Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Các vấn đề về dân số - kế hoạch hóa gia đình hiện nay ở nước ta
(Ngày đăng: 05/02/2013)

Các yếu tố dân số cơ bản bao gồm: quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố, quản lý. Trong khi yếu tố phân bố và quản lý dân số là vấn đề có tầm vĩ mô do Nhà nước thực hiện, thì ngành y tế quản lý chủ yếu ba yếu tố đầu, đã từng bước khắc phục các khó khăn ổn định và thực hiện tốt các chỉ tiêu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu chỉ đạo
           Về quy mô dân số, chúng ta khá yên tâm khi thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản đến năm 2015, với chỉ tiêu dưới 93 triệu người vào năm 2015. Hiện nay nước ta có gần 88 triệu người; số tăng bình quân 900 ngàn người/năm; như vậy đến 2015, dân số Việt Nam dự báo sẽ dưới 92 triệu người, đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, mỗi tỉnh có tổng tỷ suất sinh (TFR) khác nhau, trong đó khu vực thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông và miền Tây Nam bộ có tổng tỷ suất sinh rất thấp, khoảng 1,6-1,8; trái lại khu vực Tây nguyên, Tây bắc và Đồng bằng sông Hồng có tổng tỷ suất sinh khá cao. Cho nên, trong khi mức giảm tỷ lệ sinh chung toàn quốc là 0,1‰, thì việc giao chỉ tiêu giảm sinh có khác nhau giữa các tỉnh. Sự khác biệt về việc giao chỉ tiêu giảm sinh giữa những tỉnh thấp và cao cách biệt gấp 50 - 70 lần. Có những tỉnh tại khu vực có tổng tỷ suất sinh rất thấp như miền Tây Nam bộ, trong đó có tỉnh Tiền Giang, chỉ tiêu giảm sinh trong năm 2013 là 0,05‰, là chỉ tiêu giảm rất ít, tức chỉ mang tính tượng trưng mà thôi.
 
Về cơ cấu dân số, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh hầu như không giảm tại các tỉnh có mất cân bằng giới tính cao trên 115 bé trai/100 bé gái. Tại Tiền Giang, kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 111 bé trai/100 bé gái. Liên tục từ năm 2010 đến nay tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh luôn dao động ở mức 111-113 bé trai/100 bé gái (tỷ số giới tính khi sinh bình thường từ 103-107 bé trai/100 bé gái). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do những quan niệm sai lầm, tâm lý chuộng con trai hơn vẫn thể hiện rõ trong đời sống xã hội Việt Nam. Phổ biến vẫn còn quan niệm có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ già. Chính sách dân số của Việt Nam hiện nay khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1-2 con, cộng với tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn đến nhiều gia đình muốn sinh ít nhất là một con trai. Tỷ số giới tính khi sinh tăng sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với dân số nói riêng và các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung. Tác động của sự chênh lệch này sẽ không dễ nhận thấy ngay, nhưng những năm tiếp theo sau sẽ gây ra tình trạng “nam thừa, nữ thiếu”. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. Tình trạng này sẽ diễn ra dần dần và càng về những năm sau thì số lượng nam thừa càng lớn. Hiện nay chúng ta vẫn thực hiện ba giải pháp chủ yếu để làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh là: (1) tăng cường tuyên truyền giáo dục cho người dân việc sinh con trai hay gái đều tốt, bỏ quan niệm “nam trọng, nữ khinh”; (2) có chính sách, chế độ với các gia đình sinh con một bề; (3) tăng cường thực thi pháp luật thông qua việc thanh kiểm tra và xử phạt các cơ sở công bố giới tính thai nhi.  Ngoài ra, về cơ cấu dân số hiện nay, nước ta phải làm sao để phát huy lợi thế dân số vàng trong một khoảng thòi gian ngắn để phát triển kinh tế trước khi bước vào giai đoạn già hóa dân số dự kiến khoảng 10 đến 15 năm nữa.
Về chất lượng dân số, chúng ta sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 03 mô hình là (1) tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; (2) sàng lọc trước sinh và (3) sàng lọc sơ sinh. Tại Tiền Giang và các tỉnh, các mô hình và các đề án nâng cao chất lượng dân số (như đề án Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ mới được thực hiện thử nghiệm ở một số huyện, xã do kinh phí phân bổ cho mảng công tác này còn hạn chế. Vì vậy số người thụ hưởng những lợi ích của chương trình chưa cao. Mỗi năm Tiền Giang có từ 23.000 - 25.000 trẻ được sinh ra, nhưng số trẻ em được thực hiện sàng lọc các bệnh lý chỉ từ 3.500 - 5.000 trẻ, chiếm tỷ lệ 15-20%. Nguyên nhân là do kinh phí để thực hiện các xét nghiệm này còn bao cấp, Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí để thực hiện xét nghiệm sàng lọc như: chi phí công lấy mẫu, xét nghiệm, hóa chất…Số bà mẹ được thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện những dị tật, khuyết tật… cũng chỉ chiếm khoảng 5% tổng số bà mẹ mang thai. Nguyên nhân là do hiện nay tuyến tỉnh chỉ siêu âm được hình thái học thai nhi, chưa thực hiện được các xét nghiệm theo quy trình sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh theo quy định của Bộ Y tế như: xét nghiệm double test, tripple test máu mẹ; xét nghiệm nước ối…Đối với mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ mới được triển khai ở huyện Tân Phú Đông là nơi có Đề án 52 của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình với số người dân tham gia chưa nhiều. Ngoài ra, về nâng cao chất lượng dân số, các tỉnh miền núi còn phải quan tâm giải quyết vấn đề tảo hôn khá phổ biến như hiện nay.
Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là mảng công tác khó khăn, phức tạp, tế nhị, lâu dài nhưng tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống mỗi người thông qua các chính sách của nhà nước cũng như tình hình ổn định xã hội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, tất cả mọi người hãy cùng quan tâm phối hợp thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình để cùng góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, hoàn thành mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
BS CKII Trần Thanh Thảo
Tin liên quan