Ngày 4/12/2012, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo sản xuất cây ăn trái theo GAP. Hội thảo có sự tham gia của trên 300 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội làm vườn VN, Hiệp hội Rau Quả VN, một số doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp và nông dân trồng cây ăn trái của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và miền Đông Nam Bộ. | |
PGS.TS. Mai Thành Phụng, Trưởng Bộ phận thường trực TTKNQG phía Nam phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Mai Thành Phụng, Trưởng Bộ phận thường trực TTKNQG phía Nam cho rằng Nam bộ là vùng cây ăn trái trọng điểm của cả nước. Tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng năm 2011 ước đạt 415.800 ha, sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn (chiếm 53,2% diện tích, 57% về sản lượng so cả nước), trong đó, ĐBSCL chiếm diện tích 288.268 ha. Sản xuất cây ăn trái giữ vai trò quan trọng trong ngành trồng trọt của nhiều địa phương trong vùng, đặc biệt sản xuất trái cây an toàn theo GAP ngày càng được chú trọng đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị sản phẩm và thuận lợi hơn trong việc lưu thông phân phối. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của Cục Trồng trọt chỉ có 0,14% cây ăn trái đạt GAP, trong đó có những mô hình thành công và có những mô hình chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Tại hội thảo, PGS.TS. Mai Thành Phụng đã điểm lại một số mô hình thành công điển hình như: Mô hình sản xuất thanh long ở Bình Thuận có hơn 7.000 ha/18.600 ha được chứng nhận VietGAP, trong đó có hơn 500 ha được Công ty của Mỹ sang kiểm tra thực địa và hợp đồng mua; Mô hình sản xuất bưởi Da xanh ở Bến Tre có khoảng 38 ha sản xuất theo quy trình VietGAP được chứng nhận gắn kết được với thị trường trong nước, đưa đi tiêu thụ nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, hiện giá bán rất cao và không đủ hàng để tiêu thụ nội địa; Mô hình Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc của Tiền Giang có 11 ha sản xuất theo quy trình VietGAP được chứng nhận; Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có 21 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; Các mô hình sản xuất cây ăn trái được chứng nhận khác: chôm chôm Java (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long), nhãn tiêu da bò (Tiền Giang, Bến Tre), quýt Hồng (Đồng Tháp) đang phát huy hiệu quả trong việc đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu thụ.
Bên cạnh những mô hình thành công thì cũng có những mô hình trong quá trình triển khai đã xuất hiện hạn chế như sản xuất chưa gắn kết với thị trường dẫn đến việc một số cơ sở đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP nhưng không xuất khẩu được hoặc xuất khẩu không ổn định, thương lái trong nước mua với giá như sản phẩm bình thường. Vì vậy, ở một số địa phương có tình trạng nông dân xin ra khỏi hợp tác xã có Giấy chứng nhận GlobalGAP, quay lại với cách sản xuất truyền thống như HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hoà (Vĩnh Long). Đây là những đơn vị đầu tiên ở nước ta đã nhận được chứng chỉ GlobalGAP do Hiệp hội bán lẻ châu Âu xây dựng, được áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, tình trạng trên chỉ là cá biệt, trên diện tích chưa nhiều. Năm 2010, HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hoà (Vĩnh Long) đã được tái chứng nhận lại, hiện tại, HTX này gần như không đủ hàng để xuất khẩu đi các nước.
Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe 07 báo cáo và trao đổi thảo luận về các vấn đề có liên quan đến sản xuất cây ăn trái theo GAP thông qua 25 câu hỏi.
Hội thảo đã nêu ra các giải pháp tập trung vào hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm theo GAP, tăng cường một số chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng VietGAP, tăng cường thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm của người dân, cần có Logo thống nhất chung cho sản phẩm được chứng nhận VietGAP và kênh tiêu thụ nông sản GAP.
Với định hướng trên, Hội thảo đã đưa ra một số đề xuất như sau:
- Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, đặc biệt lĩnh vực rau, quả tự tổ chức lại sản xuất, trước hết thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn; còn việc áp dụng GAP nào, khi nào cần thuê cấp Giấy chứng nhận GAP, quy mô chứng nhận bao nhiêu… phải căn cứ yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
- Những cơ sở đã và đang thực hiện VietGAP hoặc GAP nhưng chưa có thị trường đầy đủ hoặc tạm thời có khó khăn về thị trường thì cần hỗ trợ nông dân tiếp tục duy trì sản xuất theo GAP, không để nông dân quay về cách làm cũ, đồng thời tích cực chủ động tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
- Những cơ sở chưa áp dụng VietGAP hoặc GAP cần tổ chức sản xuất phù hợp quy chuẩn kỹ thuật theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường trong nước và Luật An tòan thực phẩm. Việc áp dụng GAP cần cân nhắc lựa chọn loại GAP, thời điểm và quy mô chứng nhận phải căn cứ theo yêu cầu của thị trường, trên cơ sở hợp đồng tiêu thụ.