Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
(Ngày đăng: 29/05/2012)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) dự kiến sẽ được tiến hành vào cuối năm 2009. Đây là dịp thuận lợi để thảo luận những vấn đề về đổi mới tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên.

Trải qua hơn một phần tư thế kỷ xây dựng và phát triển, đến nay Liên hiệp hội Việt Nam đã trở thành một tổ chức to lớn với 123 hội thành viên bao gồm 68 hội khoa học và công nghệ ngành toàn quốc và 55 liên hiệp hội tỉnh, thành phố, tập hợp khoảng 1,8 triệu hội viên, hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ trên phạm vi của cả nước, đạt nhiều kết quả được xã hội thừa nhận. Để Liên hiệp hội Việt Nam có thể tiếp tục phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, đáp ứng sự mong đợi của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên cần nghiên cứu, đổi mới hơn nữa cơ cấu tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động.

Liên hiệp hội Việt Nam

Với một số lượng lớn các hội ngành toàn quốc, Liên hiệp hội Việt Nam hoạt động trong hầu hết các ngành khoa học và công nghệ, đồng thời có điều kiện thuận lợi để triển khai những hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo nên tính chất đa ngành và liên ngành của tổ chức này. Sự hội tụ nhiều chuyên gia đầu ngành là tiền để để Liên hiệp hội Việt Nam đạt được trình độ, chất lượng và hiệu quả cao trong mọi hoạt động, được xã hội thừa nhận. Tập hợp và đoàn kết cả một đội ngũ - đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, không giới hạn hoặc phân biệt về nghề nghiệp cụ thể hoặc riêng biệt nào - với số lượng đông đảo, có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố, tạo thành mạng lưới rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, Liên hiệp hội Việt Nam ngày càng góp phần tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Những đặc điểm trên đây đặt cơ sở cho việc kiên trì tính chất chính trị - xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam, tiếp tục xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam thành một tổ chức vững mạnh, đủ khả năng thực hiện các chức năng, hoàn thành các nhiệm vụ ghi trong Điều lệ của mình. Tính chất chính trị - xã hội gắn liền với việc xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam thành một hệ thống, như đã được ghi tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 11/4/1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VI). Tuỳ theo những điều kiện đã chín muồi ở từng địa phương, hệ thống tổ chức đó có thể có 2, 3 hoặc thậm chí 4 cấp. Tính chất chính trị - xã hội cần được quán triệt và phát huy không những ở cấp trung ương mà còn ở cả các địa phương, như Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) đã khẳng định.

Là người đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, Liên hiệp hội Việt Nam cần áp dụng những hình thức và biện pháp khác nhau nhằm thu hút ngày càng đông đảo những người hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là trí thức trẻ. Thông qua các hoạt động phong phú và đa dạng, Liên hiệp hội Việt Nam là nơi cung cấp thông tin xác thực, giới thiệu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, bằng cách đó trở thành đầu mối giữa trí thức khoa học và công nghệ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Tích cực góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên, sẽ có tác dụng tăng cường tính hấp dẫn của Liên hiệp hội Việt Nam. Liên hiệp hội Việt Nam cũng là nơi tôn vinh các danh nhân văn hoá và khoa học, giới thiệu và biểu dương những thành tựu tiêu biểu của các nhà khoa học và công nghệ nước nhà. Đồng thời, việc phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần hợp tác, tính cộng đồng, tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp vẫn luôn luôn là một bộ phận hợp thành trong hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam. Tiềm năng trí tuệ đa ngành và liên ngành là tiền đề giúp Liên hiệp hội Việt Nam triển khai hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, phổ biến kiến thức, chăm sóc sức khoẻ, xoá đói giảm nghèo. Là thành viên tích cực của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp hội Việt Nam vận động trí thức khoa học và công nghệ cả nước góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khởi xướng. Đối với các nhà khoa học và công nghệ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Liên hiệp hội Việt Nam có thể trở thành quê hương trí tuệ và cầu nối giữa đất mẹ với những người con xa xứ.

Để cho những phương hướng nhiệm vụ, do Đại hội VI thông qua, được triển khai thực hiện có kết quả, để cho các chủ trương, biện pháp của Liên hiệp hội Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, một nhiệm vụ đặt ra là xây dựng một chương trình công tác cho cả khoá tới (2009 - 2014), trong đó ghi rõ nội dung các công việc cần hoàn thành trong thời gian nhất định với những phương tiện phù hợp và các đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm. Bên cạnh việc kiểm điểm tình hình và kết quả hoạt động năm trước, xác định phương hướng công tác cho năm sau, hội nghị hằng năm của Hội đồng Trung ương cần dành một phần thời gian cho một chủ đề nhất định. Việc tổ chức thảo luận thấu đáo và thông qua Nghị quyết chuyên đề sẽ nâng cao hiệu quả và sức hấp dẫn của các hội nghị Hội đồng Trung ương, đồng thời cũng góp phần tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên. Bên cạnh đó cũng nên cân nhắc khả năng tổ chức các hội thảo chuyên đề toàn quốc hoặc khu vực trong thời gian giữa các hội nghị Hội đồng Trung ương. Tại các cuộc hội thảo cần đảm bảo điều kiện phát huy tự do tư tưởng, tự do bày tỏ ý kiến. Mặt khác, việc công bố những nội dung nhạy cảm, nhất là khi nhân danh Liên hiệp hội Việt Nam, nên được cân nhắc thận trọng.

Những nội dung hoạt động phong phú và đa dạng nêu trên đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đổi mới công tác tổ chức và quản lý của Liên hiệp hội Việt Nam. Với sự tham gia của đại biểu tất cả các hội thành viên, Hội đồng Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp hội Việt Nam giữa hai kỳ đại hội. Hội đồng Trung ương bầu ra Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký, Uỷ ban Kiểm tra, bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trong số các uỷ viên Đoàn Chủ tịch. Đoàn Chủ tịch quy định nhiệm vụ của các uỷ viên và phân công một số uỷ viên làm nhiệm vụ thường trực. Ban Thư ký do Tổng Thư ký đứng đầu và bao gồm một số thành viên là uỷ viên Hội đồng Trung ương. Thành phần Uỷ ban Kiểm tra cũng bao gồm các uỷ viên Hội đồng Trung ương.

Một vấn đề khác là cần phải tiếp tục củng cố và kiện toàn cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam. Trên cơ sở lựa chọn và tuyển dụng được các cán bộ thực sự mẫu mực có đủ đức, đủ tài, hình thành một bộ máy tổ chức hợp lý thì vấn đề quan trọng là xây dựng được khối đoàn kết trên cơ sở dân chủ, minh bạch, công bằng, kỷ cương. Sự phân công, phân nhiệm, phân cấp cần đi liền với sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, cộng đồng trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban chức năng và Ban Thư ký của Liên hiệp hội Việt Nam. Một mặt cần tránh các hiện tượng hành chính hoá công tác hội, nhưng đồng thời lại phải đảm bảo nền nếp làm việc, ban hành và thực thi các quy chế công tác. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là điều không thể né tránh, trong đó hoạt động của các tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên cần được coi trọng đúng mức. Thái độ rõ ràng, kiên quyết trong việc kịp thời biểu dương động viên người tốt, việc tốt cũng như xử lý nghiêm minh các hiện tượng tiêu cực sẽ góp phần đảm bảo tính công minh, công bằng, công khai, duy trì nền nếp, kỷ cương, tạo điều kiện cho cơ quan hoàn thành nhiệm vụ. Là người đại diện thường trực cho Liên hiệp hội Việt Nam, cơ quan trung ương đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng đầu mối liên hệ giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung trong hoạt động hội. Vì vậy, mọi sự hành xử, phát ngôn của cán bộ, nhân viên đều cần được xem xét, cân nhắc chu đáo.

Các hội ngành toàn quốc

Liên hiệp hội Việt Nam ký kết chương trình hợp tác với Bộ NN&PTNT tạo điều kiện cho các hội ngành nông nghiệp tham gia các chương trình, dự án liên quan đến “tam nông”.
Liên hiệp hội Việt Nam ký kết chương trình hợp tác với Bộ NN&PTNT tạo điều kiện cho các hội ngành nông nghiệp tham gia các chương trình, dự án liên quan đến “tam nông”.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, trên đất nước ta ngày càng xuất hiện thêm nhiều lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ mới với số người tham gia không ngừng tăng lên. Đó là một cơ sở quan trọng cho sự hình thành các hội khoa học và kỹ thuật mới và cũng là lý do gia tăng số lượng các hội thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam. Hiện nay, số lượng các hội ngành toàn quốc gấp gần 5 lần khi Liên hiệp hội Việt Nam mới thành lập cách đây 26 năm (26 - 3 - 1983) và tăng 23,2% so với thời điểm Đại hội V của Liên hiệp hội Việt Nam (12 - 2004). Con số này đang không ngừng gia tăng và sự ra đời các hội khoa học và kỹ thuật mới là một xu thế khách quan không thể đảo ngược.

Với một sự ước lệ nhất định có thể nhận thấy trong số 68 hội ngành toàn quốc có 13 hội hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, 10 hội trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, 34 hội trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghiệp, 7 hội trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nông nghiệp và 4 hội trong lĩnh vực y dược học.

Đối với những nội dung giống nhau hoặc gần giống nhau, nhiều hội ngành toàn quốc có thể tập hợp nhau lại trong những hoạt động chung, qua đó tận dụng được thế mạnh của từng hội thành viên, phát huy được sức mạnh tổng hợp, liên ngành của Liên hiệp hội Việt Nam và sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý. Các hoạt động chung đó có thể do Liên hiệp hội Việt Nam chủ trì hoặc do một hội thành viên chủ trì với sự giúp đỡ của Liên hiệp hội Việt Nam, chẳng hạn như đánh giá chương trình, sách giáo khoa và thiết bị dạy học, thảo luận về vấn đề khai thác bauxit ở Tây Nguyên.

Theo Điều lệ hiện hành, Liên hiệp hội Việt Nam có chức năng điều hoà và phối hợp hoạt động, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên. Để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các hội ngành toàn quốc, sự trợ giúp của Liên hiệp hội Việt Nam có thể được thực hiện theo một số hình thức và biện pháp khác nhau. Trước hết, Liên hiệp hội Việt Nam có thể tập hợp ý kiến của các hội thành viên, trên cơ sở đó góp phần chỉnh sửa và khắc phục một số điểm chưa phù hợp trong Nghị định 88/2003/NQ-CP ngày 30 - 7 - 2003 của Chính phủ, tiến hành xây dựng Luật về hội (hoặc Luật về các tổ chức nhân dân). Các thoả thuận hợp tác do Liên hiệp hội Việt Nam ký kết và thực hiện với các bộ, ngành, địa phương có thể bao gồm những nội dung liên quan đến hoạt động của các hội thành viên. Liên hiệp hội Việt Nam có thể chủ trì, tổ chức những hoạt động chung và, liên ngành thu hút các hội tham gia. Hằng năm, Liên hiệp hội Việt Nam có thể tập hợp nhu cầu, lập kế hoạch và đề nghị Nhà nước cấp kinh phí để tài trợ cho một số hoạt động quan trọng của các hội thành viên, như đại hội, hội thảo khoa học… Các hội thành viên nên được ưu tiên trong việc xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học hoặc dự án phát triển công nghệ và phân bổ kinh phí. Sự ủng hộ của Liên hiệp hội Việt Nam đối với các đề án có căn cứ khoa học và khả thi do các hội thành viên trình bày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cũng là một biện pháp quan trọng và cần thiết. Liên hiệp hội Việt Nam cũng còn có thể giúp các hội thành viên trong việc triển khai các dự án hợp tác quốc tế. Sau nữa, trong những điều kiện cho phép, Liên hiệp hội Việt Nam cũng có thể cung cấp hoặc tạo điều kiện để các hội thành viên được sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật của cơ quan trung ương như thông tin - viễn thông cho các hoạt động hội hoặc hoạt động chuyên môn. Được như vậy, Liên hiệp hội Việt Nam sẽ trở thành mái nhà chung, nơi hội tụ các hội khoa học và công nghệ toàn quốc, nơi tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà.

Các liên hiệp hội địa phương

Trong khi số lượng các hội ngành toàn quốc hầu như không có giới hạn thì số lượng các liên hiệp hội tỉnh, thành phố tuỳ thuộc vào cơ cấu hành chính quốc gia và trong tình hình hiện nay con số tối đa là 63. Nhìn vào bản đồ hình chữ S của đất nước có thể nhận thấy số các liên hiệp hội địa phương của vùng Tây Bắc bộ là 4, của vùng Đông Bắc bộ (kể cả Thủ đô Hà Nội) là 13, của vùng Bắc Trung bộ là 6, của vùng Nam Trung bộ là 8, của vùng Tây Nguyên là 5, của vùng Đông Nam bộ là 6 và của vùng Tây Nam bộ là 13. Như vậy là cho tới thời điểm này, trong cả nước chỉ có 55 liên hiệp hội địa phương và còn cần phải có liên hiệp hội ở 8 tỉnh nữa thì mới đạt được con số tối đa. Những tỉnh chưa có liên hiệp hội là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La (Tây Bắc bộ), Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Hưng Yên (Đông Bắc bộ), trong đó có 4 tỉnh biên giới phía Bắc.

Vấn đề đặt ra lúc này là tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục, chuẩn bị chu đáo để tiến tới thành lập liên hiệp hội ở những nơi có nhu cầu nội tại và đã hội đủ các điều kiện thiết yếu. Trước hết, ở địa phương đó phải có một số lượng nhất định các tổ chức cơ sở của các hội ngành toàn quốc. Thực tiễn cuộc sống và hoạt động của các tổ chức đó cần đạt đến trình độ làm nẩy sinh nhu cầu nội tại, tự phát hoặc tự giác liên kết nhau lại thành một tổ chức chung để có thể đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ ở địa phương. Thông qua việc nghiên cứu các văn kiện của Đảng và Nhà nước, các tài liệu của Liên hiệp hội Việt Nam, tìm hiểu tình hình và kinh nghiệm của Liên hiệp hội hiện có ở các tỉnh bạn, các đại biểu của các tổ chức hội ở địa phương có thể đã tiếp thu được một số kiến thức và thông tin nhất định về hoạt động của liên hiệp hội, có khả năng và quyết tâm xây dựng liên hiệp hội của tỉnh mình. Trong số những người nhiệt tình tham gia quá trình đó ngày càng nổi lên người hoặc những người tiêu biểu nhất, có thể được lựa chọn vào vị trí cán bộ chủ chốt của liên hiệp hội tỉnh. Điều đặc biệt quan trọng là cấp uỷ Đảng và Chính quyền của tỉnh nhận thức được sâu sắc tính chất, vị trí, vai trò của Liên hiệp hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ ở địa phương. Cho dù việc thành lập các liên hiệp hội ở 8 tỉnh còn lại là cần thiết, nhưng lại không nên nóng vội, gượng ép, hình thức chủ nghĩa khi các điều kiện chưa chín muồi, nhất là khi lãnh đạo địa phương chưa thực sự quyết tâm và vấn đề nhân sự chủ chốt chưa được giải quyết thoả đáng. Kinh nghiệm cho thấy rằng ở những nơi việc thành lập liên hiệp hội chưa được chuẩn bị chu đáo, cơ quan liên hiệp hội biến thành nơi tạm dừng chân của các “cán bộ dôi dư” hoặc “con ông cháu cha” thì hiệu quả hoạt động và do đó uy tín của tổ chức này khó có thể tương xứng được với danh nghĩa của nó.

Sự phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước và ở từng vùng miền cùng với việc thực hiện chủ trương hướng về cơ sở dẫn đến kết quả là đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ và nhu cầu thành lập tổ chức hội ở các địa phương không ngừng tăng lên. Đến nay, tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Lâm Đồng đã có tổ chức hội khoa học và kỹ thuật ở cấp quận, huyện, cá biệt tại Hà Nội thậm chí cả ở cấp phường. Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu để tìm ra giải pháp phù hợp. Do đặc điểm của các địa phương không giống nhau, cho nên các lĩnh vực khoa học và công nghệ phát triển cũng khác nhau. Kết quả là số lượng trí thức ở lĩnh vực cụ thể này có thể nhiều, trong khi ở lĩnh vực khác có thể lại ít, thậm chí chưa đủ số hội viên cho việc thành lập tổ chức cơ sở của một hội chuyên ngành. Thế nhưng, họ lại có nhu cầu tập hợp nhau lại để góp phần tháo gỡ một số khó khăn của địa phương, để trao đổi thông tin và có tiếng nói chung trong đời sống xã hội. Vấn đề này có thể giải quyết bằng cách thành lập các hội hoặc hội liên hiệp khoa học - kỹ thuật (thay vì liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật) tập hợp những người làm công tác khoa học và công nghệ ở từng địa phương. Sau này, khi có đủ các tổ chức hội khoa học - kỹ thuật chuyên ngành thì có thể tiến hành cải tổ thành liên hiệp hội. Đó là trường hợp đã từng xảy ra ở Hà Nội và một số nơi khác. Đương nhiên việc thành lập và hoạt động của các tổ chức này phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp và Pháp luật.

Ở những tỉnh, thành phố có liên hiệp hội, các tổ chức cơ sở của các hội chuyên ngành thường là những “thành viên kép”, một mặt là thành viên của hội ngành toàn quốc và mặt khác là thành viên của liên hiệp hội địa phương. Do những nguyên nhân khác nhau, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật của một số tỉnh, thành phố có cả các thành viên là Hội Văn học - nghệ thuật, Hội Nhà báo, Hội Sinh vật cảnh, Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Nạn nhân chất độc da cam và thậm chí cả Hội Nông dân. Sự phát triển và hiệu quả hoạt động của các hội thành viên này tuỳ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp chỉ đạo thống nhất, nhịp nhàng của cả hội ngành toàn quốc và liên hiệp hội địa phương, đặc biệt là trong những vấn đề mang tính chất đa ngành và liên ngành.

Hội nghị giao ban Liên hiệp hội các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng năm 2008.
Hội nghị giao ban Liên hiệp hội các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng năm 2008.
Do những đặc điểm khác nhau, trên đất nước ta đã hình thành một số vùng địa lý. Trong những điều kiện hiện nay, việc đi lại giữa các vùng còn gặp nhiều khó khăn và tốn kém. Ở mỗi vùng đó, từ 4 - 13 tỉnh, thành phố đã có liên hiệp hội địa phương. Cả về điều kiện tự nhiên cũng như tình hình kinh tế - xã hội, các liên hiệp hội địa phương trong mỗi vùng có những đặc điểm cơ bản tương tự nhau, đều phải đối mặt với những khó khăn cùng loại và giải quyết những vấn đề chung. Từ những điều nêu trên có thể nhận thấy tính ưu việt của việc tổ chức các hoạt động theo khu vực hoặc liên khu vực. Nội dung của các hoạt động đó có thể là việc phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chủ trương và kế hoạch công tác của Liên hiệp hội Việt Nam hoặc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Trong trường hợp đó, Liên hiệp hội Việt Nam có thể tổ chức lần lượt nhiều hội nghị, hội thảo ở những địa bàn khác nhau. Khi đó, các diễn giả chủ yếu và cán bộ tổ chức sẽ phải làm việc nhiều lần ở những hội nghị, hội thảo khác nhau. Để bù lại, Liên hiệp hội Việt Nam và các địa phương có thể tận dụng được các điều kiện tại chỗ, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc cho việc đi lại và lưu trú của các đại biểu. Hơn nữa, các nội dung thuyết trình hoặc thảo luận lại có điều kiện liên hệ chặt chẽ hơn với những đặc điểm cụ thể của từng địa phương. Bên cạnh đó, nội dung sinh hoạt còn có thể là những vấn đề cụ thể, đặc thù, chuyên biệt của từng vùng hoặc liên vùng. Đây cũng là một biện pháp để Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện chủ trương hướng về cơ sở. Qua đó, Liên hiệp hội Việt Nam có thể tiếp nhận được những thông tin thực tế, góp phần giải quyết một số vấn đề của địa phương, đồng thời giúp đỡ cán bộ của các liên hiệp hội tỉnh, thành phố từng bước nâng dần trình độ lý luận, phương pháp và kỹ năng công tác hội.

Các đơn vị 81

Kể từ Đại hội V Liên hiệp hội Việt Nam (12 - 2004) đến nay, số lượng các đơn vị 81 do Đoàn Chủ tịch thành lập và hoạt động theo Nghị định 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ (gọi tắt là đơn vị 81) đã tăng lên gấp 2,5 lần từ khoảng 100 lên hơn 240, trong đó có hơn 170 trung tâm, hơn 60 viện nghiên cứu và gần 20 liên hiệp khoa học - sản xuất. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2009 đã có thêm 15 đơn vị 81 mới, chiếm hơn 10% tổng số các đơn vị 81 được thành lập trong cả 5 năm qua.

Khác với các hội ngành toàn quốc và các liên hiệp hội địa phương là những tổ chức được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và các tỉnh thành phố cho phép thành lập, hoạt động và là những thành viên chính thức của Liên hiệp hội Việt Nam, các đơn vị 81 do Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam thành lập như là một trong những hình thức tập hợp trí thức khoa học, công nghệ và chịu sự quản lý trực tiếp của Liên hiệp hội Việt Nam. Trong khi các hội thành viên là tiền đề và lý do tồn tại của Liên hiệp hội Việt Nam, là những bộ phận cấu thành của một tập hợp mà Liên hiệp hội Việt nam là trung tâm thì các đơn vị 81 lại là những sản phẩm do Liên hiệp hội Việt Nam tạo ra. Nếu như các hội thành viên tập hợp và đại diện cho một số đông chuyên gia thuộc ngành hoặc lĩnh vực khoa học hay công nghệ nhất định trong cả nước hoặc cho một giới - giới trí thức khoa học và công nghệ - ở một địa phương nào đó thì các đơn vị 81 chỉ thu hút được một số ít cá nhân. Trong số 188 đơn vị được khảo sát thì 41 đơn vị, chiếm 21,28%, có từ 10 cán bộ trở xuống. Thậm chí có cả một đơn vị mà tổng số lượng nhân sự là 3.

Vì vậy, cần xác định, phân biệt rõ ràng và nhận thức đúng đắn sự khác nhau giữa mối quan hệ của Liên hiệp hội Việt Nam với các hội thành viên và mối quan hệ của Liên hiệp hội Việt Nam với các đơn vị 81. Về mối quan hệ giữa Liên hiệp hội Việt Nam với các đơn vị 81, nên chăng cân nhắc khái niệm “bảo trợ” thay cho khái niệm “trực thuộc”. Đây là khái niệm đã từng được sử dụng trong một số trường hợp tương tự, chẳng hạn như các tổ chức hội “bảo trợ” các trường dân lập.

Gần đây, theo các số liệu được cung cấp thông qua Liên hiệp hội Việt Nam, một số lượng lớn các đơn vị 81 đã nhận được kinh phí của Nhà nước để thực hiện các dự án. Chỉ tính riêng trong thời gian 5 năm (2004 – 2008), trong số 194 dự án với tổng kinh phí của Nhà nước là gần 120 tỷ đồng do Liên hiệp hội Việt Nam quản lý, đã có 98 dự án, chiếm 50,05% do các đơn vị 81 thực hiện.

Một khi đã cho ra đời một đơn vị 81 thì vấn đề đặt ra đối với những người có đầy đủ ý thức trách nhiệm là ngay từ đầu cần nắm chắc được tình hình và kết quả của hoạt động của đơn vị đó. Thông qua công tác chỉ đạo và kiểm tra, Liên hiệp hội cần kịp thời phát hiện, biểu dương những cố gắng và thành tích, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc và sai trái của từng đơn vị. Đối với những tranh chấp dân sự và vụ việc hình sự, trách nhiệm của Liên hiệp hội Việt Nam là bênh vực và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các đơn vị 81 có liên quan, mặt khác tích cực góp phần làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh những tập thể và cá nhân vi phạm pháp luật. Tuỳ theo điều kiện, Liên hiệp hội Việt Nam có thể trợ giúp các đơn vị 81 bằng việc cung cấp thông tin, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, tổ chức trao đổi ý kiến và kinh nghiệm. Trong chừng mực hợp lý và cần thiết, Liên hiệp hội Việt Nam cũng có thể tạo điều kiện cho một số đơn vị 81 tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án phát triển công nghệ (gọi chung là dự án) hoặc các hoạt động khác.

Nội dung và khối lượng công tác quản lý các đơn vị 81 đòi hỏi Liên hiệp hội Việt Nam cần có bộ máy tổ chức tương xứng bao gồm những cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và nhiệt tình công tác. Cùng với trách nhiệm nặng nề, những cán bộ đó cần được thường xuyên quan tâm động viên, bồi dưỡng nghiệp vụ và hưởng chế độ đãi ngộ thoả đáng (có thể trích từ chính khoản đóng góp của các đơn vị 81 cho cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam).

Thanh Tùng, , , ,
Vusta
Tin liên quan