Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Mô hình trồng xen chanh, chôm chôm và sầu riêng giúp nông dân làm giàu
(Ngày đăng: 30/05/2013)

Những năm gần đây, nông dân xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng chanh xen với các loại cây có múi theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế vườn trên cùng đơn vị diện tích. Ông Nguyễn Văn Thanh ngụ ấp Hiệp Ngãi là một nông dân tiêu biểu.
Ông Thanh chăm sóc sầu riêng.

Ông Thanh cho biết, trước đây ông trồng lúa trên 7.000 m2 đất do cha mẹ để lại, sản xuất lúa theo phương thức truyền thống, sâu bệnh hay xảy ra, chi phí phân thuốc cao, đổi lại năng suất thu hoạch lại không cao, vì vậy lợi nhuận từ cây lúa đem lại cho gia đình không đáng là bao nhiêu. Từ khi có chủ trương của Nhà nước về xây dựng đê bao để phát triển vườn cây ăn trái ở các xã phía Nam của huyện, lượng phù sa hàng năm nước lũ đem về không nhiều, thổ nhưỡng không còn phù hợp với cây lúa, gia đình ông lên liếp trồng chôm chôm nhãn xen cây sầu riêng (Ri6, Mongthong). Do chôm chôm và sầu riêng là loại cây trồng sau khoảng 5 năm mới bắt đầu cho trái, ông mạnh dạn trồng xen thêm cây chanh, theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Sau 2 năm chanh cho thu hoạch, nguồn lợi nhuận thu được hàng tháng từ cây chanh ông Thanh dùng làm chi phí để chăm sóc cây chôm chôm và sầu riêng.

Cứ theo qui trình đó, khi cây chôm chôm và sầu riêng bắt đầu cho trái, ông Thanh đã chặt bỏ một số chanh để tạo sự thông thoáng cho vườn cây ăn trái của mình, nhờ vậy cây mới đủ dưỡng chất luôn sinh trưởng tốt. Đến nay, chôm chôm nhãn và sầu riêng cho thu hoạch nhiều lần, gần đây nhất ông thu hoạch gần 7 tấn trái sầu riêng, thương lái đến mua tại vườn với giá 26.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí ông lãi gần 200 triệu đồng. Còn chôm chôm nhãn vừa cho thu hoạch trên 4 tấn trái, chất lượng trái đẹp nên thương lái mua với giá 25.000 đồng/kg, thu lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, hàng tháng số chanh còn lại cho thu hoạch trung bình khoảng 1 tấn, giá bán hiện nay là 11.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu lãi 6 triệu đồng/tháng. Như vậy chỉ với hơn 7.000 m2 đất vườn, gia đình ông Thanh thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.

Ông Thanh chia sẻ kinh nghiệm, khi cây đủ sức cho trái thì tiến hành phun xịt thuốc đúng liều lượng để đảm bảo cho quá trình thụ phấn và đậu trái của cây, riêng đối với sầu riêng cần dùng thêm màng ni-lon đậy kín gốc, dùng thuốc kích thích cho cây ra hoa, đậu trái. Còn sau khi thu hoạch xong, tiến hành vệ sinh dưới chân cây, xới đất, bón phân để cây không bị mất sức. Có nguồn thu nhập khá cao hàng năm, ông Thanh xây ngôi nhà khang trang cho gia đình, cuộc sống ổn định, không bận bịu trong việc mưu sinh, ông tham gia vào Hội Sinh vật cảnh của xã, dự các lớp sơ cấp sinh vật cảnh, trao đổi với thành viên trong Hội để nâng cao tay nghề, qua đó ông tìm tòi tự tạo cho mình một vườn cây kiểng với nhiều loại cây khác nhau, tạo thêm vẻ mỹ quan cho xóm ấp. Ông Thanh bày tỏ: "Chơi kiểng không chỉ tạo cảnh quan cho môi trường, làm cho xóm ấp thêm sạch đẹp, mà đó còn là thú vui, là điều kiện để ta quên đi mệt nhọc sau những giờ lao động".

Ông Thanh còn tham gia vào nhiều công tác xã hội, thấy cảnh đường sá trong ấp, xã lầy lội, người già, trẻ nhỏ, học sinh đi lại khó khăn, ông đã đóng góp và vận động các nhà hảo tâm gần xa, vận động người dân trong xóm ủng hộ để làm những tuyến đường, cụ thể như: Năm 2003 vận động trên 157 triệu đồng làm tuyến đường Bà Gòn liên xã Hiệp Đức và Hội Xuân, dài hơn 1.000m, ngang 1,5m; năm 2012 vận động được 61 triệu làm đường dal Kinh Đìa Muồng, dài 360m; vận động 160 triệu đồng làm cầu Kinh Kháng Chiến 2 và hiện nay đang làm tuyến đường vào Miễu Ông Hổ với chi phí khoảng 25 triệu đồng.

                                                                                                    Thanh Tùng

Nguồn: tiengiang.gov.vn
Tin liên quan