Bà Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang cho biết, trong 7 chủng loại trái cây chủ lực của tỉnh, đã có 6 loại cây ăn trái đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP, gồm: 55,5 ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được cấp chứng nhận GlobalGAP; 60 ha khóm Tân Lập, 16,6ha chôm chôm Tân Phong, 15,6ha nhãn Nhị Quí, 8,8 ha sơ ri Gò Công và 19,74 ha thanh long Chợ Gạo đạt chứng nhận VietGAP. | |
Hiện nay 6 trong 7 loại cây ăn trái chủ lực của Tiền Giang đã đạt chứng nhận GAP. |
Trước năm 1993 kinh tế vườn chưa được chú trọng, diện tích vườn chủ yếu là vườn tạp, kỹ thuật canh tác còn hạn chế, chưa được đầu tư thâm canh khai thác tốt, bón phân không cân đối, sâu bệnh xuất hiện nhiều, biện pháp phòng trị chủ yếu dựa vào thuốc bảo vệ thực vật, do đó dẫn đến tình trạng sâu bệnh kháng thuốc, sản phẩm làm ra không an toàn, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông đã từng bước chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến người dân, khuyến cáo nông dân sử dụng giống chất lượng cao, áp dụng biện pháp ghép để thay thế những giống lạc hậu thoái hóa như giống sầu riêng ít cơm và hạt to, trồng bằng hạt được thay bằng giống sầu riêng hạt lép. Giống sầu riêng khổ qua xanh nổi tiếng một thời do dễ trồng, năng suất cao, từ năm 2000 được thay thế bằng các giống chất lượng cao như Ri 6, Mongthong, hạt lép Chuồng bò,..., các giống bưởi chất lượng thấp được thay thế bằng giống bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh.
Từ khi tỉnh có chủ trương phát triển 7 chủng loại trái cây chủ lực vào năm 2003, diện tích và chất lượng trái cây được nâng lên... Nhờ tích lũy kinh nghiệm và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái có diện tích khá lớn, chiếm 89% vùng cây ăn trái đặc sản toàn tỉnh, đạt năng suất và chất lượng cao, nhất là các loại cây ăn trái đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, khóm Tân Phước, bưởi và cam Cái Bè.
Các kỹ thuật trong chăm sóc, bón phân cân đối, sử dụng phân hữu cơ, giữ cỏ trong vườn, hạn chế thiệt hại trong mùa lũ được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả. Quản lý sâu bệnh theo IPM đã có khoảng 75% diện tích áp dụng, ứng dụng công nghệ sinh học ngày càng được nhiều nhà vườn áp dụng như sử dụng nấm đối kháng Trichoderma, phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sầu sinh học,... Biện pháp bao trái để hạn chế phun thuốc trừ sâu đã được áp dụng rộng rãi trên vú sữa,...
Biện pháp xử lý ra hoa trái vụ để tránh trúng mùa rớt giá đã được nhiều nhà vườn áp dụng thành công trên nhiều loại cây ăn trái khác nhau như xoài, vú sữa, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, cây có múi... đã đưa giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích cây ăn trái đạt 72,92 triệu đồng/ha vào năm 2011, cao hơn 40 triệu đồng so với năm 1994. Nhà vườn với diện tích 1.000 m2 cho thu nhập 50-70 triệu đồng, cá biệt có hộ thu nhập trên 100 triệu đồng, nhất là đối với vườn trồng cây có múi và sầu riêng.