Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Dạy thêm - học thêm: Hoạt động đúng để phát huy mặt tích cực
(Ngày đăng: 25/08/2012)

Vấn đề dạy thêm - học thêm đã có từ lâu, ngoài tác dụng tích cực cũng tạo ra những tiêu cực trong hoạt động dạy, học ở cả trong và ngoài nhà trường, gây bức xúc trong nhân dân. Vấn đề không phải là cấm dạy thêm - học thêm, mà ngành Giáo dục cần có biện pháp tổ chức, quản lý như thế nào để hoạt động này đi vào quỹ đạo chung, phát huy được mặt tích cực. Tình trạng dạy thêm - học thêm hiện nay tràn lan từ quê ra phố, ở mọi cấp học, nhất là trong mùa hè. Trước thực trạng đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Oanh cho biết:
Ông Nguyễn Hồng Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang

Nội dung và phương pháp dạy thêm - học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh; phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm tâm sinh lý của người học. Hoạt động dạy thêm có thu tiền chỉ được thực hiện sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Nghiêm cấm mọi hình thức, biện pháp ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Không được tổ chức dạy thêm đồng loạt dưới hình thức tăng tiết trong trường học khi chưa được phép cấp có thẩm quyền. Người dạy thêm chịu trách nhiệm giảng dạy đúng nội dung, không dạy trước chương trình chính khóa mà học sinh đang theo học ở trường; không gợi ý hoặc dạy trước những nội dung để dành sau đó cho làm bài kiểm tra ở lớp chính khóa; không cắt xén hoặc dạy sơ sài những nội dung giảng dạy trong lớp học chính khóa để dành cho dạy thêm - học thêm; bảo đảm trật tự an toàn cho học sinh và khu vực xung quanh của các lớp học thêm.

Quy định việc dạy thêm - học thêm

* PV: Trong thời gian qua, việc tổ chức dạy thêm - học thêm trong nhà trường khá phổ biến. Xin ông cho biết điều kiện nào thì nhà trường được tổ chức dạy thêm - học thêm?

* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Dạy thêm - học thêm trong nhà trường bao gồm: phụ đạo học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức; ôn thi tuyển sinh THPT cho học sinh lớp 9; ôn thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cho học sinh lớp 12. Điều kiện mở lớp: Giáo viên dạy phải có trình độ đào tạo đạt chuẩn (tương đương với cấp học, môn học đăng ký dạy), khả năng chuyên môn tốt, hoàn thành tốt công tác được giao. Không cho phép dạy thêm đối với những giáo viên có tay nghề yếu, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc chưa hết thời gian tập sự. Có đủ cơ sở vật chất bảo đảm yêu cầu quy định về vệ sinh trường học. Nếu sử dụng phòng học của trường, số lượng học sinh/lớp không được quá 45 học sinh/lớp.

Xin khẳng định rằng các trường dạy học hai buổi trong một ngày thì không được tổ chức dạy thêm - học thêm. Việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường. Không tổ chức dạy thêm - học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao; luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

* PV: Điều kiện nào thì được tổ chức dạy thêm - học thêm tại nhà, thưa ông? 

* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm học thêm do các tổ chức khác hoặc do cá nhân thực hiện. Dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường bao gồm bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi. Điều kiện mở lớp: Nếu là giáo viên thuộc biên chế Nhà nước đang giảng dạy, công tác trong nhà trường thì phải bảo đảm đủ điều kiện quy định về trình độ, cơ sở vật chất... Nếu là người không thuộc biên chế Nhà nước hoặc không ở trong ngành Giáo dục thì ngoài quy định về trình độ, cơ sở vật chất, còn phải có bằng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm tương ứng với cấp học, môn học đăng ký giảng dạy; có chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên và được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận tư cách đạo đức tốt.

Có đủ cơ sở vật chất (phòng học, bàn ghế, ánh sáng và các điều kiện môi trường khác) bảo đảm đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trường học. Nơi dạy phải bảo đảm diện tích tương đương với diện tích bình quân cho mỗi học sinh/phòng học trong trường học, bàn ghế phù hợp lứa tuổi, đủ ánh sáng, hợp vệ sinh, không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Nếu dạy thêm kết hợp với nuôi giữ học sinh suốt buổi thì phải bảo đảm các điều kiện về nơi nghỉ thoáng mát, có đủ nước sạch phục vụ ăn uống, có nhà vệ sinh... Trước khi thực hiện dạy thêm, người tổ chức dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép kế hoạch dạy thêm, nội dung dạy thêm, danh sách người học, danh sách người dạy.

Giáo viên không được ép học sinh đi học thêm

* PV: Thực tế có một ít giáo viên "đì" học sinh để các em phải đi học thêm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Nhà trường hoặc cá nhân giáo viên khi mở lớp dạy thêm có thu tiền phải bảo đảm nghiêm tính tự nguyện của người học. Trường, giáo viên có thể tư vấn, phân tích kỹ cho học sinh và phụ huynh thông suốt những lợi, hại khi tham gia học thêm. Tuyệt đối không dùng bất kỳ một hình thức nào để ép buộc học sinh phải theo học để thu tiền nếu bản thân các em tự thấy không có nhu cầu và không được sự đồng ý của phụ huynh.

* PV: Nếu phát hiện giáo viên tổ chức dạy thêm - học thêm sai quy định thì ngành Giáo dục sẽ có biện pháp gì để xử lý?

* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm - học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm - học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy định dẫn tới vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội thì phải được xử lý thích đáng, bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

* PV: Theo ông thì học sinh có nên học thêm hay không, vì sao?

* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Công bằng mà nói thì dạy thêm - học thêm cũng có những mặt tích cực nhất định. Hiện nay chương trình học ở tất cả các cấp học còn nặng nề, quá tải, lớp học lại đông nên giáo viên khó có điều kiện để kèm cặp cho tất cả học sinh yếu kém. Chính vì vậy, việc tổ chức dạy thêm với mục đích giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức là một việc làm phù hợp. Đối với học sinh yếu kém, việc học thêm để lấy lại những kiến thức đã bị hỏng thì cũng cần thiết. Tuy nhiên, nếu có phương pháp tự học tốt thì cũng không nhất thiết phải đến các lớp học thêm. Đối với học sinh khá, giỏi nên để dành thời gian cho việc tự học, thay vì phải đến lớp học thêm. Học sinh cần phải tự tin vào năng lực của mình, đừng đi học thêm theo phong trào, thấy bạn đi học thêm mình cũng đi học thêm. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh không bao giờ đến lớp học thêm, nhưng có phương pháp tự học tốt, kết quả học tập vẫn rất cao. Vì vậy, mỗi học sinh cần phải chọn cho mình phương pháp học tập phù hợp, đó mới là cách tốt nhất giúp các em nắm vững kiến thức.

* PV: Xin cảm ơn ông.

Nguyên Võ (thực hiện)
Tiengiang.gov.vn
Tin liên quan