày đầu tiên cho 2,8 - 3 kg/100.000 giống. Trong 10 ngày đầu tiên, cứ 1 ngày tăng 0,4 kg/100.000 giống. Từ ngày thứ 10 - 20, cứ 1 ngày tăng 0,5 kg/100.000 giống.
Tháng nuôi thứ 2 đến khi thu hoạch, điều chỉnh thức ăn trong ngày qua theo dõi lượng thức ăn thừa trên sàng ăn. Chuyển đổi thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng như hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Khi chuyển đổi thức ăn nên trộn hai loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày.
Đối với các cơ sở nuôi tôm dùng thức ăn có chứa Ethoxyquin với hàm lượng ≤ 90 ppm cần chuyển sang dùng các loại thức ăn không chứa Ethoxyquin 04 ngày trước khi thu hoạch. Với hàm lượng 90-120ppm chuyển sang các loại thức ăn không chứa Ethoxyquin 05 ngày trước khi thu hoạch. Với hàm lượng 120-150 ppm cần chuyển sang các loại thức ăn không chứa Ethoxyquin 06 ngày trước khi thu hoạch. Lưu ý, không dùng các loại thức ăn bổ sung như dầu gan mực, dầu cá hồi, bột mực, bột cá FMB 60, Fish meal 66%.
Kiểm tra thức ăn trong sàng/nhá |
Cách xử lý cho lần ăn tiếp theo |
Nếu tôm ăn hết |
Tăng 5% thức ăn cho lần sau |
Nếu thức ăn dư 10% |
Giữ nguyên thức ăn cho lần sau |
Nếu thức ăn dư khoảng 11-25% |
Giảm khoảng 10% cho lần sau |
Nếu thức ăn dư 26-50% |
Giảm 30% thức ăn cho lần sau |
Nếu thức ăn còn nhiều hơn 50% |
Ngưng cho ăn lần sau |