Bắt đầu từ ngày 11/6, Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiến hành thống kê, kiểm tra đánh giá phân loại điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh và bán thâm canh. | |
Nuôi cá tra |
Đây là lần đầu tiên, tỉnh tiến hành kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh và bán thâm theo quy định tại Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 01/2013/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 14 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.
Hoạt động kiểm tra này là nhằm tăng cường giám sát, quản lý việc nuôi trồng thủy sản thâm canh và bán thâm canh, từng bước nâng cao ý thức người nuôi thủy sản về vấn đề sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như siết chặt việc quản lý chất lượng tại ao nuôi (bè) để tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ cho người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Qua những ngày đầu kiểm tra tại các cơ sở nuôi cá tra thâm canh và bán thâm canh tại huyện Cái Bè cho thấy, hầu hết các cơ sở nuôi cá tra đều chưa có ý thức cao trong việc đảm bảo chất lượng tại cơ sở nuôi, cơ sở hạ tầng ao nuôi chưa đạt chuẩn, việc ghi chép nhật ký hộ nuôi, lưu giữ các hồ sơ, chứng từ có liên quan chưa đầy đủ…. Điều này thể hiện qua kết quả đánh giá phân loại cả 8 cơ sở thì có tới 07 cơ sở xếp loại C (không đạt) và 01 cơ sở xếp loại A (tốt).
Theo kế hoạch, Chi cục Thủy sản sẽ kiểm tra thí điểm 216 cơ sở nuôi cá tra, cá điêu hồng nuôi bè và nuôi tôm thuộc địa bàn 6 huyện, thị là Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Gò Công Tây và Thị xã Gò Công. Hoạt động kiểm tra lần này nhằm hướng dẫn cán bộ quản lý thủy sản cấp huyện nghiệp vụ thống kê, kiểm tra đánh giá thực tế các cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh và bán thâm canh để tiến tới giao huyện quản lý các cơ sở này theo phân cấp tại Thông tư 14.