Nhịp sinh học (NSH) là sự hoạt động theo nhịp, là hệ dao động chức năng nội tại của mọi cơ thể sống để nó thích nghi với sự biến đổi có tính chu kỳ của môi trường và điều kiện sống. | |
Ngành sinh – y học và dự báo học quan tâm đặc biệt đến sự dao động của nhịp ngày đêm và nhịp theo tháng trong cơ thể con người. 300 năm trước công nguyên, thầy thuốc Herophin (Hy Lạp) đã phát hiện nhịp ngày đêm đầu tiên. Đến nay y học biết rõ sự tồn tại hơn 300 nhịp, quá trình trong cơ thể. Trên cơ sở đó đã ra đời các chuyên khoa: bệnh học thời khắc, chẩn đoán thời khắc, điều trị thời khắc, có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe con người.
Nhịp chu kỳ theo tháng tồn tại khách quan, vĩnh hằng trong vũ trụ: 27 ngày 8 giờ là thời gian mặt trăng quay một vòng quanh Trái đất; 29 ngày 12 giờ là thời gian của tuần trăng, thường gọi là tháng giao hội; 27 ngày là số ngày mặt trời quay một vòng quanh trục của nó. Mặc dù nhịp theo tháng được thầy thuốc Santoris phát hiện lần đầu từ thế kỷ 17 nhưng mãi đến những năm 1930 các nhà khoa học mới khẳng định có sự liên quan mật thiết giữa các yếu tố có nhịp theo tháng của địa vật lý, bức xạ vũ trụ, quang vật lý, biến đổi hoạt tính của mặt trời... với các nhịp nội sinh theo tháng trong cơ thể con người.
Mỗi một người từ khi lọt lòng đến viên mãn cuộc đời đã mặc định trong cơ thể tồn tại ba loại nhịp dao động dạng sóng tuần hoàn. Đó là nhịp thể lực 23 ngày, nhịp cảm xúc 28 ngày và nhịp trí tuệ 33 ngày.
Với góc tọa độ là ngày sinh (dương lịch), trục tung là biên độ nhịp, trục hoành biểu thị chu kỳ dao động các nhịp, đường biểu diễn sẽ có dạng sóng hình sin (Hình 1).
Ở nhịp thể lực: nửa chu kỳ đầu là thời gian của sức lao động bền bỉ, năng suất, nếu thi đấu thể thao thì sẽ đạt thành tích đỉnh cao... Nửa chu kỳ còn lại là thời gian của sự mệt mỏi, rã rời, năng suất lao động kém.
Ở nhịp cảm xúc: ứng với phần (+) của chu kỳ là thời điểm trong lòng phấn chấn vui tươi, rất thích hợp cho công việc giao tiếp bạn hàng, ký kết hợp đồng kinh doanh buôn bán. Ở phần (-) chu kỳ là thời gian của sự chán nản, xao nhãng, không chú tâm làm việc, lòng mang nặng một nỗi buồn vô cớ, gần giống với cảm xúc mà nhà thơ Xuân Diệu ghi nhận:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Ở nhịp trí tuệ: phần (+) của chu trình là thời gian mẫn tuệ của trí não. Sự mẫn tuệ đó có thể giúp người ta trả lời xuất sắc các câu hỏi đố. Phần (-) của chu kỳ là thời gian của sự suy nghĩ trì trệ, khó nhớ, mau quên, dễ nhầm lẫn trong các thao tác, vận hành thiết bị.
Trong kỹ thuật dự báo rủi ro, đề phòng tai nạn lao động (TNLĐ), người ta phải xác định những ngày gay cấn, ngày nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đối với người lao động (NLĐ). Thời điểm, mức độ xảy ra sự rối loạn khủng hoảng các NSH nội tại bên trong cơ thể tương ứng với thời điểm, tình trạng đường biểu diễn các NSH chuyển pha, giao cắt với trục hoành trên đồ thị. Từ đó, có thể dự đoán được những ngày gay cấn, nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm để cảnh báo cho mỗi NLĐ đề cao cảnh giác, chấp hành nghiêm túc các quy trình vận hành an toàn máy móc thiết bị và cũng để các nhà quản lý sản xuất tổ chức lao động khoa học, phòng tránh TNLĐ.
- Ngày gay cấn là ngày tại điểm chuyển pha của 1 NSH trong lúc 2 nhịp còn lại ở phần (-) của chu kỳ (Hình 2).
- Ngày nguy hiểm là ngày có 2 nhịp giao nhau tại trục hoành và càng nguy hiểm hơn khi nhịp thứ ba đạt biên độ cực đại ở phía (-) của trục tung. Tần suất xuất hiện của tình huống này là 7 - 8 lần/năm (Hình 2).
- Ngày đặc biệt nguy hiểm là ngày tại một điểm trên trục hoành cả ba nhịp cùng giao nhau và chuyển pha. Tình trạng này xuất hiện 400 ngày một lần (Hình 3).
Sự dao động của ba nhịp theo tháng có vòng tuần hoàn là 58 tuổi 66 hay 67 ngày (tùy theo đó là năm thường hay năm nhuận). Có nghĩa là ở chu kỳ có 21.252 - 21.285 ngày tuổi các nhịp lại trở về chu kỳ dao động đầu tiên (1 - 33 ngày tuổi). Nếu ta cộng thêm 1 tuổi của bào thai thì vòng tuần hoàn trên sẽ là 59 tuổi 66 (67) ngày. Con số này rất gần với 60 năm (tính năm âm lịch) là vòng tuần hoàn của lục thập hoa giáp. Đây là sự gặp gỡ ngẫu nhiên mà đầy thú vị trong khoa học dự báo của hai nền văn minh Âu - Á.
Thực nghiệm cho thấy, tỷ lệ trùng khớp khá cao giữa những ngày khủng hoảng của NSH với những TNLĐ đã xảy ra trong thực tế. Ví dụ, ở Liên Xô (cũ): 85% - mỏ khai thác vàng Giolotô; 75% - cảng Odessa; 78% - Kaliningrad; 80% - mỏ than Crasnoli...
Có cơ sở lý thuyết khoa học, được chứng minh bằng thực tiễn, đã khiến nhiều quốc gia đưa NSH ứng dụng trong công tác phòng ngừa rủi ro và TNLĐ. Ví dụ: ở Nhật, hãng OMI Railway, trong năm đầu áp dụng (1969), đã giảm được một nửa số TNLĐ, và các năm sau tiếp tục giảm. Ở Gruzia, TNLĐ nghiêm trọng giảm 70% ở nhiều xí nghiệp vận tải ô tô. Ở Việt Nam, tại Nghệ An, áp dụng từ năm 1986, tai nạn nghiêm trọng giảm 86% ở Xí nghiệp vận tải số 1; 70% ở Xí nghiệp vận tải sông Đà...
Như vậy, mặc dù rủi ro, TNLĐ xảy ra có nhiều nguyên nhân từ các yếu tố môi trường, điều kiện lao động, công nghệ thiết bị; nhưng những phân tích ở trên cho thấy những ngày khủng hoảng của NSH là yếu tố chủ quan, nội tại về tâm - sinh lý của NLĐ.
Trong thời điểm mà những rủi ro, TNLĐ, tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra ngày càng trầm trọng như hiện nay thì việc ứng dụng NSH, cho NLĐ biết trước những ngày khủng hoảng trong NSH của mình để đề cao cảnh giác, tập trung chú ý khi làm việc, khi vận hành thiết bị, khi tham gia lưu thông... chắc chắn sẽ mang lại lợi ích không nhỏ trong công tác dự báo rủi ro, đề phòng TNLĐ, bảo vệ sức khỏe và tính mạng.