Hiện nay, sự thừa nhận của xã hội, các ngành, các cấp về vị thế của giới khoa học, nhà khoa học tại Việt Nam trên thực tế còn chưa cao, nên việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) đã và đang gặp phải nhiều thách thức… | |
TS. Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH-CN đã chia sẻ như trên tại buổi tọa đàm về “Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020” diễn ra mới đây tại Hà Nội.
“Đặt hàng” chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế
Theo TS. Tạ Doãn Trịnh, trước hết phải khẳng định, “đặt hàng” các nhà khoa học theo cách tiếp cận từ trên xuống là phương thức được sử dụng khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam từ trước đến nay khi nhà nước hay nhà doanh nghiệp muốn có một sản phẩm nghiên cứu phục vụ cho nhu cầu của mình.
Xuất phát từ thực tế trên có thể thấy, nguyên nhân chính khiến việc “đặt hàng” chưa hiệu quả là do yêu cầu đặt hàng chưa rõ, hoặc chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của thực tế; cơ chế phân bổ và sử dụng kinh phí kèm theo chưa phù hợp; cách thức đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu do đặt hàng đề ra.
Ngoài ra, cũng có nguyên nhân từ phía các nhà khoa học nhận đặt hàng như trình độ chuyên môn, tổ chức, cơ chế phối hợp trong nghiệm thu, đánh giá chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để cơ chế đặt hàng phát huy tác dụng trước hết cần đổi mới việc giao và nhận nhiệm vụ nghiên cứu từ các khâu đề xuất, lựa chọn nhiệm vụ đặt hàng đến tổ chức hội đồng tuyển chọn để tìm ra đúng việc phải làm và giao cho đúng người có năng lực thực hiện. Và đương nhiên, các điều kiện về nguồn lực, tổ chức quản lý thực hiện và nghiệm thu, đánh giá cũng cần đảm bảo để thực hiện được tốt các nhiệm vụ đặt hàng, trong đó cơ chế chi tiêu, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí phù hợp là rất quan trọng.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, TS. Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN có cho biết, trong thời gian tới, khi kết quả cuối cùng mà các nhà khoa học nộp đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài dự án theo cam kết ban đầu thì toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ, giai đoạn trung gian sẽ không cần thiết nữa. Ngoài việc tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng ngân sách nhà nước, các nhà khoa học có thể dùng nguồn vốn từ bất cứ nguồn nào để làm nghiên cứu.
Đặc biệt, sau khi có sản phẩm nhà nước sẽ mua sản phẩm ấy theo giá thỏa thuận để sử dụng phục vụ cho lợi ích chung của xã hội. Thậm chí, đối với một số loại hình nghiên cứu, một khi đã ước tính được chi phí bỏ ra để thực hiện nghiên cứu, nhà nước có thể thoả thuận và ứng vốn để mua trước kết quả nghiên cứu của nhà khoa học.
Doanh nghiệp cần mạnh dạn đổi mới…
Cũng theo TS. Trịnh, chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của đổi mới công nghệ, là người đặt hàng và chủ đầu tư để đổi mới sản phẩm, công nghệ.Để giúp doanh nghiệp vượt khó, cần triển khai mạnh mẽ cơ chế hỗ trợ của nhà nước trong hợp tác công-tư. Điều này có nghĩa là song song với việc tạo môi trường kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích thiết thực trong việc đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao sực cạnh tranh đối với sản phẩm, hàng hoá của mình.
Đặc biệt, trong Chiến lược nêu rõ “Áp dụng một số cơ chế, chính sách đột phá nhằm thúc đẩy xã hội hoá đầu tư cho KH-CN, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ”. Và “Kiến nghị sửa đổi quy định về việc doanh nghiệp có thể trích trên 10% thu nhập tính thuế hàng năm đầu tư cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ”
Đây là một giải pháp quyết liệt, cần thiết, nhất trong bối cảnh Trung ương vừa ra Nghị quyết số 20/NQ-TW thể hiện quyết tâm có chế tài buộc doanh nghiệp Nhà nước phải trích một tỷ lệ doanh thu nhất định đầu tư cho KH-CN, song song với việc khuyến khích doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác tăng cường đầu tư cho KH-CN. Đồng thời, một số giải pháp khác cũng đang được chú trọng như: Nhà nước hỗ trợ về thông tin KH-CN để doanh nghiệp có định hướng đầu tư đổi mới công nghệ; tăng cường liên kết Viện – Trường – Doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH-CN.
Đặc biệt việc Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện các chương trình quốc gia về KH-CN giai đoạn 2011-2020 như: Chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia; Phát triển công nghệ cao; Đổi mới Công nghệ; Phát triển thị trường công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia,… chắc chắn trong thời gian tới, nhiều Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực KH-CN cũng như được vay vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của mình.
Với những khó khăn nêu trên, TS.Tạ Doãn Trịnh khẳng định, để thực hiện được đúng với kỳ vọng của Chiến lược đặt ra sẽ gặp không ít khó khăn. Trong thực tế, khi Bộ KH-CN đưa ra các đề xuất trọng dụng cán bộ KH-CN tài năng vẫn chưa có được sự đồng thuận từ nhiều phía. Bên cạnh đó cơ chế tài chính hiện hành chưa tạo được sự khác biệt để khuyến khích và trọng dụng những tài năng KH-CN.
Để phát triển nhân lực KH-CN, ngoài việc đãi ngộ về vật chất như lương, cơ chế thù lao đặc thù, nhà nước cần mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và trao quyền tự quyết hơn nữa cho các nhà khoa học, trước mắt là đối với các nhà khoa học học đầu ngành, các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng…TS Trịnh bày tỏ.
Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu đến năm 2020, KH-CN Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; Phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN trong một số lĩnh vực KH-CN. |