Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Cần tuân thủ đúng quy trình nuôi để có vụ tôm thắng lợi
(Ngày đăng: 13/01/2013)

Chỉ còn vài ngày nữa là vụ tôm chính vụ năm 2013 lại bắt đầu, do đó thời điểm này bà con nuôi tôm các tỉnh ĐBSCL đang tất bật cải tạo ao đầm và tìm nguồn tôm giống chất lượng cao để chuẩn vụ nuôi mới. Để thắng lợi vụ nuôi này, bà con nuôi tôm cần chú ý tuân thủ đúng quy trình nuôi.
Cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi để giành thắng lợi trong vụ tôm nước lợ năm 2013 (ảnh chụp tại xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang)

Giai đoạn trước khi thả giống

Việc chuẩn bị ao nuôi trước khi thả giống là yếu tố quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Để thực hiện tốt khâu này, trước hết cần tháo cạn nước, bắt sạch các loại tôm cá còn sót lại trong ao. Kế đến, vét bớt lớp bùn đáy ao, tu sửa bờ ao, kiểm tra hệ thống cống, hệ thống kênh cấp, thoát nước và sửa nền đáy ao. Cuối cùng là bón vôi bột với liều lượng sử dụng từ 70-100 kg/1000 m2, bừa san cho phẳng đáy và làm cho vôi ngấm vào bùn đáy, phơi nền đáy đến khô trước khi lấy nước vào.

Lấy nước và xử lý nước, khâu này bắt buộc cơ sở nuôi phải có ao chứa lắng. Trước khi cho nước vào ao nuôi 15 ngày, lấy nước ngoài kênh cấp vào ao chứa qua túi lọc nhằm loại bỏ rác, các loại tôm cá tạp, côn trùng và để 3-4 ngày cho lắng trong. Kế đến, cho chạy quạt nước để kích thích cho trứng giáp xác, nhuyễn thể, tôm cá tạp lọt vào nở thành ấu trùng. Dùng chlorine hoặc iodine nồng độ 30ppm để diệt tạp trong ao lắng. Tiếp tục quạt nước trong 7-10 ngày, sau đó cấp nước vào ao nuôi (qua túi lọc) đã được cải tạo kỹ. Lưu ý, không diệt tạp trong ao nuôi khi đã lấy nước.

Sau khi cấp nước vào ao 2 ngày, tiến hành gây màu nước bằng chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất (không dùng phân vô cơ để giảm sự phát triển của tảo độc) hoặc có thể dùng cám gạo, bột đậu nành ủ men bánh mì tạt xuống ao với lượng 20-30 kg/10.000m3 nước vào lúc 9-10 giờ sáng. Đến ngày thứ 11 tiến hành xử lý Dolomite liều lượng 15-20ppm liên tục từ 2-3 ngày để tăng hệ đệm trong ao nuôi.

Chọn giống, cần chọn mua tôm giống của các cơ sở có uy tín, giống qua xét nghiệm PCR không nhiễm các loại bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, IMNV,… Bên cạnh đó, có thể kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách sốc độ mặn bằng cách hạ độ mặn xuống dưới 10‰ ở nhiệt độ 20oC (dùng nước đá để hạ nhiệt độ) cho khoảng 100 tôm giống vào, sau 1 giờ kiểm tra tỷ lệ sống nếu sống > 80% là giống khỏe, chất lượng tốt.

Tôm sú nuôi thâm canh có thể thả mật độ 15-20 con/m2; nuôi bán thâm canh 8-14 con/m2; nuôi quảng canh cải tiến 5-7 con/m2. Tôm chân trắng có thể thả nuôi 80 - 100 con/m2. Tôm giống nên thả xuống ao vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát và tuân thủ các thao tác thả, tránh cho tôm nuôi bị sốc môi trường.

Thức ăn và quản lý thức ăn, để giảm chi phí nên chọn thức ăn có hệ số thấp và độ đạm thấp hơn 35%, không sử dụng loại thức ăn chứa Ethoxyquin. Dựa trên tổng khối lượng tôm có trong ao để xác định được lượng thức ăn hằng ngày. Trong tình trạng bình thường tôm cỡ 1-5 g cho ăn 7-10 % khối lượng thân.; tôm 5- 10 g cho ăn 4-7% khối lượng thân; tôm 10-20 g cho ăn 3-4% khối lượng thân.

Quản lý môi trường ao nuôi

Sau khi thả tôm được 10 ngày thì bắt đầu cho thức ăn vào sàng để tôm làm quen sau này dễ kiểm tra. Theo dõi cường độ bắt mồi hàng ngày và mỗi cử cho tôm ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cần tăng lượng thức ăn sau khi tôm lột vỏ và giảm lượng thức ăn trong giai đoạn tôm lột xác. Bên cạnh đó, tùy theo sự biến động thời tiết và môi trường nuôi điều chỉnh tăng giảm thức ăn cho phù hợp. Bổ sung chất tăng hệ miễn dịch, phòng bệnh do virus bằng cách sử dụng các loại vitamin, khoáng, ...

Hàng ngày đo độ mặn, pH, COD,… khi pH không phù hợp dùng vôi bón xuống ao để điều chỉnh môi trường; nếu độ mặn dưới 17‰ thì điều chỉnh pH từ 8,4-8,5; nếu độ mặn trên 17‰ thì điều chỉnh pH giảm dần xuống từ 8,2-8,3; nếu độ mặn cao bằng 25‰ thì điều chỉnh bằng 7,7 -7,8.

 Nếu độ mặn giảm đột ngột do mưa thì phải điều chỉnh nước từ ao lắng dự trữ hoặc bổ sung muối hột. Khi thấy nhiệt độ đáy ao tăng cao (vọt trên 340C) thì giảm thức ăn, tăng cường chất đề kháng (chủ yếu là vitamine C) và tăng chạy quạt nước, sục khí; nếu nhiệt độ đáy ao giảm xuống dưới 240C, có hiện tượng tôm vùi đầu, phải giảm thức ăn và tăng đề kháng ngay.

Quản lý chất lượng nước, trước hết cần quản lý chất lượng đáy ao, nếu đáy ao bẩn làm ảnh hưởng đến pH, độ kiềm, oxy hòa tan, khí độc, sinh vật đáy, tảo và xuất hiện các bệnh như vàng mang, đen mang, đóng rong, ... Bên cạnh đó, cần duy trì ổn định sự phát triển của tảo, quan sát màu nước trong ao nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời và phù hợp. Trong quá trình nuôi nên hạn chế thay nước và sử dụng hóa chất diệt khuẩn.

Chỉ nên thay nước khi các yếu tố thủy hóa trong ao nằm trong khoảng không thích hợp, đặc biệt khi pH dao động trong ngày lớn hơn 0,5. Cần tăng cường độ sâu mực nước trong ao theo thời gian từ 1,0-1,4 m nhằm ổn định môi trường, tạo độ thông thoáng cho tôm di chuyển trong ao, hạn chế sự phát triển thực vật của đáy ao. Đối với những ao độ kiềm thấp hơn 60 mg/lít nên sử dụng thường xuyên vôi nông nghiệp liều 15-20 kg, 7-10 ngày/lần. Đặc biệt những ngày có mưa, thời tiết thay đổi cần tăng cường sử dụng.

Đối với ao có tảo phát triển quá mạnh, pH tăng cao vào buổi chiều, trước tiên nên thay nước tối thiểu 30%, sau đó dùng đường cát 2-3 kg/1.000 m2, hòa tan tạt đều ao vào lúc 9-10 giờ sáng và mở máy quạt, sục khí. Dùng chế phẩm sinh học định kỳ trong suốt vụ nuôi để làm sạch nước, phân hủy các chất hữu cơ, chất thải thức ăn, phân tôm, kìm hãm khí độc NH3, H2S, ... Trước khi thu hoạch cần có hợp đồng với cơ sở thu mua để thu hoạch gọn.

 

KS Nguyễn Quang Trí, Chi cục thủy sản TG
Tin liên quan