Khởi công xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với nguồn vốn 54,4 tỷ yên là một trong những dự án lớn về khoa học công nghệ của Việt Nam trong 30 năm qua. Nó không chỉ khởi đầu cho bước tiến mới trong lịch sử ngành công nghệ vũ trụ nước nhà mà còn khởi đầu cho hợp tác chiến lược Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Đây là một trong những sự kiện nổi bật của khoa học công nghệ năm 2012. | |
Vệ tinh tự chế đầu tiên của Việt Nam bay vào vũ trụ. Ảnh: giaothongvantai.com.vn |
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2020 và sẽ là Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Trung tâm này sẽ đảm trách công việc như làm chủ công nghệ, tự thiết kế, lắp ráp thử nghiệm, điều khiển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ radar hiện đại; xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm họa môi trường…
Ghép Tế bào gốc tạo máu (Ghép tủy) hiện nay được coi là phương pháp điều trị tốt nhất và có thể đưa lại cơ hội sống cho những bệnh nhân bị mắc các bệnh lý huyết học, nhất là các bệnh ung thư máu đã kháng với các phương pháp điều trị thông thường. Trong 6 năm trở lại đây, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiến hành ghép thành công cho 62 ca bệnh. Chỉ riêng năm 2012 vừa qua đã ghép được cho 22 bệnh nhân, trong đó có 13 bệnh nhân được ghép tự thân và 9 bệnh nhân được ghép đồng loại. Đặc biệt trong đó bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần (sinh năm 1987), tác giả của cuốn tự truyện như hoa Hướng Dương, một cô gái trẻ đã phải chống đỡ trong 7 năm với bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, mặc dù đã điều trị nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Bệnh nhân được chỉ định ghép nhưng rất khó khăn vì kèm thêm nhiễm viêm gan C và không hoàn toàn phù hợp HLA với người hiến. Tuy nhiên với nỗ lực của ê kíp các Y Bác sĩ, sau ghép được 3 tháng (đến thời điểm 12/2012), các xét nghiệm máu đã ổn định, bệnh nhân Diệu Thuần đã dần hồi phục sức khỏe và đã dần trở về cuộc sống bình thường. Có thể nói việc ghép thành công cho bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần đã ghi dấn ấn quan trọng cho khoa học Việt Nam trong năm 2012.
Một trong những sự kiện thu hút được sự quan tâm của giới khoa học công nghệ, chính là việc thủy điện Sơn La hoàn thành trước 3 năm so với kế hoạch, làm lợi cho Nhà nước 30 nghìn tỷ đồng. Mấu chốt sự thành công của thủy điện Sơn Là nằm chính ở công nghệ thiết kế đập cùng hàng loạt sáng kiến khoa học công nghệ mới lần đầu tiên ứng dụng. Trong đó, nổi bật nhất là công nghệ đập bê tông đầm lăn (RCC). Các hạng mục thiết bị cơ khí thủy công như cửa van, đường ống áp lực, thiết bị cẩu, nâng hạ… trước đây phải nhập toàn bộ của nước ngoài thì nay nhiều công ty trong nước tự thiết kế và chế tạo… Bên cạnh đó, các đơn vị thi công còn khoan đào đường hầm với chiều dài và đường kính lớn, lắp đặt và hiệu chỉnh tua bin, máy phát, tổ hợp, hàn nổi ghép và lắp đặt đường ống áp lực đường kính lớn, chịu áp cao…
Sự kiện đáng chú ý nữa đó là sau 15 năm hiện diện và đưa vào khai thác, internet ở Việt Nam đã phát triển với những thành tựu to lớn. Việt Nam được xếp hạng 18/20 quốc gia có số người dùng internet lớn nhất thế giới. Tính đến quý I/2012 con số này là 32,4 triệu người, chiếm tỷ lệ 34,1% dân số Việt Nam và bằng 1,4% dân số thế giới. Hiện nay, tất cả các tổ chức trong bộ máy Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học và nhiều gia đình, cá nhân đều kết nối khai thác tài nguyên thông tin trên internet để phục vụ hoạt động của mình.
Điều đặc biệt của khoa học công nghệ trong năm 2012, đó là việc, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Với quan điểm phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp, Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu chính: Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, còn có Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 (ban hành ngày 11/4); Ngày 6/12, Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Công ty Busaco đoạt Giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương; Thuốc Cedemex phát huy hiệu quả trong hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy; Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được bình chọn là sự kiện tiêu biểu của khoa học công nghệ 2012.