Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Những lưu ý để nuôi tôm an toàn thực phẩm
(Ngày đăng: 26/08/2012)

Ngày nay, các sản phẩm tôm nuôi nói riêng và các sản phẩm hàng hóa nói chung, ngoài vấn đề phải có mùi vị thơm ngon, đẹp mắt, kích cỡ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng,... thì vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, việc nuôi tôm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời điểm hiện nay là việc làm vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu, từ đó giúp phát triển bền vững nghề này.

Điều kiện về cơ sở vật chất

Đầu tiên, ao nuôi phải có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2, độ sâu từ đáy ao đến mặt bờ phải đạt tối thiểu 2,0 m; bờ ao phải chắc chắn, không rò rĩ. Đáy ao phải được gia cố đầm đáy, chống thấm, nền phẳng, dốc nghiêng về phía cống thoát từ 8 – 10 độ. Ao phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt đảm bảo chắc chắn không rò rĩ. Cống cấp nước phải có lưới chắn lọc nước nhằm loại bỏ cá tạp, địch hại và cỏ rác khi cấp nước vào ao.

Đối với hệ thống xử lý nước cấp và chất thải, ao chứa (lắng) dùng để trữ nước và xử lý làm sạch nước trước khi cấp cho các ao nuôi. Diện tích ao chứa chiếm từ 15 - 20% tổng diện tích mặt nước của cơ sở, vùng nuôi; bờ và đáy ao chắc chắn, không rò rĩ, thẩm lậu. Cơ sở, vùng nuôi tôm phải có khu chứa bùn thải đảm bảo xử lý hết lượng bùn thải sau mỗi đợt nuôi, khu chứa bùn thải có bờ ngăn không để bùn và nước từ bùn thoát ra môi trường xung quanh. Đối với hệ thống kênh cấp và kênh thoát nước, cơ sở, vùng nuôi tôm phải có kênh cấp và kênh thoát nước riêng biệt, chắc chắn, không rò rĩ, thẩm lậu, đảm bảo đủ cấp và thoát nước khi cần thiết.

 Về hệ thống cơ sở hạ tầng phụ trợ bao gồm nhà ở, nơi làm việc, kho chứa thức ăn, kho chứa và bảo quản máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu và công trình phụ trợ khác phải tách biệt với hệ thống ao nuôi, đảm bảo yêu cầu chắc chắn, khô ráo, thông thoáng và có kệ để nguyên vật liệu cách sàn nhà tối thiểu 15cm; có ngăn bảo quản riêng biệt máy móc, ngư cụ, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, nhiên liệu.

Cơ sở nuôi tôm phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng cho vận hành sản xuất. Vùng nuôi tôm phải được trang bị hệ thống máy bơm và xây dựng hệ thống cấp, thoát nước cho cả vùng. Động cơ và thiết bị dùng trong nuôi tôm phải đảm bảo kỹ thuật, không được rò rĩ xăng dầu gây ô nhiễm môi trường.

 

Nuôi tôm theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững (Ảnh chụp tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang)

Về quy trình công nghệ nuôi tôm

 Chuẩn bị ao nuôi, trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi. Nước cấp vào ao nuôi tôm phải được xử lý nhằm loại bỏ mầm bệnh, địch hại. Nước cấp và nước trong quá trình nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng nước theo quy định.

Tuyển chọn con giống và thả giống, tôm giống để nuôi phải đảm bảo chất lượng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành. Về mật độ thả giống, mật độ nuôi tôm chân trắng thâm canh lớn hơn 60 con/m2. mật độ nuôi tôm sú thâm canh lớn hơn 20 con/m2 với mùa vụ thả giống theo lịch mùa vụ hàng năm của địa phương.

Thức ăn và chất bổ sung thức ăn sử dụng trong nuôi tôm phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Trường hợp cơ sở tự sản xuất thức ăn cho tôm thì chất lượng thức ăn phải đảm bảo theo quy định. Thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phải nằm trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

 Quản lý và chăm sóc, mực nước ao nuôi phải được duy trì thấp nhất 1,4 m. Chủ cơ sở nuôi tôm phải định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước, bùn đáy ao nuôi. Khẩu phần ăn của tôm thường từ 2 - 4% trọng lượng tôm/ngày, tuy nhiên mỗi lần cho ăn người nuôi cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp; số lần cho tôm ăn 2 - 4 lần/ngày. Nước thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định. Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt, không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.

Phòng bệnh cho tôm, cơ sở nuôi tôm phải xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi. Tôm bệnh, tôm chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom, xử lý kịp thời. Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh. Cơ sở nuôi tôm phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cơ sở nuôi tôm phải ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ về hoạt động sản xuất nuôi tôm theo mẫu.

KS Nguyễn Quang Trí, Chi cục Thủy sản Tiền Giang
Tin liên quan