Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Lũ đang đổ về ĐBSCL: Giải pháp giúp bảo vệ vườn cây trước lũ
(Ngày đăng: 26/08/2012)

Lũ đang bắt đầu đổ về vùng ĐBSCL, để giảm thiểu thiệt hại do lũ và mưa lớn gây ra, TS. Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam và TS. Dương Minh (ĐH Cần Thơ) khuyến cáo các giải pháp giúp nhà vườn bảo vệ vườn cây.

Phần lớn diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL đều có nguy cơ ngập do lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với mưa dầm, triều cường. Các vườn cây ăn trái bị ngập, bề mặt đất phủ một lớp phù sa vì vậy đất sẽ không còn đủ oxy cung cấp cho bộ rễ hô hấp (hay gọi là nghẹt rễ). Đồng thời, rễ cây cũng bị ngộ độc CO2 và các acid hữu cơ nên rất dễ bị các loại nấm bệnh tấn công gây hại cho cây trong và sau mùa lũ. Ngoài ra, hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị “stress”, tổng hợp ethylen bên trong cây gây ngộ độc, làm cho lá cây có hiện tượng bị vàng nhanh và rụng. Qua điều tra cho thấy mức độ chống chịu ngập của một số cây ăn trái vùng ĐBSCL rất khác biệt nhau, chia làm 3 nhóm. Nhóm cây dễ dàng chết khi bị ngập lũ (thường khả năng chịu ngập dưới 15 ngày) gồm các loại như đu đủ, mít, cóc, nhãn, chôm chôm, cam, quýt (nhất là quýt tiều), măng cụt, mãng cầu ta, sơ ri, sầu riêng… Nhóm cây chịu úng trung bình (chịu được ngập 15 - 30 ngày) là bưởi, chanh (chanh giấy chịu đựng khá hơn), chuối, ổi, me, vú sữa, dâu, khế… Thứ ba là nhóm cây chống chịu ngập úng khá (thường chịu đựng ở điều kiện ngập úng từ trên 30 - 60 ngày) như xoài, sapo, mãng cầu xiêm (tháp gốc bình bát), mận… Ngoài chủng loại giống, tuổi cây liên quan đến khả năng chống chịu, cây tơ chịu ngập kém hơn cây trưởng thành hay cây trồng lâu năm. Biện pháp canh tác cũng tác động lớn đến khả năng chống chịu ngập lũ của cây, đầu mùa lũ bón thừa phân đạm và lân cây sẽ dễ chết hơn.

Cục bảo vệ thực vật đã đề nghị một số biện pháp thực hiện trong và sau lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vườn cây ăn trái do lũ xảy ra. Giai đoạn trong lũ, nếu không bảo vệ được bờ bao, nước đã vào ngập vườn thì nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp vườn cây. Nhờ dòng chảy thoáng sẽ cung cấp một phần nguồn oxy giúp rễ cây có điều kiện dễ dàng hô hấp hơn. Đề phòng sóng lớn hoặc nước chảy quá mạnh làm cây đổ ngã. Cần hạn chế tối đa sự đi lại trong vườn, khi thật cần thiết thì dùng xuồng nhỏ di chuyển. Nếu cây đâm tược non, hoa hay trái thì tỉa và hái bỏ. Nên xử lý lá bằng cách phun dung dịch phosphat kali (4/5) + urê (1/5), nồng độ 1 - 1,5% hoặc phun hỗn hợp DAP (2/3) + clorur kali (1/3), nồng độ 1 - 2%, nên xử lý vào chiều mát, nếu pha thêm chất bám dính càng tốt nhằm tránh rửa trôi mưa. Phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Việc xử lý này nhằm mục đích làm cho lá mau già, cây chậm tăng trưởng và đi vào giai đoạn ngủ nghỉ, ít tiêu hao năng lượng vì rễ cây không đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng. Giải pháp nữa là phun dung dịch đường qua lá nhằm cung cấp thêm năng lượng cho cây hoặc hoạt chất có chứa cytokynin như Agrispon, Sincisin… giúp ngăn cản quá trình tổng hợp ethylen và sự oxid hóa diệp lục tố, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu ngập úng.

Ở giai đoạn sau lũ, một trong những nguyên nhân làm cho vườn cây ăn trái chết hàng loạt sau lũ là do hiện tượng bề mặt đất bị kết váng của phù sa, rễ cây bị nghẹt thiếu sự hô hấp, rễ bị thối do nấm bệnh. Các biện pháp cần thực hiện đó là khai rãnh mặt liếp để hạ nhanh mực thủy cấp trong vườn, xới mặt đất bằng cào răng để phát sự kết váng giúp mặt đất thông thoáng. Sau đó dùng rơm hay cỏ khô để che phủ mặt đất, nên che xa gốc cây khoảng 20 cm, tránh nấm bệnh tấn công vào gốc cây. Bón phân DAP (2/3) + clorur kali (1/3) với liều lượng 0,2 - 1 kg hỗn hợp/cây (tùy thuộc tuổi và loại cây), kết hợp phân chuồng (nếu có) nhằm kích thích cho vi sinh vật đất hoạt động tốt và rễ mới phát triển nhanh, cây được phục hồi, bón phân thực hiện cùng lúc với mặt đất. Thứ ba là phun xịt các loại phân qua lá có chứa NPK, calcium và silic, thuốc trị các loài bệnh gây hại ở vùng gốc và rễ (chọn loại thuốc phù hợp với loài nấm bệnh gây hại).

 

ANH ĐỨC
Tin liên quan