Bệnh cúm A H1N1 hiện nay ra sao?
(Ngày đăng: 08/05/2013)
Thời gian gần đây, mọi người quan tâm rất nhiều đến tình hình cúm A H7N9 tại Trung Quốc với 128 trường hợp mắc, 27 ca tử vong (ngày 4/5/2013). Người ta cũng chú ý đến cúm A H5N1 trên người với 18 trường hợp bị nhiễm, trong đó 14 người tử vong trên toàn Thế giới và 02 trường hợp tử vong tại Việt Nam (Đồng Tháp, Long An). Như vậy, hiện nay tình hình cúm A H1N1 ra sao? Có cần thiết phải tiếp tục quan tâm và phòng ngừa nữa hay không? | |
Bệnh cúm A thường có diễn biến nặng và phức tạp |
Các loại bệnh cúm A như cúm A H1N1, cúm A H5N1, cúm A H7N9 là các loại dịch bệnh mới nổi, có nguy cơ lây lan mạnh để bùng phát thành dịch lớn và có khả năng gây ra tử vong với tỷ lệ khá cao. Hàng năm trên thế giới ghi nhận khoảng 5 triệu trường hợp mắc cúm nặng và có từ 250 ngàn đến 500 ngàn trường hợp tử vong. Tỷ lệ chết trong số các trường hợp nặng là 5 - 10%.
Cúm A H1N1 vẫn đang là nỗi lo của mọi người
Chúng ta còn nhớ rằng, vào tháng 3/2009, từ những ca mắc bệnh cúm A H1N1 đầu tiên tại Mexico, chỉ trong vòng một tháng đã lây lan rất nhanh với tốc độ kinh hoàng cho hơn một trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam với hàng trăm ngàn ca mắc bệnh và tử vong gần 20 ngàn ca. Tại Tiền Giang, năm 2009 đã có 204 trường hợp mắc bệnh cúm A H1N1, không có tử vong.
Về tình hình dịch cúm trên thế giới, theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus cúm A H1N1 gây đại dịch năm 2009 đã qua giai đoạn đại dịch, bước vào giai đoạn hậu đại dịch từ tháng 8/2010, sẽ tiếp tục lưu hành ở nhiều quốc gia như các chủng virus cúm mùa khác, gồm cúm B và 2 phân type virus cúm A: H1N1 và H3N2, trong đó H1N1 chiếm tỷ lệ 46% số mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm).
Hàng năm nước ta vẫn ghi nhận khoảng 1,6 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Theo báo cáo giám sát của các tỉnh, thành phố, trong 3 tháng đầu năm 2013 đã có trên 300 ngàn người nhiễm cúm, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 tại Yên Bái (2 trường hợp) và Thanh Hóa (1 trường hợp).
Trước tình hình tỷ lệ bệnh nhân mắc cúm A H1N1 cao trong số bệnh nhân có hội chứng cúm, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện các ổ dịch, đặc biệt phát hiện sớm bệnh nhân nặng để kịp thời điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; lấy mẫu tất cả các trường hợp viêm phổi nặng để xét nghiệm xác định chủng virus gây bệnh, đồng thời nghiên cứu sự biến đổi gen của virus.
Bệnh cúm A H1N1 thường diễn biến không nặng, trừ những trường hợp xảy ra trên những đối tượng có nguy cơ cao, như phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh mãn tính như phổi mãn tính, tim mạch, tiểu đường, hen phế quản, HIV/AIDS, béo phì...là những nhóm dễ bị biến chứng nguy hiểm, có khả năng tử vong. Tuy nhiên, những bệnh nhân không thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng vẫn có thể có biểu hiện bệnh rất nặng sau khi bị nhiễm virus cúm. Một số trường hợp bệnh nhân cúm A H1N1 nặng là thanh niên hoàn toàn khỏe mạnh trước đó, nhưng sau khi nhiễm virus cúm A H1N1 bệnh đã diễn biến xấu rất nhanh. Xác suất bệnh nhân cúm A H1N1 chuyển nặng là 1/1.000.
Để chủ động ngăn ngừa dịch cúm A H1N1, mọi người cần có những thông tin để hiểu biết đúng và cần quan tâm thực hiện những biện pháp sau:
1. Cúm A H1N1 có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc do đó người bệnh nên đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi để hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.
2. Rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
3. Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.
4. Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A H1N1 do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.
5. Mọi người dân cần chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm và các bệnh đường hô hấp. Nếu xuất hiện triệu chứng ho, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi mà đi từ vùng có dịch về phải đến ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, cách ly điều trị kịp thời.
BS CK II Trần Thanh Thảo
Tin liên quan