Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Học một đằng, làm một nẻo
(Ngày đăng: 29/05/2012)

(VOV) - Năm nay, khi nền kinh tế bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, cơ hội tìm kiếm việc làm đối với lao động trẻ càng khó khăn hơn.

Một trong những thách thức lớn của thanh niên hiện nay là tìm kiếm việc làm. Hàng triệu thanh niên ở thành thị thất nghiệp; thanh niên nông thôn có việc làm chiếm ít hơn 75% quỹ thời gian trong năm. 

Học xong vẫn chưa làm được nghề

Theo số liệu của Báo cáo kết quả khảo sát về việc làm cho thanh niên ở Việt Nam do Văn phòng giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghịêp Việt Nam- VCCI) phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành trên 243 doanh nghiệp (DN) vừa được công bố cho thấy, cứ 10 lao động thì có 4 người trong độ tuổi từ 16 - 25. Tuy chiếm số lượng đáng kể như vậy, nhưng lại có khá nhiều vấn đề đặt ra đối với lao động trẻ. Theo báo cáo, chỉ có 1/4 số lao động trẻ có trình độ đại học, còn hầu hết chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo rất ít. Lao động trẻ được tuyển dụng vào tất cả các vị trí nhưng phổ biến nhất vẫn là vị trí đòi hỏi trình độ tay nghề ở mức trung bình, công việc thư ký.

Một vấn đề đáng chú ý trong Báo cáo là phần lớn những người sử dụng lao động không đánh giá cao các kỹ năng được dạy và bằng cấp trong hệ thống giáo dục đào tạo công lập và các cơ sở đào tạo trong nước. Họ cũng không mấy coi trọng tới bảng điểm và kết quả học tập trong trường của người lao động. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ đối với cả DN và giới trẻ Việt Nam về nhận thức, tính phù hợp và giá trị của bằng cấp trong nước.

Thông thường các DN có chương trình đào tạo lại sau khi đã tuyển được nhân sự. 85% số DN được hỏi trong cuộc khảo sát cho rằng, đào tạo lại theo kiểu nhân viên cũ kèm nhân viên mới là phương pháp hiệu quả nhất. Thực tập nghề trước khi được tuyển dụng chính thức cũng là phương pháp được nhiều DN sử dụng. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng việc đào tạo tại các trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN?

Ông Lê Hồng Thao, Hiệu phó Trường Dạy nghề Việt Nam - Canada (Hải Dương) thừa nhận, thiết bị máy móc phục vụ việc thực hành của sinh viên trong các trường còn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn nên khi ra ngoài làm việc, hầu hết sinh viên không thể làm ngay được. Các trường dạy nghề cũng chưa dạy sinh viên những kỹ năng sát với thực tế. Thêm nữa, bản thân các trường cũng thiếu những giáo viên có trình độ, giỏi nghề, nắm bắt được khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Tuy nhiên, nhiều lao động trẻ được đào tạo bài bản cũng khó kiếm được việc làm hoặc việc làm phù hợp. Điều này là do việc đào tạo nghề của các trường hiện chưa căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội. Mối liên kết giữa giáo dục đào tạo và nhu cầu lao động của các DN chưa được phát triển cân đối. Vì thế mới có chuyện ngành thừa, ngành thiếu nhân sự.

Ông Nguyễn Đức Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm Đà Nẵng cho biết, TP. Đà Nẵng có 96 cơ sở dạy nghề nhưng đều đua nhau đào tạo ngành kế toán, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng ngành này rất ít. Các trường đại học cũng vậy, vài năm gần đây, những ngành “hot” như tài chính, quản trị doanh nghiệp, ngân hàng, công nghệ thông tin… mở ra ồ ạt, không căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và sự phát triển trong tương lai của những ngành này.

Cần cái bắt tay giữa DN và cơ sở đào tạo

Khi khảo sát về nhu cầu lao động trong tương lai, hầu hết các DN được hỏi đều cho rằng, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật bậc cao là những đối tượng DN phải cạnh tranh để tuyển dụng trong những năm tới. Điều này cho thấy thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ cao trong thị trường lao động hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.

Để giải bài toán việc làm cho thanh niên, theo ông Tô Đức Thắng, Trung tâm Thanh niên TP. Hồ Chí Minh, trước tiên cần một cuộc điều tra, khảo sát cụ thể về nhu cầu của người lao động; thứ nữa là cần tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên để họ có thể định rõ được nghề nghiệp cho tương lai.

Ông Lê Hồng Thao (Trường Dạy nghề Việt Nam – Canada) cho rằng, cần đổi mới tư duy cho thanh niên về việc học nghề, bởi hiện tại, họ rất thờ ơ, thậm chí là coi thường việc này. Cũng theo ông Thao, các trường cần chú trọng rèn luyện ý thức, tác phong công nghiệp cho người học, bởi đây là một điểm yếu của lao động Việt Nam.

Việc liên kết giữa DN và các trường đại học, cơ sở dạy nghề cũng là một biện pháp. Ông Mạc Văn Tiến, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, DN cần chủ động tham gia vào việc đào tạo lao động cho chính DN mình, như cung cấp thông tin về cầu lao động; triển khai đào tạo nghề tại DN, nêu cụ thể yêu cầu về kỹ năng mà DN đòi hỏi ở người lao động.

Ông Tiến thông báo, Tổng cục Dạy nghề đang xây dựng Đề án đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của DN, sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 7 này. Tuy nhiên, vấn đề vẫn phải từ phía người học, họ phải tự ý thức được tầm quan trọng của việc có một cái nghề trong tay đối với tương lai của mình sau này. Bởi, việc chỉ đến với người có nghề!./.

Hà Vy (Báo TNN)
Tin liên quan