Công nghệ sinh thái và bảo tồn ong mật
(Ngày đăng: 27/05/2013)
Ngày 09 tháng 5 năm 2013 tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Cục Bảo vệ Thực vật (Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam) đã phối hợp với Hiệp hội Ong mật Việt Nam tổ chức hội nghị để thảo luận về làm như thế nào công nghệ sinh thái mang lại lợi ích cho ong mật. Hệ sinh thái lúa đa dạng và phong phú đối với hệ động vật chân đốt, chúng cung cấp dịch vụ điều chỉnh có giá trị như kiểm soát sinh học và các tác nhân thụ phấn có lợi cho con người. | |
Ts. Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang |
Trong năm 2009 công nghệ sinh thái đã được giới thiệu và áp dụng ở Việt Nam để ngăn chặn dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn lùn xoắn lá lúa. Trong các mô hình công nghệ sinh thái, các sinh cảnh đồng ruộng đã được biến đổi với bờ ruộng trồng đầy các loại hoa giàu mật hoa và phấn hoa để cung cấp thức ăn cho loài ong ký sinh. Ong mật là một trong những loài ong có kích thước to dễ nhìn thấy xuất hiện với mật số rất cao trên những bờ hoa này. Người nuôi ong mật trong khu vực tuyên bố rằng họ đã tăng sản lượng mật ong. Vào ngày 8 tháng 3 năm 2012 tỉnh Tiền Giang phát động chương trình "Phụ nữ và công nghệ sinh thái" để khuyến khích sự tham gia của phụ nữ. Kết quả phụ nữ nông dân ở 10 huyện thị của tỉnh Tiền Giang đã giảm sử dụng thuốc trừ sâu 22%
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đến dự và phát biểu khai mạc hội nghị, ông hoan nghênh sáng kiến mới này, đã tạo điều kiện cho ngành nuôi ong mật cũng như các tác nhân thụ phấn khác kiểm soát sinh học, tăng cường các dịch vụ sinh thái là chìa khóa cho nông nghiệp bền vững. Trước đó, vào tháng 9 năm 2010, Ông cùng với Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã tổ chức lễ phát động chương trình công nghệ sinh thái tại một số huyện trong tỉnh. TS Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hiệp hội ong mật Việt Nam (VBA) cho biết, hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 35.000 tấn mật ong trị giá khoảng 140 triệu USD. Ngoài ra sự thụ phấn cho hoa đậu trái của ong mật cung cấp dịch vụ có giá trị ít nhất 1 tỷ USD mỗi năm. Đàn ong đang có sự suy giảm ở châu Âu và Hoa Kỳ, tương tự ở Việt Nam các đàn ong cũng đang bị đe dọa bởi các rối loạn suy giảm bầy đàn (colony collapse disorder) nguyên nhân là do việc sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật neonicotinoids (imidacloprid, thiamethoxan và clothianidin) ngày càng tăng trong nông nghiệp là một mối quan tâm lớn. Việc sử dụng 3 neonicotinoids đã bị đình chỉ ở châu Âu để bảo vệ những con ong. Các đàn ong bị giảm đáng kể được báo cáo ở Mỹ, có khoảng 31% quần thể ong đã chết. Nhiều người nuôi ong báo cáo có sự sụt giảm 50% đàn ong của họ. Một báo cáo về sự suy giảm ong đã được soạn thảo bởi Bộ Nông nghiệp & Khoa học Mỹ vừa công bố một bài báo đặt câu hỏi về vai trò của neonics trong an ninh lương thực (Stokstad 2013). Ở Anh sự tuyệt chủng của một số loài ong hiếm tiếp tục bị đe dọa.
Một số loài ong quý hiếm ở Anh. A. scabious bee. B. tormentil mining bee. C. colletes bee. D. large garden bumblebee. Pictures from http://goo.gl/wXjbc
Mối quan hệ giữa ong mật và bệnh chổi rồng trên nhãn: Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam cùng phối hợp với Trường Đại học Tiền Giang khảo sát 1.000 con ong mật trong khu vực thuộc các xã thuộc ba huyện Châu Thành, Cai Lây và Thành phố Mỹ Tho, thu ong trên các vườn nhãn đang ra hoa có tỷ lệ bệnh chổi rồng 8-10% (500 con) và ở các thùng nuôi ong mật (500 con) chỉ thu những con ong bay về tổ. Mẫu ong được bảo quản bằng cồn 70% và mang về phòng thí nghiệm phân tích kết quả không tìm thấy bất kỳ nhện lông nhung nào (vectơ truyền bệnh chổi rồng trên nhãn) trên cơ thể ong
Công nghệ sinh thái với mục tiêu bảo tồn ong và họ hàng ong trong đó có ong mật, đây là cơ hội hợp tác rất có ý nghĩa giữa Cục Bảo Vệ Thực Vật, Hiệp Hội Ong Mật Việt Nam, Hội Làm Vườn Việt Nam…nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.
Tài liệu tham khảo
Stokstad, E. 2013. How Big a Role Should Neonicotinoids Play in Food Security? Science 10 May 2013:Vol. 340 no. 6133 p. 675
Lê Quốc Cường, Hồ Văn Chiến - Trung tâm BVTV phía Nam
Tin liên quan
Ý nghĩa ngày khoa học&công nghệ việt nam (17/05/2022)