Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Những điểm đột phá của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020
(Ngày đăng: 27/03/2013)

Trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì yêu cầu đặt ra cho Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2020 là phải tận dụng triệt để thời cơ, khai thác mọi cơ hội của hội nhập quốc tế mang lại. Ðiều đó sẽ giúp tăng cường tiềm lực KH&CN, rút ngắn khoảng cách với thế giới, phục vụ đắc lực cho công cuộc CNH, HÐH đất nước.
Giảng viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tế bào gốc tại phòng thí nghiệm (ảnh: Thái Ngọc)

Các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được xác định tương thích với mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được thông qua tại Ðại hội XI của Ðảng và các chiến lược khác hướng tới năm 2020. Theo đó, Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 nêu mục tiêu tổng quát của nền KH&CN nước ta trong tương lai, khuyến khích cộng đồng khoa học và cả xã hội tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà. Bên cạnh đó, mục tiêu trong Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 bao gồm nhiều chỉ tiêu cụ thể và được phân ra thành các giai đoạn phát triển (2011 - 2015 và 2016 - 2020). Ðiều này có ý nghĩa: giúp chúng ta định hướng rõ hơn mục tiêu phát triển; tạo thuận lợi hơn cho việc cân đối giữa KH&CN với các ngành khác và giữa các lĩnh vực KH&CN; tạo thuận lợi cho việc kiểm điểm, đánh giá và điều chỉnh chiến lược.

Tập trung đổi mới tổ chức hoạt động và quản lý KH&CN

  Trong Chiến lược phát triển KH&CN lần này, các vấn đề liên quan đến đổi mới tổ chức hoạt động và quản lý KH&CN được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong các định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020. Sự thay đổi này thể hiện vai trò quan trọng của cơ chế quản lý và sự quyết tâm tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, giải phóng năng lực sáng tạo trong hoạt động KH&CN của Ðảng và Nhà nước ta.

 Tuy nhiên, đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN hiện vẫn đang là nút thắt khó gỡ nhất trong giai đoạn vừa qua. Mặc dù cơ chế này đã trải qua nhiều giai đoạn đổi mới nhưng cho đến nay vẫn chưa được đổi mới về cơ bản, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý kinh tế, vẫn còn nặng về hành chính, chậm chuyển sang kinh tế thị trường và chưa phù hợp với những đặc thù của hoạt động sáng tạo KH&CN. Chính vì vậy, Chiến lược KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra nhiệm vụ trọng yếu từ nay đến 2020 phải tập trung đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, nhất là cơ chế đầu tư, sử dụng tài chính và chính sách cán bộ KH&CN. Chẳng hạn, về cơ chế đầu tư, mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên mức 2% chi ngân sách cho KH&CN vẫn còn thấp so với yêu cầu và so với các nước trong khu vực. Trên thực tế, chi cho nghiên cứu và phát triển trên cán bộ nghiên cứu ở nước ta còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
 Như vậy, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế đầu tư cho KH&CN để có thêm nguồn đầu tư cho KH&CN. Trong đó, ngoài nguồn lực của Nhà nước, việc xã hội hóa đầu tư cho KH&CN, nhất là cơ chế tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN là điều hết sức quan trọng.
  Đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của đổi mới
 Với việc Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện các chương trình quốc gia về KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 như: chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia, chương trình phát triển công nghệ cao, chương trình đổi mới công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia,... tin rằng, trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cũng như được vay vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của mình.
 
Trong Chiến lược đã nêu rõ một số giải pháp cụ thể, đó là áp dụng một số cơ chế, chính sách đột phá nhằm thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Ðồng thời kiến nghị sửa đổi quy định về việc doanh nghiệp có thể trích trên 10% thu nhập tính thuế hằng năm đầu tư cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ. Ðây là một giải pháp quyết liệt nhưng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Trung ương vừa ra Nghị quyết số 20/NQ-T.Ư thể hiện quyết tâm có chế tài buộc doanh nghiệp Nhà nước phải trích một tỷ lệ doanh thu nhất định đầu tư cho KH&CN, song song với việc khuyến khích doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác tăng cường đầu tư cho KH&CN.
 
Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam có đủ khả năng dành hàng tỷ đồng để đầu tư cho KH&CN. Vấn đề là làm sao để có thể tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi sử dụng đồng vốn đầu tư cho KH&CN để phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh của mình. Bởi vì, xét cho cùng, khoảng ba phần tư số tiền đầu tư cho KH&CN trích từ lợi nhuận trước thuế là thuộc phần tiền do doanh nghiệp đóng góp.
 
Ðồng thời, một số giải pháp khác cũng đang được chú trọng như: Nhà nước hỗ trợ về thông tin KH&CN để doanh nghiệp có định hướng đầu tư đổi mới công nghệ; tăng cường liên kết Viện - Trường - Doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN; triển khai cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư cho KH&CN,...
 
Tin rằng, với sự quyết tâm của Chính phủ, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN sẽ phát huy tác dụng trong thực tiễn.

 Ðiểm đáng chú ý, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của đổi mới công nghệ, là người đặt hàng và chủ đầu tư để đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ. Ðể giúp doanh nghiệp vượt khó, cần triển khai mạnh mẽ cơ chế hỗ trợ của Nhà nước trong hợp tác công-tư. Ðiều này có nghĩa là, cùng với việc tạo môi trường kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích thiết thực trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh đối với sản phẩm, hàng hóa của mình. Mặt khác, Nhà nước cần sẵn sàng chia sẻ rủi ro trong nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ tài sản trí tuệ được tạo ra trong quá trình nghiên cứu đổi mới công nghệ.

Theo Báo Nhân dân, 3/2013
Tin liên quan