Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bệnh não mô cầu - nguy cơ lan rộng
(Ngày đăng: 25/08/2012)
Bệnh não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là Meningococcus) gây ra. Đây là loại cầu khuẩn Gram âm, xếp dạng song cầu, với bệnh cảnh chính là viêm màng não, nên người ta gọi là bệnh não mô cầu. Có 6 nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu là A, B, C, W135, X và Y. Bệnh não mô cầu có thể gây nên các vụ dịch lớn.

Vi khuẩn não mô cầu cư trú tại vùng họng, mũi của người bệnh và lây truyền qua đường hô hấp. 10-20% người khỏe mạnh có vi khuẩn này trong dịch hầu họng nhưng không có biểu hiện bệnh (gọi là người lành mang trùng). Bệnh lây trực tiếp do tiếp xúc gần (như ho, hắt hơi, hôn) hoặc gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có dính chất tiết từ đường hô hấp của người lành mang trùng. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em 5-15 tuổi. Bệnh gia tăng khi thời tiết thay đổi, chủ yếu vào mùa đông xuân và lây lan mạnh tại những nơi tập trung đông người.

Triệu chứng chính của bệnh là sốt cao, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, lơ mơ, nếu nặng hơn có thể hôn mê và shock nhiễm trùng; da có nhiều mảng xuất huyết gồm những nốt thâm tím, đỏ, nhiều kích thước khác nhau, hình loang lổ như ban đỏ, có thể hoại tử (người dân có thể nhầm với bệnh sốt xuất huyết).

Biểu hiện nổi các mảng tử ban ở da

Về diễn biến của bệnh, người bệnh có thể chỉ bị viêm họng và có thể tự khỏi nếu như bệnh nhẹ, không biến chứng. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm màng não (chiếm đa số các trường hợp) hoặc bị nhiễm trùng huyết. Biến chứng bao gồm các biến chứng thần kinh như điếc, liệt, động kinh hoặc biến chứng toàn thân như shock nhiễm trùng, suy đa phủ tạng. Tỷ lệ tử vong từ 10-50% khi bệnh nặng. Phải điều trị thật sớm bằng các nhóm kháng sinh như penicillin, ampicillin, chloramphenicol và ceftriaxone để vừa ngăn chặn bệnh tiến triển, vừa tránh các biến chứng nguy hiểm.

Màng não bình thường và bệnh lý não não mô cầu

Bệnh xuất hiện khắp nơi trên thế giới nhưng tập trung tại các nước vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh này rất phổ biến trước đây nhưng 5 năm trở lại đây đã giảm nhiều do có thuốc tiêm ngừa. Cuối năm 2011, Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp viêm màng não do não mô cầu tại Quận 7 - Thành phố Hồ Chí Minh và Quận Hai Bà Trưng -Hà Nội. Sau đó, bệnh lan ra các địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh trước và sau Tết nguyên đán Nhâm Thìn. Hiện nay, qua thông tin đã có trên 20 trường hợp nhiễm não mô cầu từ ổ dịch ban đầu ở Công ty Furukawa ở Khu chế xuất Tân Thuận, Q7, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố tính đến ngày 04/02/2012, tại Khu vực phía Nam có 09 ca mắc, trong đó có 04 ca cho kết quả xét nghiệm dương tính (03 tại Thành phố Hồ Chí Minh và 01 ca tại Bình Dương), không có tử vong. Nguy cơ bệnh lây lan ra cộng đồng xung quanh là rất lớn do cơ chế lây từ người sang người và do phạm vi đi lại của con người là quá rộng, rất khó kiểm soát. Tại Tiền Giang chưa ghi nhận trường hợp bệnh não mô cầu nào đến thời điểm hiện nay.

Bộ Y tế đã chỉ đạo cho các tỉnh tăng cường phòng chống bệnh não mô cầu. Sở Y tế Tiền Giang đã chỉ đạo cho Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thị xã Gò Công, thành phố Mỹ Tho tăng cường tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường để phòng chống bệnh trên địa bàn; tổ chức trực các đội chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc điều trị và dự phòng, vật tư, hóa chất để chủ động phòng, chống dịch khi có ca bệnh xảy ra; đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện, thông tin kịp thời ca bệnh, điều tra, xử lý ổ dịch và báo cáo theo quy định. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan và triển khai điều trị dự phòng các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân và các trường hợp nghi ngờ.

Ngành Y tế khuyến cáo mọi người thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; thực hiện tốt vệ sinh nơi ở như tạo thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ trên 2 tuổi; khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, xuất huyết, ho, đau họng, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị; khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh cần thông tin cho ngành Y tế tại cơ sở để được điều tra giám sát xử lý kịp thời. Có quan tâm thực hành tích cực như vậy, hy vọng chúng ta sẽ kiểm soát và phòng tránh được một loại dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan trong cộng đồng, bên cạnh bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết mà tỉnh ta đang phải đối phó lâu nay./.

BS Trần Thanh Thảo, Sở Y tế TG
Tin liên quan