Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Động lực để tiếp tục đổi mới: Quyết định là ở cán bộ lãnh đạo
(Ngày đăng: 29/05/2012)

(TuanVietNam)- "Lâu nay khái niệm công tác tổ chức cán bộ ở ta là công tác bí mật, bí mật cho đến giờ phút cuối cùng. Đã bí mật đến giờ phút cuối cùng thì khi ra Đại hội cứ thế mà bầu thôi. Do vậy, tới đây công tác cán bộ phải được công khai minh bạch, dân chủ sòng phẳng", nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương nêu vấn đề.

Từ trái qua:  Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan,  nguyên Phó Ban tổ chức Trung
ương Nguyễn Đình Hương và Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn.
Ảnh: Lê Anh Dũng.


TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa các bạn, lúc này tại trường quay Vietnamnet, chúng ta hân hạnh chào đón hai vị khách mời đã từng tham gia Bàn tròn trực tuyến với Vietnamnet, đó là nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương, đồng thời là nguyên Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương của Đảng.

Hôm nay, trong một giai đoạn mới của đất nước, chúng ta đang có những cơ hội và thách thức mới, một giai đoạn rất đặc biệt của dân tộc. Bạn đọc Vietnamnet rất đồng cảm khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương X vừa qua: Phải tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục đổi mới. Rất nhiều bạn đọc đã gửi thư, gọi điện thoại, gửi ý kiến hưởng ứng định hướng này của Tổng Bí thư. Và chúng tôi cũng lấy đó làm chủ đề cho buổi trực tuyến ngày hôm nay: Tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục đổi mới.

Thưa ông Vũ Khoan, vậy phải làm gì để chúng ta có thể tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục đổi mới cho đất nước trong giai đoạn hiện nay?

Ông Vũ Khoan: Đúng là đất nước ta đang bước vào một giai đoạn mới mang tính lịch sử vì chúng ta đang bước vào thập kỷ cuối cùng trong mục tiêu biến nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là một quá trình lâu dài, nhưng sẽ đưa đến những biến đối về chất của đất nước ta, từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp.

Với tầm vóc như vậy, làm sao để đạt được mục tiêu đó là mối quan tâm chung của tất cả chúng ta. Kinh nghiệm lịch sử cách mạng, kháng chiến và đổi mới đều cho thấy: Muốn đạt được những mục tiêu lịch sử như vậy thì không có cách gì khác là huy động mọi nguồn lực của dân tộc, mọi sức mạnh của con người.

Tôi nghĩ mục tiêu trong 10 năm tới đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì động lực chính, khâu đột phá chính vẫn phải là làm sao huy động được, khơi dậy được tính sáng tạo, lòng hăng say, niềm tin và sự đồng thuận của toàn dân tộc.

Đó là con át chủ bài của chúng ta để có thể đạt được mục tiêu mà chúng ta hướng tới.

« Nên để Đại hội trực tiếp bầu chọn lãnh đạo cấp cao »

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa ông Nguyễn Đình Hương, người đã nhiều năm làm việc liên quan đến tổ chức và con người, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan vừa nói phải làm sao để nguồn lực con người, nhân sự được động viên, tạo sự đồng thuận và tạo ra hào khí của đất nước, của xã hội. Vậy, theo ông, chúng ta phải làm thế nào để phát huy được cao nhất nguồn lực con người ?

Ông Nguyễn Đình Hương: Vấn đề lớn thứ nhất: mọi vấn đề đều quyết định ở cán bộ. Mỗi lần Đại hội Đảng, ngoài Văn kiện đại hội, Báo cáo chính trị cũng như sửa đổi Điều lệ Đảng thì việc quan tâm nhất của toàn Đảng, toàn dân, và của đại hội đều tập trung vào vấn đề nhân sự. Có hai đại hội khiến tôi nhớ nhiều nhất:

Đại hội VI- Đại hội Đổi mới, quyết định sự nghiệp Đổi mới của đất nước và cần những người có quyết tâm Đổi mới, không thể cứ bảo thủ trì trệ mãi.

Đại hội thứ hai là Đại hội VIII- đại hội chuyển tiếp cán bộ lãnh đạo một cách cơ bản. Tại đại hội này, 3 đồng chí lãnh đạo cao nhất là Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt được mời làm cố vấn, và chuyển giao cho một thế hệ mới. Đấy là một bước ngoặt! Lúc đó đồng chí Phạm Văn Đồng đã có một bài phát biểu về việc chọn nhân sự. Tôi còn nhớ một câu: Khi giao một bó đuốc cho một người, một tập thể, một Bộ chính trị, một Ban chấp hành trung ương để lãnh đạo đất nước đi lên, thì bó đuốc đó phải sáng hơn, phải sáng rực để động viên toàn đảng, toàn dân.

Tới đây, để có thể tìm ra được nhân tài để giao việc nước, Đại hội XI phải được thực hiện một cách dân chủ, dân chủ thực sự, dân chủ trực tiếp. Dân chủ đó gồm 4 điều:

- Đối mới cách làm của đại hội thì mới chuyển biến được, mới có thể tìm ra người có tài có đức để giao việc.

- Dựa vào ý kiến của toàn đảng, toàn dân để chọn ra được những người xứng đáng, đủ tin cậy để toàn đảng, toàn dân gửi gắm trọng trách gánh vác sự nghiệp đổi mới đất nước đi lên.

- Có số dư trong bầu cử, chọn nhân sự. Tất cả các Ủỷ viên Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương, kể cả thường vụ tỉnh uỷ bên dưới, kể cả các vị chủ chốt cũng nên có số dư. Có thế mới để cho toàn Đảng, trước hết là Ban chấp hành Trung ương lựa chọn ai là người xứng đáng nhất và vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta.

- Phải để Đại hội trực tiếp bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban bí thư. Ở tỉnh, Đại hội trực tiếp bầu Bí thư và thường vụ. Đó là một cơ chế rất mới. Lúc đó đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Đoàn Chủ tịch đề nghị với Đại hội cho phép đến đại hội XI sẽ giao cho Ban chấp hành Trung ương nghiên cứu để thực hiện cơ chế này.

Vấn đề lớn thứ hai: Có một cái dở là chúng ta làm quy hoạch từ bên dưới chứ không quy hoạch từ bên trên. Trung Quốc họ đã công bố danh sách 5 người của thế hệ thứ 6 rồi. Ở ta, tỉnh, huyện và ngành đều có quy hoạch rồi, nhưng với cấp Trung ương thì chưa có quy hoạch. Cho nên cứ mỗi lần Đại hội là một lần khó khăn cho việc xác định vai trò chủ chốt của Đảng và Nhà nước, nhất là các thành viên Bộ chính trị và những người đứng đầu đất nước.

Vấn đề lớn thứ ba: Tiêu chuẩn đức tài đối với từng chức danh một là thế nào. Phải cụ thể Bí thư tỉnh uỷ có những tiêu chuẩn gì, Bộ chính trị cần tiêu chuẩn gì, trung ương phải tiêu chuẩn gì, Tổng bí thư cần tiêu chuẩn gì… Không thể gộp từ Tổng bí thư đến cán bộ xã đều cùng những tiêu chuẩn đức tài như nhau rất không chuẩn xác.

Chúng ta có thể chọn nhân sự sai ở một vài tỉnh, một vài bộ nhưng nếu chọn ở cấp chiến lược, cấp Trung ương mà chọn sai thì hậu quả rất ghê gớm. Vì thế tôi cho rằng, những người được chọn vào Bộ chính trị, những người đứng đầu Đảng và Nhà nước phải đáp ứng 4 tiêu chuẩn:

- Bản lĩnh chính trị - giữ vững độc lập chủ quyền, giữ vững định hướng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;

- Phải có trí tuệ ;

- Phải có đạo đức ;

- Và phải biết dựa vào dân, phải nghe dân, phải phát huy trí tuệ của dân.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cám ơn ông Nguyễn Đình Hương. Cũng vấn đề như vậy, thưa ông Vũ Khoan, làm thế nào chúng ta có thể phát huy tổng lực nguồn lực của nhân dân như ông vừa nói, tức là về nguồn lực con người?

Ông Vũ Khoan. Ảnh Lê Anh Dũng

Ông Vũ Khoan: Xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội công nghiệp đòi hỏi phải có con người công nghiệp chứ không thể là con người nông nghiệp. Trong một xã hội hiện đại mà con người lạc hậu thì làm sao có thể làm cho xã hội tốt lên được. Vì vậy tôi cho rằng nhiệm vụ hàng đầu là phải tạo ra được nguồn nhân lực tương xứng với một xã hội công nghiệp và hiện đại.

Mục tiêu phải chú trọng đến lĩnh vực giáo dục là đúng, nhưng chưa phải là tất cả. Giáo dục phải được hiểu theo nghĩa rất rộng là giáo dục 90 triệu con người Việt Nam thành những con người của xã hội công nghiệp và hiện đại. Đồng thời phải tạo được động lực để tất cả mọi người hăng say hướng tới một mục tiêu chung.

Nếu chỉ là những chủ trương chung chung mà không tạo ra được sự đồng thuận, không tạo được niềm tin, động lực của toàn xã hội thì sẽ rất khó thực hiện. Muốn vậy thì phải có những cơ chế mang tính đột phá để huy động được lực lượng đó. Chúng ta nhớ là hồi đổi mới, những cái khoán trăm khoán mười chính là những động lực huy động được tất cả mọi người.

Tôi cho rằng, khi nói đến con người thì không chỉ nói đến lãnh đạo, không chỉ nói đến cán bộ mà phải nói đến toàn thể xã hội, toàn thể đội ngũ Đảng viên, làm sao những con người ấy thích ứng được với một xã hội mới là một xã hội công nghiệp, và một nền văn minh mới là một nền văn minh hiện đại. Phải hiểu theo nghĩa rộng như vậy chứ không nên giới hạn trong vấn đề trình độ giáo dục, trình độ chuyên môn hoặc là trình độ chính trị chung chung mà phải thay đổi một cách toàn diện thì mới có thể thích ứng được.

Chúng ta cũng đã đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường nhưng chưa dự báo được hết những tác động của kinh tế thị trường. Bây giờ chuyển sang một giai đoạn mới là công nghiệp hoá chúng ta cũng chưa bàn sâu xem công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ đặt ra những vấn đề gì đối với con người. Sắp tới phải suy nghĩ thật kỹ về khía cạnh này và có những biện pháp thích ứng thì mới có thể có một nguồn lực xứng đáng với nhiệm vụ.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Mọi người cũng nói nhiều đến việc phải giải phóng cơ chế, và ông cũng đã đề cập đến. Còn nhớ, tại bàn tròn trực tuyến hồi đầu năm nay, chúng ta cũng đã nói đến chuyện giải phóng cơ chế để giải phóng sức sáng tạo của con người. Nhưng bây giờ, khi chúng ta chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, theo ông chúng ta cần làm những việc cụ thể gì, cần tháo gỡ ngay những cơ chế gì ?

Ông Vũ Khoan: Thứ nhất, chúng ta đã chuyển sang mô hình kinh tế nhiều thành phần. Đây là một bước tiến rất dài, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào sự phát triển của đất nước. Nhưng trong thực thi, chủ trương này vẫn còn không ít những vấn đề tồn tại, vướng mắc, cản trở, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.

Mặc dù đã chủ trương gỡ bỏ cơ chế độc quyền nhưng vẫn chưa được như mong muốn, còn nhiều vướng mắc làm triệt tiêu động lực của thành phần này hay thành phần khác trong sự phát triển chung. Đó là một khía cạnh mà tôi nghĩ là cơ chế cần phải thay đổi một cách rất quan trọng.

Thứ hai, để tạo ra động lực ấy thì hệ thống giáo dục phải được đổi mới một cách cơ bản, toàn diện. Thực ra với nước ta nguồn tài nguyên cũng không có nhiều, thế mạnh của chỉ là con người. Nhưng tình hình vừa qua cho thấy giáo dục của chúng ra tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn quá nhiều khiếm khuyết, quá nhiều tồn tại và hoàn toàn chưa đáp ứng được thời kỳ đất nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chưa đáp ứng được thời kỳ chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Việc đổi mới một cách toàn diện hệ thống giáo dục là một biện pháp cụ thể và cấp bách. Kể ra, chúng ta cũng đã cải tiến mặt này mặt khác, khâu này khâu khác, nhưng chưa thấy một bức tranh tổng thể để thay đổi nền giáo dục cho đổi mới.

Thứ ba, tạo động lực con người phải bằng các vấn đề xã hội. Chúng ta phát triển, công nghiệp hoá hiện đại hoá gì đi chăng nữa cuối cùng cũng là để phục vụ con người. Nếu chúng ta phát triển công nghiệp nhưng chất lượng cuộc sống là không cải thiện thì cũng không phải là mục tiêu của chúng ta. Do vậy phải nâng cao phúc lợi cho người dân, đặc biệt về giáo dục và y tế. Nếu không giải quyết được các vấn đề xã hội thì khó bề phát triển được một cách mạnh mẽ vì theo khái niệm hiện đại về công nghiệp hoá thì đi đôi với sản xuất luôn luôn là vấn đề xã hội.

Đó là ba khâu có ý nghĩa quyết định trong việc chúng ta có thực hiện được không mục tiêu biến nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Quay trở lại những vấn đề như ông Nguyễn Đình Hương đã nêu là chúng ta cần phải dân chủ thực sự trong Đại hội này nhằm phát huy và khơi dậy mọi khả năng trong Đảng và trong dân tộc. Thực ra Đảng ta đã đưa ra các tiêu chí, khẩu hiệu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" và Đảng cũng luôn quan tâm phát huy dân chủ, vậy tại sao đến bây giờ chúng ta vẫn còn phải bàn về dân chủ ở trong Đảng?

Ông Nguyễn Đình Hương. Ảnh Lê Anh Dũng 

Ông Nguyễn Đình Hương: Nói vấn đề dân chủ trong Đảng thì rộng và có nhiều vấn đề, nhưng nói riêng vấn đề nhân sự thì chứng kiến nhiều Đại hội, tôi thấy cách làm nhân sự thế này là chưa dân chủ. Ở ta, tôi cho là cách làm phải đối mới mạnh dạn thì mới thực hiện được cơ chế dân chủ.

Lâu nay, nhân sự được dự kiến sẵn rồi đưa ra lấy ý kiến, mà kinh nghiệm là khi trên đã đề xuất thì ra Trung ương, ra Đại hội dễ có sự nhất trí thông qua. Thực ra đó cũng là một cách làm dân chủ, nhưng chưa đủ, dân chủ chưa thực sự. Do vậy, cần phải đổi mới cách làm, phải làm từ dưới lên thay vì làm từ trên xuống. Vừa rồi nhiều nơi muốn có cơ chế dân chủ trực tiếp là thế. Và Đà Nẵng đã đề xuất để nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch thành phố.

Không những vậy, lâu nay khái niệm công tác tổ chức cán bộ ở ta là công tác bí mật, bí mật cho đến giờ phút cuối cùng. Đã bí mật đến giờ phút cuối cùng thì khi ra Đại hội cứ thế mà bầu thôi. Do vậy, tới đây công tác cán bộ phải được công khai minh bạch, dân chủ sòng phẳng.

Vẫn biết, chúng ta chưa thể thí điểm việc nhân dân bầu Chủ tịch, nhưng rồi đây nếu Đại hội toàn Đảng bầu Tổng bí thư, bầu Bộ chính trị thì tôi cho đó là cơ chế dân chủ được đổi mới, chứ không phải chỉ có ban chấp hành bầu. Cho nên đổi mới cách làm rất quan trọng.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Trần Việt Hưng ở Hà Nội hỏi trực tiếp Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Xin chào chú Vũ Khoan, rất vui hôm nay lại gặp chú trên trực tuyến. Theo chú thì công tác cán bộ có cần phải minh bạch, công khai trong ngày hôm nay không? Cháu cảm giác rằng công tác cán bộ bí mật là trong thời chiến, chúng ta phải bảo vệ cán bộ, không muốn lộ bí mật về cán bộ cho kẻ địch biết. Nhưng ngày nay chúng ta đang hoà bình và đất nước đang đổi mới như thế, người dân hừng hực khí thế như thế mà chúng ta lại phải bí mật? Ý kiến của chú thế nào?".

Ông Vũ Khoan: Đúng là công tác cán bộ trong thời bình và thời chiến là khác nhau. Nhưng truyền thống của chúng ta là các vấn đề cán bộ được bàn rất là kỹ nhưng trong phạm vi hẹp, không công bố công khai vì trong giai đoạn chuẩn bị như vậy cũng còn nhiều ý kiến này ý kiến khác rất khác nhau, những đánh giá cũng khác nhau, thế nên cứ để bàn cho kỹ, cho chín, cho đầy đủ đi đã rồi mới đưa ra danh sách để bầu.

Việc sửa đổi như thế nào cũng cần tính toán trong tình hình mới chứ không thể cứ duy trì một cách chưa thoả đáng lắm, vì cán bộ chính là người sẽ chịu trách nhiệm trước một tập thể rất đông, thậm chí là trước toàn Đảng, toàn dân thì phải có ý kiến của những người được quản lý, được lãnh đạo. Đó là xu thế tất yếu phải tiến tới.

Nhưng theo quan điểm riêng của tôi thì mọi thứ trên đời này đều phải có những bước đi từng bước. Vừa rồi cũng có ý định bầu Chủ tịch xã nhưng cân nhắc đi cân nhắc lại thì cũng chưa tiến hành. Tôi nghĩ đó là hướng phải đi nhưng phải có những bước đi cần thiết chứ không phải ngay một lúc có thể làm được mọi thứ. Cả một truyền thống lâu dài thì thay đổi một lúc cũng không phải là chuyện dễ dàng.

"Trong công tác cán bộ, càng dân chủ càng chính xác"

TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng ở Nghệ An gửi câu hỏi tới ông Nguyễn Đình Hương: "Cháu chào bác Nguyễn Đình Hương, cháu cùng quê với bác. Thưa bác, lâu nay các cụ ta thường nói chỉ có ma quỷ mới sợ ánh sáng. Vậy thì tại sao chúng ta không đưa tất cả ra ánh sáng. Ví dụ, việc bầu chọn cán bộ như ở Nghệ An chẳng hạn, tại sao không được đưa ra để người dân, soi xét, đánh giá, bình chọn. Như vậy đỡ có sai số, đỡ mất uy tín của Đảng, đỡ thiệt hại cho đất nước?".

Ông Nguyễn Đình Hương: Câu hỏi của bạnHùng rất thực tiễn, rất thực tế và là sự băn khoăn của số đông Đảng viên, cán bộ và kể cả của nhân dân. Bởi vì cái khao khát đòi hỏi dân chủ trong công tác cán bộ, trong công tác xây dựng Đảng là một nguyện vọng rất tha thiết và chính đáng.

Tôi làm tổ chức mấy khoá thì thấy rằng, cứ gần đến đại hội là cứ có đơn tố cáo, có đơn kiện về ông này bà kia. Kinh nghiệm cho thấy phải phân ra hai loại. Một loại có ý thức xây dựng, những ý kiến đóng góp đó là vì dân vì nước, vì quyền lợi của dân tộc, họ không muốn đưa những người không đủ tiêu chuẩn vào giữ một vị trí lãnh đạo. Nhưng trong thực tiễn, tôi thấy có một vài trường hợp, khi có dư luận khi quần chúng có nhiều ý kiến nhưng trên tiếp thu chưa chuẩn, cố đưa vào, chẳng bao lâu người đó bị kỷ luật. Đó là lỗi do trên chưa biết lắng nghe.

Tuy nhiên, cũng có không nhiều trường hợp là sự ghen tị, mặc cảm, vu khống, bịa đặt với ý đồ xấu, xuất phát từ động cơ cá nhân, cơ hội, do vậy cũng phải tỉnh táo để loại trừ.

Trong công tác cán bộ, càng lấy ý kiến rộng rãi, càng dân chủ thì càng chính xác. Càng dân chủ, càng tổ chức lấy ý kiến của nhiều người thì nhân tài càng bộc lộ. Sắp tới đây, chúng ta thực hiện nghị quyết của Hội nghị Trung ương IX về vấn đề chiến lược nhân tài của đất nước. Tôi cho nếu không có một cơ chế phát hiện đúng, không có cơ chế dân chủ để phát huy tinh thần xây dựng và ý thức của toàn đảng toàn dân thì chúng ta không thể có những nhân tài tốt được.

Đã có lần tôi nói đùa với một số đồng chí lãnh đạo rằng: «đồng chí Tư Sang vào Bộ chính trị khi mới 47 tuổi, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng cũng vào Bộ chính trị năm 47 tuổi. Bây giờ trong thực tế cuộc sống, cũng có những người trạc tuổi 47 - 50 tuổi cũng không kém các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm cả về tầm nhìn, cả về đạo đức và lối sống. Chúng ta phải mạnh dạn, phải tìm ra những nhân tài như vậy.

Tôi rất tâm đắc với một ý kiến của đồng chí Lê Đức Thọ là: "Phải lắng nghe nhiều tai, nhiều chiều thì mới tìm ra được chân lý, tìm ra được con người đúng của Đảng và của đất nước mình".

Tuanvietnam.net
Tin liên quan