Từ đầu năm 2013 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã phải đối phó với các loại dịch bệnh trên người như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, quai bị trong các trường học thì nay phải tiếp tục cảnh giác với bệnh cúm A H5N1 có thể lây từ gia cầm, thủy cầm vì đã xuất hiện các ổ dịch. | |
Hình ảnh người bệnh cúm A H5N1 diễn biến nặng. |
Tại ấp Hưng, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang liên tục xảy ra nhiều đàn gia cầm, thủy cầm, chim trĩ nuôi chết hàng loạt ở các hộ chăn nuôi bắt đầu từ ngày 22/3/2013 đến đầu tháng 4/2013. Ngành Thú y xã đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm đã dương tính với cúm A H5N1; ngành Thú y đã phối hợp tổ chức tiêu hủy các đàn gia gia cầm, thủy cầm, chim trĩ nuôi này. Ngành Y tế cũng lập danh sách người tiếp xúc trực tiếp, người ở các hộ lân cận để theo dõi sức khỏe, phun chloramin khử trùng trong và ngoài nhà các hộ trên, đồng thời phối hợp các ban ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, cấp tờ bướm, hướng dẫn cho những người có tiếp xúc và các hộ dân trong khu vực ổ dịch về các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm A H5N1.
Hình ảnh gà mắc bệnh và chết do cúm A H5N1
Bệnh cúm A H5N1 lây từ gia cầm, thủy cầm sang người thông qua tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết khi giết mổ, ôm gà đá… hoặc ăn thịt gia cầm, thủy cầm mắc bệnh. Ở người, triệu chứng cúm A H5N1 lúc mới phát bệnh cũng giống cúm thông thường, như sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ, thở nhanh hoặc khó thở… Tuy nhiên, bệnh cúm A H5N1 thường diễn tiến nặng với viêm phổi và các triệu chứng hô hấp nguy hiểm, hoặc các biến chứng nặng (như tắc nghẽn đường thở, nhiễm trùng thứ phát, viêm cơ tim, viêm não…) có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ rất cao.
Đầu năm 2013, Campuchia đã xuất hiện 5 ca bệnh cúm A H5N1 trên người, trong đó 4 trường hợp đã tử vong. Các địa phương có bệnh nhân tử vong vì cúm gia cầm tại Campuchia đều giáp đường biên giới Việt Nam, bệnh nhân ở xa nhất cách biên giới Việt Nam - Campuchia 30km. Tại Việt Nam, bốn địa phương ghi nhận có dịch cúm gia cầm là Ðiện Biên, Tây Ninh, Kiên Giang và Khánh Hòa, số gia cầm, thủy cầm phải tiêu hủy lên đến hơn 10 nghìn con. Tại Tiền Giang, những năm qua đã ghi nhận 02 ca mắc và tử vong cả 2 do cúm A H5N1 (tại Cai Lậy vào năm 2005 và tại Cái Bè vào năm 2010), tỷ lệ tử vong 100%. Hiện nay, tuy chưa phát hiện cúm A H5N1 trên người, nhưng với những diễn biến về các đàn gia cầm, thủy cầm và chim trĩ nuôi chết hàng loạt, chúng ta phải hết sức cảnh giác, tìm hiểu và phòng ngừa để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Chúng ta có thể phòng ngừa bệnh cúm A H5N1 lây từ gia cầm, thủy cầm sang người nếu như mọi người hiểu và tuân thủ chặt chẽ các quy định một cách nghiêm túc 4 biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế như sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống hàng ngày; không sử dụng thịt và các sản phẩm từ súc vật bị bệnh; sử dụng thuốc sát khuẩn đường mũi họng hàng ngày.
2. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, súc vật mắc bệnh. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, súc vật mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo; rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước hoặc sau khi tiếp xúc.
3. Tăng cường sức khoẻ bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, rèn luyện thân thể. Những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, làm việc ở nơi có dịch cúm trên súc vật, cần thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân.
4. Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt cao, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi, đau họng, ho cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh cúm A H5N1 được xếp vào nhóm A, gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Cũng theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, có 07 hành vi bị nghiêm cấm, sẽ bị xử lý nếu vi phạm, trong đó, đối với người dân chăn nuôi phải chú ý và tránh những hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che dấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Cho nên mọi người dân cần được rõ những quy định trên cũng như Pháp lệnh Thú y cũng như các chế độ, chính sách của tỉnh đối với người chăn nuôi thông qua công tác tuyên truyền để họ tuân thủ nghiêm túc và hợp tác tốt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh, tránh lây bệnh từ gia cầm, thủy cầm sang người, đồng thời cũng để không bị xử lý theo pháp luật do vô tình vi phạm mà không hề biết.
Rõ ràng là bệnh cúm A H5N1 vô cùng nguy hiểm, tử lệ tử vong rất cao. Cho nên, mọi người cần phải tiếp tục cảnh giác với dịch cúm A H5N1 trên gia cầm, thủy cầm vì nó có thể lây bệnh sang con người. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, người dân không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời; không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt, khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Đó là những biện pháp cơ bản mà mọi người cần biết để cảnh giác phòng ngừa dịch cúm A H5N1 trên gia cầm, thủy cầm có thể lây bệnh làm hại cho sức khỏe và tính mạng của con người.