Những năm gần đây, ông Lê Phước Lộc, xã An Hữu, huyện Cái Bè đã sáng tạo ra nhiều loại máy móc, công cụ giúp người nông dân làm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh tiết kiệm được nhiều công chăm sóc và thu hoạch. Đồng thời, sản phẩm của ông cũng góp phần tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành các loại nông sản. Mới đây, ông Lộc cho ra "lò" sản phẩm mới mang tên máy dập lổ màng phủ nông nghiệp. | |
Chiếc máy dập lổ màng phủ nông nghiệp do nông dân Lê Phước Lộc sáng chế đã được nông dân tiếp nhận. |
Cái máy dập lổ...
Kỹ sư "chân đất" Lê Phước Lộc xuất thân từ người nông dân tay lắm chân bùn, học hành chưa đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, ông có ý chí phấn đấu và sáng tạo trong công việc. Bằng chứng là ông cho ra đời nhiều sản phẩm "độc" trong vài năm trở lại đây. Dẫn chúng tôi tham quan nhà xưởng, ông Lộc tâm sự: "Thấy bà con nông dân mình cực nhọc quá mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu. Từ đó, tôi có nguyện vọng sẽ sáng tạo nông cụ để phục vụ hữu ích cho sản xuất nông nghiệp". Chỉ vào cái máy màng phủ nông nghiệp vừa mới ra lò "nóng hổi", ông Lộc nói: "Từ lời hối thúc của một chủ đại lý vật tư nông nghiệp mà tôi đã sáng chế ra được chiếc máy này. Vì màng phủ nông nghiệp của nhà sản xuất đưa ra không được dập lổ trước. Trong khi, người nông dân yêu cầu phải được dập lổ để đáp ứng nhanh hơn trong công việc và tiết kiệm thêm chi phí".
Theo ông Lộc, người trồng dưa yêu cầu khoảng cách của mỗi lổ phải rộng khoảng 0,5 m; còn người trồng ớt lại muốn 0,3 m nhưng lệch bên trái, còn người trồng cà thì muốn lệch sang bên phải. Vì vậy, đòi hỏi trục dập lổ phải được cơ động và có thể di chuyển theo đơn đặt hàng của nông dân. Chiếc máy được thiết kế bằng những thanh sắt lá, dây cu-roa, dây xích, bánh lăn, moteur điện... Mỗi giờ, máy có thể dập được hàng ngàn lổ. Chi phí và công sức lắp ráp cho 1 chiếc máy khoảng 10 triệu đồng. Ông tính bán ra giá 15 triệu đồng/1 máy.
Ông Lộc cho biết thêm, hiện nay, có rất nhiều nơi đặt hàng nhưng ông chỉ có thể đáp ứng khoảng 5-6 cái thôi. Hiện, sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận độc quyền cho ông Lê Phước Lộc.
Hàng loạt sản phẩm "Made in Việt Nam"
Tham quan vườn cây ăn trái, ông lần lượt lấy từng công cụ do mình sáng chế ra dẫn chứng cho chúng tôi thấy. Ông vừa thực hành, vừa nói: "Vì nhu cầu của nông dân, tôi mới chế ra cây kéo dài 1,5 - 3m này để thu hoạch trái cây và tỉa những cành vô hiệu ngoài tầm với, trên cao và xa ngoài mé mương; tỉa cành có đường kính từ 10mm trở xuống, cắt bỏ những trái da cám, đèo sẹo để tập trung dinh dưỡng nuôi những trái còn lại đạt tiêu chuẩn thị trường và đem lại nguồn thu lớn cho bà con nông dân. Còn vợt hứng trái và kềm kẹp bên dưới lưỡi kéo, khi cắt đưa kéo lên cuống trái, tay phải bóp tay bóp của kéo, lưỡi và kẹp sẽ kẹp cuống trái đem xuống bỏ vô giỏ rất êm ái mà không trầy xước, đặt biệt là không làm hao hụt trái mãng cầu khi chín; thu hoạch 100% cho cam, quýt, bưởi, chôm chôm, vú sữa...". Tóm lại, cây kéo cắt tỉa đa năng của ông Lộc sử dụng được rất nhiều động tác trên cây ăn trái và được biết đến trên thị trường cả nước. Hai sáng chế cần bao trái và vòi phun nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận và cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho từng loại.
Tất cả các sản phẩm này đều đáp ứng nhu cầu canh tác của nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trong sản xuất mà không cần phải chọn công cụ ngoại nhập. Ông Lộc tâm sự: "Người sản xuất trong nước đang đối mặt với sự cạnh tranh không kém phần ác liệt của các hàng nhập khẩu từ các quốc gia có trình độ công nghiệp cao. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư ý tưởng ngay từ người sáng tạo ra sản phẩm, liên kết các nhà sản xuất vừa và nhỏ để thành lập công ty mang sản phẩm của Việt Nam".
Với những "phát minh" của mình, nhiều năm qua, ông Lộc vinh dự nhận được hàng loạt giấy chứng nhận, giấy khen và bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, UBND huyện Cái Bè, UBND tỉnh và mới đây là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lộc cho biết, trong năm 2012, ông sản xuất được 13.000 cây kéo tỉa, 500 cần bao trái, 1.000 vòi phun nước. Tổng lợi nhuận trên 400 triệu đồng.