Ngày môi trường thế giới 5/6-2013 “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”
(Ngày đăng: 24/05/2013)
Theo tổ chức Lương nông thế giới (FAO) sản xuất lương thực của thế giới hiện nay chiếm khoảng 25% diện tích trái đất, 70% lượng nước ngọt toàn cầu, góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn tới biến đổi khí hậu. Sản xuất lương thực, thực phẩm tiêu tốn rất nhiều tài nguyên và tổn hại môi trường như thế, nhưng hàng năm trên toàn cầu có đến 30 – 40 % (1,3 tỉ tấn) thực phẩm bị lãng phí hoặc bị mất mát, hư hỏng. | |
Nguyên nhân gây lãng phí thực phẩm chủ yếu do
- Người sản xuất không kịp thu hoạch hay vận chuyển nông sản tới nơi bảo quản an toàn;
- Người tiêu dùng mua thực phẩm nhiều hơn nhu cầu cần sử dụng, nhất là mua nhiều thịt, cá, rau, quả có thời hạn sử dụng ngắn rồi không tiêu thụ hết trước khi chúng hư hỏng; nhất là khi điều kiện bảo quản không tốt.
- Người phụ trách bếp chuẩn bị quá thừa thức ăn cho các bữa ăn bình thường tại gia đình và các đám tiệc, nhất là các tiệc buffet.
- Thực khách, nhất là những người khá giả, khi vào quán ăn, nhà hàng thường gọi quá nhiều món ăn và bỏ thừa rất nhiều sau khi ra về.
- Những người thu mua, người tiêu thụ nông sản thường đòi hỏi rất cao về thẩm mỹ nên những loại rau, trái, củ, quả có chút ít khuyết tật đều bị bỏ đi.
Từ những nguyên nhân chính yếu trên đã gây ra sự lãng phí thực phẩm và tài nguyên vô cùng to lớn. Việc sản xuất các loại thực phẩm bị tống vào thùng rác trên toàn thế giới mỗi năm tiêu tốn đến gần 500 tỷ mét khối nước, gần gấp ba lần so với khối lượng con người sử dụng để uống. Con số này cho nhân loại thấy rõ rằng lãng phí thực phẩm chính là lãng phí tài nguyên và gây tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Để thu hút sự quan tâm của cộng đồng trên toàn thế giới và thúc đẩy nhân loại tích cực chống lại sự lãng phí thực phẩm và tài nguyên, UNEP và FAO phát động Chiến dịch “Think-Eat-Save” (Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm) trên toàn cầu.
Chiến dịch nầy hướng tới việc làm giảm số lượng thực phẩm bị lãng phí thường xuyên bởi người tiêu dùng, các nhà bán lẻ và ngành công nghiệp khách sạn; cũng nhằm làm thay đổi sâu sắc và lâu dài trong cách mọi người tiêu thụ thực phẩm. Ngoài ra, chiến dịch còn giúp giảm sự mất thực phẩm thông qua cải thiện thu hoạch, chế biến, lưu trữ, vận chuyển, bảo quản, phân phối để có một thế giới khỏe mạnh và giảm số người bị đói.
Cũng trong ý nghĩa đó, Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) đưa ra chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 05/6/2013 là “Think-Eat-Save” - Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm.
Với chủ đề Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm thì mỗi cá nhân và tập thể đều có thể tham gia bằng rất nhiều hành động thực tế chung quanh việc thực hành tiết kiệm thực phẩm trong cuộc sống hằng ngày tại gia đình, quán ăn, khách sạn, siêu thị…. Cụ thể là:
- Không mua thực phẩm quá mức cần thiết, tận dụng hết thức ăn đã mua hoặc đã chế biến là cách rất đơn giản nhất để hạn chế lãng phí thức ăn.
- Lập chế độ ăn và danh sách mua thực phẩm, tránh mua theo cảm tính, tránh mua hoặc mua quá nhiều do bị thuyết phục trước các thủ đoạn tiếp thị.
- Cần kiểm tra thực phẩm trong tủ lạnh trước khi mua sắm thêm để tránh mua quá nhiều, không thể tiêu thụ hết.
- Xem hạn sử dụng, đặt thực phẩm chưa ăn hết hoặc gần hết hạn sử dụng gần cửa tủ lạnh để sử dụng trước
- Bảo quản thực phẩm đúng cách ở nhiệt độ lạnh thích hợp để giảm tỷ lệ bị hư hỏng; không cho thức ăn nóng vào tủ lạnh để tránh giảm lạnh trong tủ.
- Hãy chia sẻ thực phẩm dư thừa với những người đang cần chúng.
- Tránh ăn buffet vì đây là nơi khuyến khích cách tiêu thụ lãng phí thực phẩm và dẫn tới bệnh béo phì.
Vì cuộc sống bền vững của chúng ta và các thế hệ con cháu, mỗi cá nhân và mỗi gia đình nên nghĩ về môi trường, nghĩ về người nghèo đói trước khi tiêu thụ thực phẩm; thật sự quan tâm tới việc mua sắm ăn uống theo những gợi ý nêu trên để tránh lãng phí lương thực, thực phẩm và các loại tài nguyên. Làm như vậy chẳng những vừa tiết kiệm ngân quỹ gia đình, vừagiúp kéo giảm phát sinh lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường, giảm bớt nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra, mà còn có thể chia sẻ, giúp được cho rất nhiều người thiếu đói trên thế giới có thêm thực phẩm để ăn, để sống./.
Ths. Nguyễn Thị Nghiệm
Chi cục BVMT TG
Tin liên quan
Sáng chế thiết bị lột vỏ quả dừa khô tiện dụng (27/06/2023)