Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản: Kết quả chưa như mong đợi
(Ngày đăng: 15/09/2012)

Hàng loạt chính sách tài chính phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Trung ương ban hành như: Quyết định 67/1999/NHNN, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Quyết định 497/QĐ-TTg, Quyết định 2213/QĐ-TTg, đặc biệt là Quyết định 63/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Tuy nhiên, thực tế thực hiện chưa như mong đợi.
Chỉ số ít máy gặt đập liên hợp được hỗ trợ lãi suất cho vay.

             Nhiều người kỳ vọng về kết quả của Quyết định 63 sẽ hỗ trợ được nhiều đối tượng, đặc biệt là nông dân, với mức lãi suất ưu đãi. Thực tế đã có đối tượng vay được hưởng lợi ngay sau khi quyết định có hiệu lực. Ông Lê văn Tuấn, ấp Mỹ Trinh, xã Thiện Trung (Cái Bè) cho biết, ngay khi có chính sách ưu đãi ông đã được hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp. Với chính sách này, ông đã mua máy gặt đập liên hợp có giá 280 triệu đồng, trong đó được Nhà nước hỗ trợ 230 triệu đồng, với mức lãi suất 0%, trong thời gian 2 năm. Sau thời gian 2 năm máy hoạt động, ông đã hoàn vốn và tiếp tục mua thêm một máy gặt đập liên hợp.

            Đối với đơn vị cung ứng máy móc phục vụ nông nghiệp cũng hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ lãi suất. Ông Nguyễn Hồng Thiện, Giám đốc DNTN Tư Sang (Cái Bè) cho biết, với chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 63 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp cho các doanh nghiệp rất lớn trong việc bán được sản phẩm, nhờ vào đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp. Với chính sách này, nông dân đỡ phải đóng lãi suất ngân hàng. Qua đó, doanh nghiệp đã cung ứng nhiều máy gặt đập liên hợp cho nông dân, tạo điều kiện tái đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất máy móc nông nghiệp, cạnh tranh được các sản phẩm khác và cuối cùng là nâng cao chất lượng sản phẩm doanh nghiệp. Về thủ tục mua máy rất đơn giản. Người nông dân đủ điều kiện vay theo Quyết định 63 của Thủ tướng Chính phủ sẽ đến doanh nghiệp làm hợp đồng, liên hệ với ngân hàng để vay vốn hỗ trợ, sau khi nhận máy sẽ đem hóa đơn mua hàng đến ngân hàng.

            Hiệu quả là vậy nhưng thực tế chưa có nhiều nông dân được hưởng lợi. Với tư cách là đơn vị cung ứng vốn vay hỗ trợ lãi suất, ông Kiều Mạnh Minh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Chi nhánh Tiền Giang cho biết, thực hiện Quyết định 63 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh triển khai thực hiện tương đối mạnh. Tuy nhiên, đến nay theo số liệu thực tế và nhận định chung, kết quả việc thực hiện theo Quyết định 63 còn yếu. Ngân hàng NN&PTNT Tiền Giang mới chỉ thực hiện ở 2 món vay là máy gặt đập liên hợp, chỉ được 48 cái và cho vay được 2 nhà máy xay xáy lúa ở Cai Lậy, với tổng số vốn đã giải ngân là 16,9 tỷ đồng, một con số còn hết sức khiêm tốn so với nhu cầu của nông dân.

            Nguyên nhân có nhiều nên cần có hội thảo để mổ xẻ những tồn tại, vì theo tinh thần Quyết định 63 có rất nhiều đối tượng được vay hỗ trợ lãi suất. "Cũng may là quy hoạch khu kho lương thực tỉnh vừa được thông qua, với tổng số vốn đầu tư khoảng 314 tỷ đồng, chia làm 2 năm, trong đó năm 2012 khoảng 100 tỷ đồng. Do vậy, Ngân hàng NN&PTNT sẽ tiếp cận dự án, đồng thời tăng cường cho vay máy gặt đập liên hợp, kho lạnh. Cái vướng chính hiện nay là theo Quyết định 63, máy móc phải có tỷ lệ nội địa hóa 60%", ông Kiều Mạnh Minh cho biết.

           Còn theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo chủ trương chung của Chính phủ và ngành được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc. Các ngân hàng thực hiện khá thuận lợi về cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, đúng đối tượng, đúng mục đích, chưa xảy ra trường hợp nào lợi dụng về chính sách hỗ trợ lãi suất. Việc từ chối hỗ trợ lãi suất được các ngân hàng thông báo kịp thời cho khách hàng, các thông báo từ chối hỗ trợ lãi suất là phù hợp do khách hàng vay không đáp ứng được điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang cũng cho rằng, Quyết định 63 quy định máy móc thiết bị sản xuất tỷ lệ nội địa hóa 60% và phải nằm trong danh mục hàng hóa được hỗ trợ do Bộ NN&PTNT công nhận. Vì vậy rất hạn chế cho việc hỗ trợ vì xu thế của người tiêu dùng hiện nay rất thích hàng hóa do nước ngoài sản xuất vì tính năng bền hơn (trong năm 2011 ngân hàng đã cho vay mua 118 máy gặt đập liên hợp, trong đó máy nội chỉ có 38 máy, chiếm 32% tổng số máy).

           Mặc khác, Quyết định 63 quy định chỉ hỗ trợ lãi suất đối với món vay dài hạn nên cũng hạn chế đối tượng được vay vốn hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63 hiện nay chỉ hỗ trợ chủ yếu cho nông dân mua máy gặt đập liên hợp, còn việc đầu tư vốn để xây kho lạnh ngành thủy sản, kho dự trữ lúa, gạo, sân phơi cũng còn rất hạn chế. Ngày 2/12/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định 65/2011/QĐ-TTg về việc bổ sung, sửa đổi Quyết định 63 với nhiều điểm mới trong việc hỗ trợ như mở rộng thời hạn được hỗ trợ là cả vốn vay trung và dài hạn, nhưng kết quả đạt được cũng chưa như mong đợi.

 

Nhiều đối tượng được hỗ trợ lãi suất

Thông tư số 22/2012/TT-NHNN ngày 22/6 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 2/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Theo đó, máy móc, thiết bị đầu tư bằng vốn vay phải thuộc Danh mục các loại máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo quy định và được Bộ NN&PTNT công bố trong từng thời kỳ. Mức cho vay được hỗ trợ lãi suất do khách hàng và ngân hàng cho vay thỏa thuận, tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa. Các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất trong khung lãi suất của ngân hàng áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ. Khoản vay được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi được hỗ trợ 50% lãi suất vay. Ngoài ra, Thông tư 22 cũng quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản (bao gồm cả kho lạnh trên tàu đánh bắt thủy sản), rau quả, kho tạm trữ cà phê và các dự án đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch...

 

Ngân hàng đủ vốn cung ứng

Theo ông Kiều Mạnh Minh, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Tiền Giang là chi nhánh loại 1 và là chi nhánh duy nhất trong ĐBSCL thừa vốn, nên dễ cân đối nguồn vốn cho vay. Đến thời điểm này, tổng vốn huy động được là 6.912 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 5.402 tỷ đồng. Trong đó, cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 4.560 tỷ đồng, chiếm 88% trong tổng dư nợ. Ngân hàng NN&PTNT đủ sức cung ứng vốn cho bà con nông dân theo chủ trương phát triển "tam nông". Tuy nhiên, điểm yếu của nông dân hiện nay là không biết bán hàng, bài ca "được mùa rớt giá" vẫn còn nên Nhà nước, cùng các ngành cần giúp nông dân gỡ nút thắt này. Vừa rồi, một vài tỉnh ĐBSCL có thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" mang lại hiệu quả nhất định, nên Tiền Giang cũng nên học hỏi mô hình này. Còn đối với lĩnh vực cây ăn trái, thủy sản, các ngành cùng ngân hàng cần ngồi lại để tháo gỡ cảnh được mùa rớt giá chứ để nông dân tự bơi sẽ rất khó...

Thế Anh
website Tiền Giang
Tin liên quan