Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hiệu quả thiết thực mô hình tổ, đội khai thác thủy sản trên biển
(Ngày đăng: 18/08/2012)
Tàu cá liên kết với nhau thành các tổ, đội khai thác thủy sản trên biển nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cứu nạn,… là chủ trương đúng đắn của Nhà nước đã được các ban, ngành đoàn thể, cơ quan chức năng và ngư dân tích cực thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thành lập tổ, đội khai thác thủy sản biển vẫn còn một số khó khăn, nhất là thiếu chính sách hỗ trợ ngư dân.

    Xu hướng liên kết

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 1.362 tàu khai thác thủy sản, trong đó có 176 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngư trường hoạt động chủ yếu của các đội tàu lưới vây ánh sáng, lưới rê, câu mực từ 6 đến 8 Vĩ độ Bắc, 106 đến 108 Kinh độ Đông (vùng biển Đông Nam Bộ), còn đội tàu lưới kéo, đóng đáy; câu tay và các nghề khác có ngư trường hoạt động chủ yếu ở vùng biển Ba Động, Vũng Tàu, Nam Côn Sơn. Tại địa phương, nghề lưới kéo và lưới vây ánh sáng là 02 loại nghề đánh bắt xa bờ phát triển nhiều tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.

Ông Huỳnh Hữu Trí, Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, xuất phát từ việc chi phí hoạt động ngày càng tăng (nhiên liệu và các chi phí khác), thiết bị bảo quản sản phẩm còn thô sơ (bảo quản bằng nước đá), thời tiết (bão và ATNĐ) biến đổi không theo quy luật tự nhiên nên từ lâu các tàu cá đã tự phát tổ chức khai thác theo nhóm, tổ đội trên biển nhằm hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn. Bên cạnh đó, dưới sự vận động của các ban ngành, đoàn thể và cơ quan chức năng, một số tổ đội khai thác thủy sản biển tự phát này đã chuyển sang hoạt động theo điều lệ, quy chế cụ thể.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 tổ hợp tác khai thác thủy sản (chủ yếu ở huyện Gò Công Đông) đã được thành lập chính thức theo Thông tư 02/2006/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 42 phương tiện và 225 lao động tham gia. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 53 tổ hợp tác khai thác thủy sản (Tp Mỹ Tho và huyện Gò Công Đông) hình thành tự phát theo kiểu thoả thuận miệng với 450 phương tiện và 4.114 lao động tham gia.

 

(Ảnh chụp tại phường 2, Tp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

 

    Hiệu quả thiết thực

Tổ hợp tác khai thác thủy sản Tiến Phát (thị trấn vàm Láng, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) là Tổ hợp tác đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh (thành lập cuối năm 2010). Đến nay, qua hơn 1 năm hoạt động, mô hình hợp tác khai thác đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho tổ viên.

Ông Trần Văn Rô, Tổ trưởng Tổ hợp tác khai thác thủy sản Tiến Phát cho biết, càng ngày hoạt động của Tổ càng thuận lợi hơn, nhất là việc 6 tàu thành viên luân phiên nhau vận chuyển sản phẩm vào bờ và lấy nguyên liệu ra tiếp sức cho các tàu còn lại bám biển đánh cá. Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất, hiệu quả khai thác cũng cao hơn, ngư dân có lợi nhuận cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Dưa, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thanh Nguyên Thành (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) cho biết, vừa mới thành lập cuối tháng 5/2012, Tổ hợp tác có 4 tàu thành viên với 6 tàu hành nghề lưới rê 10. Tổng giá trị vốn góp của các thành viên là 6,7 tỷ đồng, trong đó vốn cố định 4,3 tỷ đồng và vốn lưu động 2,4 tỷ đồng. Mỗi năm, Tổ hợp tác sẽ tổ chức khai thác 2 chuyến (mỗi chuyến khoảng 6 tháng) với tổng doanh thu của 6 phương tiện trong một năm là hơn 23 tỷ đồng, lợi nhuận đạt được là 1,2 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao so với hình thức hoạt động riêng lẻ.

Theo ông Huỳnh Hữu Trí, các tổ hợp tác khai thác thủy sản được thành lập sẽ hỗ trợ nhau trong việc cứu hộ, cứu trợ lẫn nhau, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất trên biển; hỗ trợ nhau khi có thiên tai, tai nạn xảy ra cũng như mỗi khi có bão, thời tiết xấu. Nhờ đó, ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển để sản xuất, giải quyết được một số bất cập trong nghề khai thác hải sản trên biển như tránh được tranh chấp lao động giữa các tàu thuyền với nhau.

Các thành viên trong tổ hợp tác cũng hỗ trợ nhau khi vận chuyển sản phẩm vào bờ, vận chuyển nhiên liệu và nhu yếu phẩm từ bờ ra biển, sản xuất trên biển, cung cấp, trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường giá cả, từ đó làm hiệu quả khai thác biển cao hơn. Việc tìm kiếm ngư trường khai thác khi tham gia tổ đoàn kết cũng hiệu quả hơn do không mất thời gian và chi phí nhiên liệu, hỗ trợ kịp thời khi có sự cố về khai thác cũng như cho mượn lưới khi mất lưới hoặc các thiết bị khác.

     Cần hỗ trợ về chính sách

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các tổ hợp tác khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng vấp phải một số khó khăn. Các thành viên (tàu cá) trong tổ hợp tác không ổn định mà thay đổi nhiều lần trong năm, nguyên nhân là do tổ hợp tác không được thành lập bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận miệng lẫn nhau giữa các chủ tàu và các thuyền trưởng nên khi chủ tàu và thuyền trưởng thay đổi thì thành viên trong tổ cũng thay đổi theo.

Trình tự, thủ tục hỗ trợ và thành lập tổ hợp tác (tổ đoàn kết) theo Thông tư 02/2006/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phức tạp khó thực hiện. Các chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngư dân khi tham gia tổ đoàn kết sản xuất trên biển chưa đủ thuyết phục, việc vay vốn ưu đãi để tái sản xuất hoặc phát triển sản xuất tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết những khó khăn này, ông Huỳnh Hữu Trí cho biết, thời gian tới Chi cục Thủy sản sẽ tuyên truyền hiệu quả mà tổ đoàn kết đem lại cho toàn thể ngư dân trong tỉnh, từ đó vận động những tổ đoàn kết tự phát, thỏa thuận miệng thực hiện theo quy ước của tổ và có xác nhận của địa phương. Song song đó, vận động tất cả những tàu cá khai thác xa bờ chưa tham gia tổ đoàn kết thành lập tổ để hỗ trợ nhau trên biển. Bên cạnh đó, ông Trí cũng đề nghị, nhà nước cần ban hành quy định hướng dẫn thành lập tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển và chính sách hỗ trợ sản xuất khi ngư dân tham gia tổ, nhất là chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất.

Nguyễn Quang Trí, Chi cục thủy sản TG

 

Tin liên quan