Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Nếu không có lòng tin thì diễn đàn trí thức không tồn tại
(Ngày đăng: 09/12/2012)

Việc xây dựng diễn đàn không chỉ là tạo kênh thông tin, càng không phải là tạo kênh thông tin một chiều, mà chính là xây dựng cơ chế đảm bảo lòng tin, đảm bảo rằng ở đó trí thức được tôn trọng, được tạo điều kiện để làm việc và được đề xuất những ý tưởng của mình.

      Đó là ý kiến của các nhà khoa học tại Hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Xây dựng Quy chế tổ chức các diễn đàn khoa học của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 30/11/2012.

     Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA ngoài vấn đề lòng tin vào đội ngũ trí thức, diễn đàn khoa học bảo đảm tự do tư tưởng, dân chủ, thẳng thắn tranh luận, không “chụp mũ”, trù dập.

     Theo ông Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển, định nghĩa Diễn đàn khoa học của trí thức là nơi để trí thức trình bày là không chuẩn xác. Vì diễn đàn thể hiện mức độ quan trọng nhất, phạm vi ảnh hưởng lớn nhất và số lượng người tham gia thảo luận vấn đề đông nhất. Do đó, định nghĩa “diễn đàn khoa học” chưa phản ánh chính xác được ý nghĩa về mặt ngôn ngữ cũng như bản chất hoạt động của nó.

     PGS Lê Văn Cương cho rằng, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền hoạt động tư vấn, phản biện về các chủ trương, chính sách, các dự án về kinh tế - xã hội vì điều đó chỉ có lợi cho việc tạo đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, nhà nước cần chọn lựa một vài tổ chức chính giúp nhà nước trong công việc phản biện. Tổ chức đó là cơ quan nhà nước thì bảo đảm tính khách quan hơn. Và như vậy công việc tư vấn, phản biện không nhất thiết cứ phải thông qua diễn đàn khoa học, mà có khi chỉ bó hẹp trong một nhóm các chuyên gia.

     GS Tăng cho rằng, muốn tổ chức tốt các diễn đàn khoa học thì cần sớm sửa đổi Quyết định 22/2002/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của VUSTA vì có như vậy VUSTA mới có điều kiện tổ chức tốt các diễn đàn khoa học.

     Theo bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng đối với hoạt động của VUSTA, trong đó có nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội chưa cụ thể, chưa có các quy định và chế tài, đầy đủ về trách nhiệm, cũng như cơ chế cung cấp thông tin và cơ chế tài chính.

     Ông Ngô Thuần Khiết, VUSTA, cho rằng, trong mục II.4.3 có nêu: “VUSTA… chưa chủ động đề xuất với Đảng và chính quyền các cấp về những chính sách, dự án cần thực hiện tư vấn phổ biến và giám định xã hội…” là không chính xác. Thực tế ngoài một số ít đề án do các Bộ, ngành yêu cầu còn đa số các đề án tư vấn phản biện là do VUSTA tự đề xuất, tự bố trí ngân sách khoa học và công nghệ để thực hiện. Mỗi năm có hàng chục đề án do VUSTA tự đề xuất và tự thực hiện mà không cần có ý kiến của các Bộ, ngành.

     Các ý kiến tại hội thảo cũng nhất trí rằng, nội dung Dự thảo nặng nề về hạn chế tự do tư tưởng đối với trí thức, tính khả thi và khả năng quản lý hoạt động rất thấp vì đối tượng và phạm vi quá rộng trong khi các chế tài cụ thể lại thiếu tính lôgic, chặt chẽ về mặt khoa học và pháp lý.

Tin, ảnh: Băng Thanh - VUSTA
Tin liên quan