Ba mươi năm về trước, ngày 26/3/1983, tại Hà Nội, đại biểu của 14 hội Khoa học và Kỹ thuật Trung ương và Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã tiến hành Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong cả nước, điều hòa và phối hợp hoạt động của các hội thành viên. | |
Trụ sở Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam, ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức KH&CN. |
Đại hội đã thông qua Điều lệ và bầu Ban chấp hành Trung ương do Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Sự ra đời của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ đã đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của đông đảo trí thức khoa học và công nghệ trong cả nước.
Ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, vừa phải giải quyết những hậu quả của chiến tranh, vừa phải đối đầu với việc bao vây cấm vận nhưng sau 30 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã khẳng định vai trò của mình, có những đóng góp đáng kể cho đất nước và đạt được một số kết quả quan trọng như sau:
Một là, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã được thừa nhận là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, có hệ thống tổ chức từ Trung ương tới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nằm trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Các hội ngành KH&KT toàn quốc là tổ chức xã hội - nghề nghiệp song với tư cách là những thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Kết luận này đã được rút ra từ hoạt động thực tiễn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong 30 năm qua và đã được khẳng định trong Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 16/4/2010.
Hai là, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày càng trở thành một địa chỉ tin cậy để tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam ở trong và ngoài nước. Điều này được thể hiện qua việc phát triển mạnh về tổ chức. Từ 15 hội thành viên khi mới thành lập, đến nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có 132 hội thành viên, bao gồm 73 hội ngành toàn quốc và 59 Liên hiệp các hội KH&KT ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập hợp trên một triệu trí thức KH&CN, chiếm hơn 1/3 số trí thức KH&CN trong cả nước. Ngoài ra, Liên hiệp các hội KH&CN Việt Nam còn có trên 500 tổ chức KH&CN ngoài công lập, trong đó 350 tổ chức trực thuộc Đoàn Chủ tịch; có Nhà xuất bản Tri Thức và gần 150 tờ báo giấy, báo điện tử, bản tin và tạp chí. Để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, trong những năm gần đây, 41 Đảng đoàn đã được thành lập ở các Liên hiệp các hội KH&KT các địa phương. Tại các hội ngành toàn quốc đã hình thành một Đảng bộ với trên 500 đảng viên và các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ba là, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã xây dựng được các quy trình để thực hiện một nhiệm vụ mới là tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Hiện nay, nhiệm vụ này không những được thực hiện ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mà cả ở các hội ngành toàn quốc và các Liên hiệp các hội KH&KT ở các địa phương. Để làm tốt công việc này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đặc biệt chú ý khâu tổ chức thực hiện, tạo môi trường cởi mở và thuận lợi, phát huy năng lực tư duy của trí thức, thẳng thắn đóng góp ý kiến cho những vấn đề hệ trọng có liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Không thể kể hết những kết quả tư vấn, phản biện, giám định xã hội mà Liên hiệp các hội KH&KT ở Trung ương và các hội thành viên đã thu nhận được trong những năm qua, trong đó có những kết quả nổi bật, rất đáng được ghi nhận. Hoạt động này đang trở thành một trong số những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Bốn là, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống của các hội KH&KT trước đây trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí và truyền bá kiến thức KH&CN cho quần chúng nhân dân. Hình thức phổ biến kiến thức ngày càng trở nên phong phú như sách, báo, truyền hình, phát thanh, hội thảo, mở các lớp tập huấn hướng dẫn… Mỗi năm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên đã thực hiện nhiều sự kiện nhằm phổ biến kiến thức. Nhiệm vụ này đã trở thành một hoạt động phổ biến của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên.
Năm là, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã thu được nhiều kết quả trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc đã có hơn 500 tổ chức KH&CN ngoài công lập được thành lập và trực thuộc Đoàn Chủ tịch và các hội thành viên. Một số tổ chức KH&CN đã lớn mạnh và hoạt động như những doanh nghiệp KH&CN. Trong những năm gần đây, các tổ chức này đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn trí thức trẻ và huy động hàng trăm tỉ đồng từ các nguồn vốn trong và ngoài nước để nghiên cứu các vấn đề xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống HIV/AIDS, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo, trước hết là ở miền núi, vùng sâu và vùng xa.
Sáu là, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tập trung vào hướng nghiên cứu ứng dụng. Nhiều cán bộ khoa học có trình độ cao, đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn khỏe đã tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu ở các hội thành viên. Mỗi năm, có hàng chục để tài nghiên cứu từ cấp Nhà nước cho tới cấp cơ sở đã được thực hiện ở các hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc và ở các Liên hiệp các hội KH&KT các địa phương. Nhiều kết quả nghiên cứu được áp dụng trọng thực tiễn như đề tài “Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã được thực hiện ở 20 tỉnh, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Hơn 100 đề tài, dự án về bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và xây dựng mô hình xã hội hóa các hoạt động trên lĩnh vực này.
Bảy là, hoạt động tôn vinh trí thức KH&CN đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp các hội KH&KT từ Trung ương tới các địa phương. Từ năm 1993, hàng năm Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đều phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam. Giải thưởng này đã thu hút nhiều cán bộ khoa học và công nghệ ở các viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp tại các địa phương trong cả nước tham gia. Có năm, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được hơn 500 hồ sơ đăng ký tham dự xét chọn. Ngoài ra, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam còn phối hợp với các bộ, ngành và đoàn thể tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thành, thiếu niên và nhi đồng, Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC dành cho sinh viên. Các hội thành viên cũng đặt ra nhiều giải thưởng để tôn vinh trí thức như Giải thưởng Loa Thành của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Giải thưởng Phạm Thận Duật của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giải thưởng KH&CN Hoa Lư của Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Ninh Bình… Hàng năm, nhiều Liên hiệp các hội KH&KT của các tỉnh và thành phố tổ chức các buổi gặp mặt, tôn vinh các trí thức tiêu biểu tại địa phương.
Tám là, Liên hiệp các hội KH&KT từ Trung ương tới tỉnh, thành phố đã trở thành cầu nối giữa trí thức với Đảng. Thông qua Liên hiệp các hội KH&KT, các cấp ủy Đảng và chính quyền có điều kiện lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của trí thức KH&CN cho các dự thảo văn kiện, quy hoạch phát triển, các chương trình, đề án, dự án lớn…trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt. Liên hiệp các hội KH&KT đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của trí thức KH&CN với cấp ủy và các cơ quan có liên quan, tổ chức những buổi gặp gỡ giữa cán bộ lãnh đạo với anh chị em trí thức để trao đổi trực tiếp về các vấn đề có liên quan đến đường lối phát triển đất nước, nhất là về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ m trí thức.
Chín là, trong những năm qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên, trước hết là các hội ngành toàn quốc đã đẩy mạnh các mối quan hệ quốc tế thông qua hợp tác nghiên cứu KH&CN, bảo vệ môi trường và phát riển bền vững. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tiếp tục phát triển mối quan hệ truyền thống với Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN, mở rộng mối quan hệ với Hiệp hội khoa học và công nghệ Trung Quốc, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Tại các hội nghị khoa học do Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam hay các hội thành viên tổ chức ngày càng có nhiều nhà khoa học người nước ngoài và người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài tham gia. Thông qua hợp tác quốc tế, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã tài trợ một khối lượng lớn kinh phí cho các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc Liên hiệp các hội KH&CN Việt Nam .
Đánh giá cao thành tích hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong suốt 30 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc Lập hạng nhất. Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, Liên hiệp các hội KH&KTViệt Nam đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Sự trưởng thành và phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong suốt 30 năm qua luôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp uỷ ở các địa phương. Nếu không có sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của lãnh đạo Đảng các cấp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không thể có được những kết quả như ngày hôm nay. Trong nhiều văn kiện quan trọng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nhấn mạnh vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà đỉnh cao được khẳng định trong Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Một nhân tố quan trọng khác tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát triển là sự hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, về cơ sở vật chất, về cơ chế và chính sách. Nhân dịp này, thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành nhất tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, các ban, các ngành và các địa phương trong những năm qua đã hết lòng quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Liên hiệp các hội KH&KT từ Trung ương tới các địa phương hoạt động có hiệu quả.
Một nhân tố khác không kém phần quan trọng là sự đóng góp nhiệt tình không mệt mỏi trong suốt 30 năm qua của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Liên hiệp các hội KH&KT các cấp, qua các thời kỳ, đặc biệt vào những thời điểm khó khăn nhất. Là thế hệ cán bộ kế tiếp, chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi những công lao đóng góp và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cán bộ đi trước. Kỷ niệm 30 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với những tình cảm trân trọng nhất, chúng ta tưởng nhớ đến các vị chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp hội Việt Nam: cố GS Trần Đại Nghĩa, cố GS Hà Học Trạc, cố GS Vũ Tuyên Hoàng, nhớ đến các cán bộ lãnh đạo các hội thành viên, các hội viên đã qua đời, những người đã cống hiến tất cả tâm huyết, sức lực và trí tuệ để xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Trong những năm sắp tới, mục tiêu chung của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là phấn đấu cho đến năm 2020 xây dựng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trở thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để đạt mục tiêu đó, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động như đã được nêu rõ trong Chỉ thị số 42 – CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), cụ thể là hoàn thành tốt những nhiệm vụ về công tác tư tưởng, về việc đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối chủ trương phát triển đất nước, chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đi đầu trong truyền bá kiến thức KH&CN, phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo trong hoạt động KH&CN…; tiếp tục thể chế hoá, ban hành các văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thay mặt toàn thể anh chị em trí thức KH&CN chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của 30 năm qua, đem hết trí tuệ và sức lực mình để góp phần xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp đoàn kết và phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
* Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam diễn ra ngày 22/3/2013 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.