Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng cây sâu riêng đã biết cách xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật để sầu riêng ra hoa nghịch vụ liên tiếp qua nhiều năm, sẽ làm cho cây sầu riêng bị suy kiệt và nấm bệnh tấn công nhiều, đặc biệt gây ra bệnh thối gốc, chảy mủ. | |
Cây sầu riêng dễ bị bệnh thối gốc, chảy mủ gây hại |
Một thực tế cho thấy, việc áp dụng kỹ thuật để xử lý sầu riêng ra hoa nghịch vụ đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân ở nhiều địa phương. Vì thế, dù biết sẽ ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của cây nhưng việc xử lý nghịch vụ vẫn được các nhà vườn thực hiện qua các năm liên tiếp.
Nguyên nhân gây bệnh
Theo Tiến sỹ Lê Hữu Hải, trường Đại học Tiền Giang, bình thường một cây sầu riêng được chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch trái từ 20 – 30 năm, thế nhưng nếu làm nghịch vụ liên tục qua các năm thì một cây sầu riêng chỉ cho thu hoạch trái được 5 – 7 năm rồi sẽ bị chết, bà con sẽ phải trồng lại. Đây cũng là nguyên nhân làm cây sầu riêng dễ mắc bệnh thối gốc, chảy mủ.
“Do bà con lạm dụng hóa chất cho ra hoa mùa nghịch như Paclobutrazol mà điểm đặc biệt của loại hóa chất này là nó tích lũy trong đất và tích lũy trong cây. Nếu năm nay dùng hóa chất để xử lý thì nó còn nằm trong đất, cây và cứ như thế, mức độ gây độc sẽ tăng dần lên các năm, cây bị suy kiệt, dễ mắc các bệnh, trong đó có bệnh thối gốc chảy mủ.”- Tiến sỹ Hải giải thích.
Cây sầu riêng dễ bị bệnh thối gốc, chảy mủ gây hại
Thối gốc, chảy mủ được xác định là loại dịch hại gây thiệt hại nặng nhất trên cây sầu riêng. Bệnh này có thể gây hại ở tất cả các độ tuổi của cây sầu riêng, có thể làm chết cây ở giai đoạn cây còn nhỏ.
Khi cây lớn, bệnh gây thối gốc chảy mủ, thối rễ, nếu nặng có thể làm chết những cành lớn hoặc chết cả cây.
Tác nhân gây bệnh thối gốc, chảy mủ ở cây sầu riêng là nấm Phytophthora gây hại. Nấm Phytophthora phát triển mạnh trong nhiệt độ từ 16 - 320C, độ ẩm không khí từ 80 - 85% và mạnh nhất là vào mùa mưa.
Bên cạnh việc tiến hành xử lý cho cây ra trái vụ thì thói quen canh tác, chăm sóc của nhiều bà con đã tạo môi trường cho nấm phát triển.
Trước tiên là nguồn nước tưới. Nguồn nước tưới cho cây sầu riêng của các nhiều nhà vườn được lấy từ các con sông, kênh rạch mà chưa có một biện pháp xử lý nào. Trong khi đó, nấm Phytophthora phát triển mạnh trong điều kiện có gió, mưa hay qua nguồn nước. Đối với cây bị bệnh, nhiều nhà vườn còn có thói quen ném quả thối hoặc đốn cây bỏ xuống mương. Đây là yếu tố giúp cho nấm lây lan rất nhanh trong vườn và trong cùng một khu vực.
Ngoài ra, nấm Phytophthora thường lưu tồn trong đất dưới dạng bào tử, chúng có khả năng thích ứng và tồn tại trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Trong khi đó, vì thói quen canh tác mà bà con nông dân thường đi chân không leo lên cây. Điều này vô tình đã phát tán nguồn bệnh từ cây này sang cây khác ở trong vườn.
Biểu hiện bệnh
Khi bị nấm tấn công, trên thân có dấu hiệu chảy nhựa ra trên bề mặt vỏ cây, vết bệnh ướt và nhựa có màu nâu. Loại nấm này thường tấn công xung quanh gốc và các cành của cây sầu riêng.
Điều trị bệnh
Khi thấy vết chảy nhựa trên thân cây, các nhà vườn cũng đã có các biện pháp xử lý để phòng trị bệnh như: dùng dao cạo sạch phần vỏ bị thối rồi pha các loại thuốc đặc trị như Aliette, Agrifos hoặc đồng đỏ quét nhiều lần vào vết bệnh. Còn với những cây đục không được thì dùng kim tiêm khoan lỗ, chích cho cây.
TS Hải (bên phải) đến thăm vườn sầu riêng ở xã Tam Bình, Cai Lậy, Tiền Giang
Trong thực tế sản xuất, do thiếu những thông tin hiểu biết về nấm Phytophthora nên nông dân khó có thể ngăn chặn triệt để loại nấm này, ngay cả khi xử lý đúng thuốc. Đặc biệt, với những nguyên nhân chủ quan trong quá trình canh tác như hiện nay của các hộ trồng sầu riêng thì việc kiểm soát dịch bệnh lại càng khó khăn. Bệnh sau khi trị khỏi có thể tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi.
“Để giảm độc hại do hóa chất Paclobutazol gây ra thì bà con phải không xử lý nghịch vụ trong 3 năm. Bình thường chỉ làm 2 năm, còn tối đa 3 năm phải ngưng hoặc là phải chia từng vùng trong vườn. Ví dụ khu này làm thì tạm dừng vài năm để cho khu khác làm.”- Tiến sỹ Hải cho biết.
Ngoài việc nắm vững các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như mức độ gây hại, lây nhiễm và khả năng sinh tồn của nấm bệnh trong đất, nước thì người trồng sầu riêng cần phải có biện pháp quản lý tổng hợp để phòng trừ. Đặc biệt, để cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh và có sức chống chịu tốt với sâu bệnh hại thì việc giảm sử dụng hóa chất trong quá trình xử lý sầu riêng ra nghịch vụ là yếu tố rất cần thiết.