Các DN sản xuất và lắp ráp máy điều hòa không khí, tủ lạnh trong nước và các nhà khoa học chưa nhất trí về tính khả thi của các tiêu chuẩn áp dụng dán nhãn tiết kiệm năng lượng. | |
Bê nguyên tiêu chuẩn quốc tế đặt vào Việt Nam
Ngày 16/11/2006, Bộ Công nghiệp (nay thuộc Bộ Công Thương) có Thông tư số 08/2006/TT-BCN về việc Hướng dẫn trình tự, thủ tục dãn nhãn tiết kiệm năng lượng đối với các sản phẩm sử dụng năng lượng áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7830 : 2007 và TCVN 7831 : 2007 do Tổng Cục Đo lường Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Bộ KHCN soạn thảo công bố.
Tài liệu viện dẫn để xây dựng tiêu chuẩn áp dụng trên được chuyển dịch từ tiêu chuẩn Quốc tế ISO 5151 : 1994. Từ đây, có nhiều ý kiến không nhất trí với các điều kiện thử để xác định hiệu suất năng lượng theo phương pháp quy định trong 2 TCVN, bởi các nhà soạn thảo đã “bỏ quên” chỉ tiêu độ ẩm và giá trị nhiệt độ ngoài trời trong điều kiện khí hậu tại Việt Nam.
Tiết kiệm năng lượng là một trong những tiêu chí mà người tiêu dùng quan tâm tới nhiều nhất. Ảnh: Đức Long |
Theo đó, điều kiện thử để làm cơ sở cho việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng trong Tiêu chuẩn Việt nam ban hành là các điều kiện đánh giá năng suất lạnh tiêu chuẩn cho khí hậu nóng (nhiệt độ bên ngoài là 45 độ C, nhiệt độ trong phòng là 24 độ C.
Với điều kiện này, độ ẩm không khí chỉ vào khoảng 20% (trong khi độ ẩm trung bình khí hậu nước ta là khoảng 80%). Trạng thái không khí như vậy hầu như không tồn tại trong điều kiện khí hậu nước ta, nó chỉ có thể có ở vùng Trung Đông hay đâu đó ở châu Phi, tuy có cùng vĩ độ với nước ta nhưng có các điều kiện thiên nhiên khác rất khác biệt.
Doanh nghiệp trong nước chịu thiệt
Việc quan niệm đơn giản là Việt Nam có khí hậu nóng để vận dụng điều kiện thử như trên là không thích hợp, bởi lẽ về quan điểm kỹ thuật, giá trị của hiệu suất năng lượng còn phụ thuộc rất nhiều vào độ ẩm của môi trường, mà với trị số 20% thì môi trường khí hậu nước ta không có.
Điều kiện này chỉ có thể sản xuất thiết bị máy lạnh, điều hòa không khí trong môi trường thuộc phòng thí nghiệm, không hề phù hợp với điều kiện thực tế.
Mặt khác, với điều kiện thử như vậy, nhiệt độ ngưng tụ sẽ vào khoảng 60oC, tức là áp suất ngưng tụ tăng lên nằm ngoài giới hạn an toàn cho phép (các rơ-le áp suất cao đã cắt).
Đứng về phía lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp điều hòa không khí, tủ lạnh trong nước, sản phẩm của họ khi bán ra thị trường sẽ phải chịu thiệt thòi so với sản phẩm nhập ngoại ngay từ khi có chủ trương dán nhãn tự nguyện.
Với lợi thế về công nghệ và chất lượng nhỉnh hơn, các doanh nghiệp bán hàng nước ngoài sẽ đăng ký dán nhãn tự nguyện, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước còn cần nhiều thời gian hơn để hợp chuẩn.
Điều kiện thử nghiệm theo tiêu chuẩn (nhiệt độ ngưng tụ khoảng 60 độ C) nếu so với điều kiện làm việc thực tế thì công suất lạnh sẽ giảm đi khoảng 12%, tiêu hao điện năng tăng thêm khoảng 10% và hệ số hiệu suất năng lượng sẽ giảm khoảng 2,2%. Như vậy, cấp dán nhãn cho sản phẩm máy lạnh điều hòa không khí gia dụng sẽ bị giảm đi khoảng một cấp, gây khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước và người tiêu dùng sẽ không còn mặn mà với những sản phẩm này.
Theo giáo sư Phạm Văn Tụy, cần bổ sung sửa chữa TCVN 7831 : 2007, thay vì áp dụng các điều kiện thử với nhiệt độ bầu khô của không khí phía ngoài phòng là 45oC, nhiệt độ bầu ướt 24oC thì nên áp dụng điều kiện thử với nhiệt độ bầu khô của không khí phía ngoài phòng là 35oC, nhiệt độ bầu ướt 24oC, tương ứng độ ẩm 41% thì sẽ là hợp lý hơn. |