Một số ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
(Ngày đăng: 11/04/2013)
Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2003, đã đạt được nhiều kết quả nhất định, nhưng với đà phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, Luật Đất đai 2003 cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, điều này đã làm gia tăng các khiếu nại, tố cáo về đất đai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này gồm 14 chương và 206 điều, tăng 7 chương và 60 điều so với Luật Đất đai năm 2003 (có 7 chương, 146 điều). | |
Sau khi nghiên cứu tài liệu, tôi xin được tham gia đóng góp vào một số nội dung như sau:
- Trong Dự thảo này có nhiều điểm mới nổi bật theo hướng khắc phục những bất cập trong chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai.
- Sửa đổi nội dung giải thích một số từ ngữ:
+Khoản 4 Điều 41 bổ sung quy định việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện;
Khoản 3 Điều 47, dự thảo mới bổ sung quy định người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất và không bị hạn chế về quyền sử dụng đất trong trường hợp các dự án, công trình đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất và đã công bố phải thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sau ba năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng.
- Về thu hồi đất, Điều 59, Điều 60, Điều 61, dự thảo quy định theo hướng làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đặc biệt, thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
- Tại khoản 1 Điều 91, Dự thảo mới cũng làm rõ hơn quy định đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu;
- Khoản 4, Điều 94 bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận mới ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có nhu cầu nhằm đảm bảo quyền bình đẳng…
- Mục 2: Giá đất.Mục này có một số điểm đổi mới sau: Sửa đổi quy định về nguyên tắc định giá đất theo hướng định giá đất theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tính các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của Luật đất đai…
- Điều 123 trong Dự thảo luật lần này quy định: đối với đất sử dụng có thời hạn thì đất nông nghiệp trước đây thời hạn là 20 năm nay tăng lên 50 năm. Thời hạn sử dụng của các loại đất khác cũng được điều chỉnh…
Tuy nhiên, trong Dự thảo cũng còn một số Điều, khoản chưa chặt chẽ về câu chữ, chưa rõ nghĩa, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn về đời sống và sản xuất. Do đó, tôi có một số ý kiến đóng góp vào một số nội dung cơ bản để góp phần làm cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) thêm hoàn chỉnh như sau
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh“
Luật này quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”.
Tôi đề nghị Điều 1 nên viết lại như sau: "Luật này quy định: đất đailà tài sản đặc biệt của quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước, thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất" cho phù hợp với Điều 58 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
- Điều 36: Kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Ở khoản 1, Điều 36, có nêu quy định " Kỳ quy hoạch sử dụng đất là mười (10) năm và tầm nhìn hai mươi năm (20) năm". Nên thay thế từ tầm nhìn bằng từ nào khác cho phù hợp với khả năng thực tế quản lý, thực hiện khai thác đất đại, để người dân hiểu và dễ thực hiện. Từ ngữ “tầm nhìn” ghi trong luật là trừu tượng, không phải tầm nhìn nào cũng luôn luôn đúng với một khoảng thời gian dài hạn trong tương lai có nhiều biến động và thay đổi. Hơn nữa, dùng từ “tầm nhìn” chỉ có tính “thời thượng, có tính phong trào” giống như chúng ta đã dùng từ "bất cập", trong nhiều văn bản, trong nhiều lĩnh vực như hiện nay.
- Điều 52: Giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác“Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Cần thêm cụm từ: “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi đã thực hiện đúng trình tự bồi thường, hỗ trợ và có quyết định thu hồi đất đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” để rõ nghĩa hơn và người thi hành dễ thống nhất hơn.
- Điều 59: Các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, tôi xin bổ sung thêm một khoản: “Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất vào việc phục vụ quốc phòng, an ninh, khi xét thấy không còn sử dụng cho mục đích này nữa thì hoàn trả lại cho địa phương quản lý, phục vụ cho mục đích dân sinh và xã hội”.
- Điều 71 nên thêm một khoản: "việc cưỡng chế thu hồi đất chỉ thực hiện khi đã thực sự bồi thường, hỗ trợ đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất" để tránh trường hợp chưa thực hiện tốt đã tổ chức cưỡng chế người dân là không đúng pháp luật, điều này đã xảy ra và cần rút kinh nghiệm.
- Về giá đất
Định giá đất, theo tôi là vấn đề trọng tâm của Chương VIII Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, vì vấn đề này rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và hàng triệu người dân. Dự thảo có 5 Điều (Điều 107, 108, 109, 110, 111) đề cập trực tiếp về giá đất nhưng các quy định này chưa đổi mới căn bản, vẫn còn chung chung, không chi tiết, chưa cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện cho Nhà nước áp đặt ý chí của mình trong việc ấn định giá đất.
Định giá đất theo dự thảo này phải "bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường". Thế nào là phù hợp với giá thị trường? Vấn đề này sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, mỗi người theo vị trí, lợi ích của mình mà có cách hiểu khác nhau về phù hợp với giá thị trường. Quyền sử dụng đất là tài sản giá trị nhất của cả hộ gia đình nhưng sự kỳ vọng của người dân và xã hội chưa được đáp ứng trong khi giải quyết hài hòa về lợi ích giữa các chủ thể trong quản lý và sử dụng đất đai. Thực tế đã cho thấy có nhiều trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất, người dân chỉ được nhận khoản tiền đền bù với giá trị thấp hơn nhiều so với khi Nhà nước thu hồi xong, giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án thì giá đất lại tăng lên nhiều lần, khiến người có đất bị giải tỏa bức xúc dẫn đến các vụ khiếu kiện về đất đai. Ban soạn thảo nên viết lại nội dung của Mục 2, về giá đất với những quy định chi tiết, cụ thể hơn.
- Điều 124. Hạn mức giao đất nông nghiệp: Đối với hạn điền, hệ thống pháp luật đất đai của ta nhiều năm qua cũng đã đi theo hướng nới rộng hạn điền nhưng về cơ bản không thay đổi mấy so với luật hiện hành, tuy nhiên hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được quy định là không quá 10 lần hạn mức. Nếu trồng lúa với đất ít thì không thể khá lên nổi. Làm diện tích lớn người ta mới dám đầu tư kỹ thuật, máy móc trong canh tác và thu hoạch nên chi phí thấp hơn, sản xuất hiệu quả hơn. Có diện tích lớn cũng dễ liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Tuy nhiên, do vướng hạn điền nên những hộ có điều kiện không dám tích tụ đất để làm ăn lớn. Hơn nữa, trên thực tế hệ thống quản lý đất đai của ta không phát hiện được và cũng không có chế tài xử lý các trường hợp vượt hạn điền. Nhiều hộ mua thêm đất nhưng phải nhờ bà con, người khác đứng tên giùm hoặc chỉ mua bán bằng giấy tay. Làm như vậy là chưa đúng pháp luật và luôn âu lo phập phồng sợ xảy ra tranh chấp. Cho nên, theo tôi, cần nới rộng hơn nữa hạn điền nhằm khuyến khích sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, kinh tế trang trại, không dừng ở hạn điền như trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định; không sợ xu hướng hình thành tầng lớp “địa chủ” mới và “tá điền” mới ở nông thôn vì ta có hệ thống chính trị hoạt động mạnh ở các cấp, có thể giải quyết được bằng chính sách thuế, bằng các chế tài thu hồi đối với đất đã phát canh thu tô.
- Điều 185, khoản 3, “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa” đã tạo ra sự bất hợp lý mới: cũng là con cháu trong gia đình, có người được hưởng thừa kế, có người không được hưởng, mà người không được hưởng đôi khi lại chính là người đang làm nghĩa vụ với nhà nước, ví dụ như lúc mở thừa kế họ đang tại ngũ nên không "có điều kiện trực tiếp sử dụng đất để trồng lúa" thì có hợp lý không? Hơn nữa, Bộ Luật Dân sự năm 2005 thì tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đều được nhận quyền sử dụng đất thông qua thừa kế quyền sử dụng đất. Tôi đề nghị Ban soạn thảo Dự luật này xem xét lại cho hợp lý.
- Điều 201. Xử lý đối với người quản lý vi phạm pháp luật về đất đai
Điều 201, liệt kê khá nhiều các hành vi vi phạm pháp luật đất đai của người quản lý nhưng lại không đầy đủ. Vì vậy theo tôi, để điều luật vừa ngắn gọn nhưng lại đầy đủ, Điều 201 nên sửa thành: "Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp Luật Đất đai, thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".
- Tại khoản 2 Điều 202
Tại đoạn cuối khoản 2 có ghi: 2. “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”.
Tôi nhận thấy rằng: ý của câu này chưa được chính xác, chưa rõ nghĩa. Để cho Điều luật ngắn gọn, đầy đủ, rõ nghĩa, tôi đề xuất sửa, bổ sung khoản 2 Điều 202 như sau: "2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai xảy ra trên địa bàn và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của thửa đất như trước khi có vi phạm.".
Th.s Nguyễn Bình Luận - BCH Liên hiệp Hội
Tin liên quan
Sáng chế thiết bị lột vỏ quả dừa khô tiện dụng (27/06/2023)